Cộng đồng giàu có
Hoàng hôn buông xuống, bầu không khí ngột ngạt ban ngày dần tan biến, lượng người trên bãi biển ngày càng đông; có người đi theo gia đình, có nhóm tụm năm tụm ba, có người đi chỉ để chụp ảnh....
Giữa khung cảnh lãng mạn ấy, Tô Kỳ Lam, thiếu nữ 16 tuổi người dân tộc Kinh, cùng một vài người bạn đứng trên bờ cát, hướng mặt ra biển, vừa đàn vừa hát bài hát dân ca Qua cầu gió bay: "Yêu nhau, cởi áo ối à cho nhau; Về nhà, dối rằng cha dối mẹ a à a á a; Rằng a ối a qua cầu; Rằng a ối a qua cầu; Tình tình tình gió bay; Tình tình tình gió bay..."
Âm thanh quá đỗi quyến rũ cùng giọng hát trong trẻo hòa quyện với tiếng đàn bầu trầm bổng khiến tất cả du khách phải lắng nghe.
Kỹ năng chơi đàn bầu của Tô Kỳ Lam được ông nội cô là Tô Xuân Phát một tay chỉ dạy. Ông Tô Xuân Phát, 65 tuổi là người truyền thừa dự án di sản phi vật thể quốc gia Trung Quốc về nghệ thuật đàn bầu của dân tộc Kinh. Sứ mệnh của ông là kế thừa văn hóa dân tộc Kinh tại Trung Quốc.
Trải qua lịch sử hơn 500 năm, người Kinh ở Tam Đảo, thị trấn Giang Bình, thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây đã trở thành một dân tộc thiểu số của Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Thống kê Khu tự trị dân tộc Choang năm 2020, tỉnh Quảng Tây hiện chủ yếu có 12 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Hán chiếm số lượng đông nhất với hơn 31 triệu người (62,48%) và cũng là dân tộc có thu nhập cao nhất, còn dân tộc Kinh chỉ có hơn 29.000 người (0,06%).
Theo Nhật báo Quảng Tây, dân tộc Kinh là một trong những dân tộc thiểu số giàu có ở Trung Quốc.
"Thu nhập bình quân đầu người của người Kinh (năm 2019) vượt mức trung bình toàn quốc hơn 4.000 NDT, tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt gần 100%, tỷ lệ sở hữu ô tô trên 80%... Đời sống của người Kinh ngày càng khá giả", báo này viết.
Người Kinh ở Trung Quốc đang tiếp tục phát huy và duy trì bản sắc văn hóa độc đáo. Ảnh: Nhân dân nhật báo
Vạn Vĩ là thôn người Kinh lớn nhất ở Tam Đảo, đời sống phát triển dựa vào ngành công nghiệp không khói - du lịch. Bí thư thôn Vạn Vĩ cho biết, ở thôn này, tìm người Kinh nghèo mới khó chứ tìm người Kinh giàu thì rất dễ.
Hai thôn khác là Vu Đầu và Sơn Tâm cũng không kém cạnh, đang tích cực phát triển các ngành công nghiệp như nuôi trồng hải sản, chế biến hải sản, phát triển du lịch nông thôn. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của hai thôn này vượt 20.000 NDT.
Đặc biệt, người Kinh ở Tam Đảo rất chú trọng gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ - tiếng Việt và kế thừa văn hóa dân tộc Kinh. Tiếng Kinh (tiếng Việt) là môn học bắt buộc trong trường học Dân tộc Kinh thành phố Đông Hưng.
Phó hiệu trưởng Lâm Huy Tước chia sẻ: "Chúng tôi dạy học song ngữ tiếng Hán và tiếng Kinh; học sinh dân tộc Kinh và học sinh dân tộc Hán học lẫn ngôn ngữ của nhau. Nhà trường còn tổ chức môn học tự chọn nghệ thuật của dân tộc Kinh như đàn bầu và biểu diễn cà kheo...".
GDP lớn hơn nhiều nền kinh tế thế giới
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, GDP tỉnh Quảng Tây năm 2022 đạt 2,63 nghìn tỷ NDT (khoảng 358 tỷ USD), tăng 2,9% so với năm 2021.
Thú vị là, nếu đem chỉ số GDP của Quảng Tây so sánh với chỉ số GDP của các nền kinh tế thế giới thì Quảng Tây sẽ nằm trong top 44 nền kinh tế lớn theo danh sách công bố của Ngân hàng Thế giới, vượt nhiều quốc gia như Phần Lan (280 tỷ USD), New Zealand (247 tỷ USD), Qatar (237 tỷ USD) v.v...
Xét về các ngành công nghiệp của Quảng Tây, khu vực một (nông nghiệp chăn nuôi) đạt 426,981 tỷ NDT, tăng 5,0% so với năm trước; khu vực hai (khai khoáng chế tạo) đạt 893,857 tỷ NDT; khu vực ba (dịch vụ) đạt 1,3 tỷ NDT.
Năm 2022, trước tác động của nhiều yếu tố bất ngờ như môi trường quốc tế thiếu ổn định, dịch bệnh tái diễn, kinh tế Quảng Tây đã vượt qua khó khăn và phục hồi tổng thể ổn định.
Các mục tiêu chính phát triển kinh tế xã hội trong năm 2023 của Quảng Tây cũng đã được xác định: Dự kiến GDP đạt mức tăng trưởng 5,5%, doanh thu ngân sách công 5%, giá trị gia tăng công nghiệp trên quy mô được chỉ định 6,5%, đầu tư tài sản cố định hơn 8%, tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng hơn 6,5% và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 7%.
Tỉnh này dự kiến sẽ tạo thêm 300.000 cơ hội việc làm mới và kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống dưới 6%. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng sẽ được duy trì ở mức khoảng 3%.
Về thương mại quốc tế, với vị trí địa lý đặc thù, Quảng Tây được coi là cửa ngõ để Trung Quốc kết nối với các nước ASEAN. Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) cho hay, từ năm 2000, ASEAN luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây.
Theo Báo Tin tức, tại Hội nghị hợp tác thương mại và xuất nhập khẩu Việt Nam - Quảng Tây (Trung Quốc) diễn ra hồi tháng 4, bà Wu Juan, Phó Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc Chi nhánh Quảng Tây cho biết, trong các nước ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Đồng thời, theo bà Wu, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây suốt 24 năm liên tiếp.
Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam là 29,3 tỷ USD, chiếm 70% tổng kim ngạch thương mại giữa Quảng Tây và ASEAN.
Theo CafeF