Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Một thời trong ký ức

Chủ nhật, 08/10/2017 | 22:24
Thời ấy, có nhiều kỷ niệm một thời đi không trở lại. Trong đó, nhớ mãi những bữa cơm chiều “góp gạo thổi cơm chung” của nhóm sinh viên năm thứ nhất “bộ tứ” chúng tôi để “cùng dắt nhau qua những ngày gian khổ/ Cùng dắt nhau qua quãng đời sinh viên” nơi đất khách quê người...

Gần đây, tình cờ đọc bài “Dễ nhớ lại khó quên” của tác giả Lê Minh Quốc (Báo Sinh viên Việt Nam) với đoạn mở đầu “Trong trí nhớ của nhiều người, thời sinh viên vẫn là tháng năm đẹp nhất. Dễ nhớ lại khó quên. Lúc ấy, người ta vừa đủ lớn “Đứng ngẩn ngơ trông vời áo tiểu thư (Huy Cận) nhưng chưa phải lo toan với những chuyện nhọc nhằn, cơm áo gạo tiền. Họ vừa trưởng thành lại vừa trẻ con. Đi dưới đất nhưng tâm hồn lại bay bổng trên ngọn cây. “Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ” (Đinh Hùng).” Liên hệ với bản thân thấy thụ vị quá. Bồi hồi nhớ lại một thời trong ký ức “Đời sinh viên sống trong tình bạn thân” tại Trường Đại học Văn hóa Quốc gia Kharkov – Ucraina (1974 – 1978). Tính đến hôm nay, chao ôi, đã qua đi 43 năm trời đằng đẵng mà tưởng chừng như mới ngày hôm qua, hôm kia gì đấy.

Thời ấy, có nhiều kỷ niệm một thời đi không trở lại. Trong đó, nhớ mãi những bữa cơm chiều “góp gạo thổi cơm chung” của nhóm sinh viên năm thứ nhất “bộ tứ” chúng tôi để “cùng dắt nhau qua những ngày gian khổ/ Cùng dắt nhau qua quãng đời sinh viên” nơi đất khách quê người.

Một thời trong ký ức
Tác giả với cây đàn sinh viên - 1974

Hàng ngày, quanh mâm cơm đạm bạc, liên tục từ thứ hai đến thứ 6 trong tuần, “thực đơn” chính là rau các loại, luộc hoặc xào cùng cá biển rẻ tiền. Chủ yếu “Môi – va” bé nhỏ nhưng có thể lấy mỡ nó rán nó, rất thơm tho lại hợp với học bổng sinh viên. Riêng thứ bảy, chủ nhật mới dám cải thiện thay cá bằng gia súc lại thêm tý “cay” cho đời thăng hoa. Và, bữa cơm nào cũng đậm đà thêm bởi những chuyện tâm tình về miền quê – nơi tuổi thơ ta đã trải qua đẹp như giấc mơ – của mỗi thành viên, sinh ra và lớn lên ở các miền khác nhau của đất nước.

Tôi – người Hà Nội, thường hoài niệm tuổi thơ đầy mộng mơ là lần cùng cô bạn chung “ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó” đến Đền Ngọc Sơn vào đêm giao thừa, kính cẩn thắp một nén hương xin phước lành cho cả năm, cầu an cho cả nhà. Sau đó, dắt tay nhau dạo quanh Hồ Gươm hái lộc cho đến sớm mai ngày, bịn rịn chia tay đôi ngả. Và, không sao quên nổi cái đêm khủng khiếp (28-12-1972) máy bay ném bom khổng lồ B52 của đế quốc Mỹ, giải thảm từ nhà Dầu đầu phố Khâm Thiên đến ngã tư Ô chợ Dừa. Kể lại cho bạn bè nghe, dường như trong tôi còn vang vọng tiếng khóc than của người sống đứng bên người thân ra đi nằm sâu thẳm dưới hố bom tàn ác kia. Hồng Hải, sinh ra và lớn lên từ bến Cảng luôn mơ ước mai ngày “công thành danh toại” về quê, đoàn tụ gia đình là dân chài lưới vùng biển Ngọc Minh, nhớ nhiều quê hương 5 tấn Thái Bình. Nhất là những buổi cùng mẹ cha, bà con xóm làng vui tiếng hát, gặt hái trên cánh đồng bội thu, rộng mênh mông tới chân trời xa thẳm. Còn Mạnh Hà, giọng khúc ruột miền Trung da diết, chẳng khi nào quên tự hào mình là người quê hương Bác Hồ. Và, có lần còn hứng thú đọc hết cả bài thơ dài viết về Bác của Tố Hữu. Với chúng tôi nhớ nhiều là câu: Người là cha là bác là anh/ Quả tim lớn bọc trăm dòng máu nhỏ. Để rồi, ai cũng hiểu công lao trời biển của Bác đối với độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, giang sơn sum họp một nhà, để rồi ai cũng tự dặn mình phải đoàn kết, thương yêu nhau trong những ngày đang học tập nơi hải ngoại này.

Một thời trong ký ức
Cùng hát lên những bản tình ca - 1974

Thế là đã “tâm đầu ý hợp” khẩu vị trong từng bữa cơm chiều lại “đồng tâm nhất trí” quan điểm hướng về cội nguồn của những đứa con sống xa xứ, tình cảm giữa mấy sinh viên “nghèo” chúng tôi càng thêm gắn bó, mặn mà, quan hệ người với người là bạn càng thêm gắn chặt. Đi đâu, làm gì cũng kề vai sát cánh bên nhau như hình với bóng. Nhiều lúc, hào hứng hơn là những buổi chiều “nhàn tảng” ngồi bên nhau với cây đàn ghita, cùng cất cao tiếng hát những bài tình ca, nhất là những tác phẩm của Trịnh Công Sơn để ôn lại tuổi thơ sáng hơn trăng rằm, để nhớ lại miền quê trong đó có mối tình đầu da diết với cô bạn gái cùng xóm làng đang mỏi mắt trông chờ, “thương mến tình đồng hương.”

Giờ đây, dù cho cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, trở ngại mà mỗi người còn phải đương đầu, chỗng đỡ với bao sóng gió cuộc đời. Và, dẫu cho thời nay đã thay đổi quá nhiều nhưng ký ức của nhiều người, của bạn bè gần gũi đã từng cùng tôi sống tại ký túc xá năm nào, thời sinh viên vẫn là tháng năm đẹp nhất “dễ nhớ lại khó quên”. Quên sao được những ngày sống bên tình bạn thân, sôi nổi thời sinh viên luôn chia sẻ với nhau tất cả về tương lai, lúc ra trường, hạnh phúc gia đình lẫn chỗ đứng trong xã hội.

Chẳng hiểu từ đâu tôi luôn có cảm giác, dường như những ai đã trải qua quãng đời sinh viên đều có chung giác quan thứ 7 nên dễ nhận ra nhau chỉ bằng ánh mắt nụ cười. Thậm chí giọng nói hồn nhiên, thanh thoát, cởi mở chân thành qua làn sóng điện cũng thầm cảm thấy đối tác một thời ngồi trên ghế nhà trường, thu nhận kiến thức trước khi bước qua ngưỡng cửa cuộc đời. Như những lần chuyện trò qua máy điện thoại di động giữa tôi - “Bạn đồng hành” Kharcov với Chủ tịch Hội người Việt Nam Kherson Nguyễn Thế Kiện và Chủ tịch Hội người Việt Nam Odessa Nguyễn Như Mạnh chẳng hạn.

Cặm cụi viết xong mấy dòng tâm sự tình bạn thời sinh viên, chợt nhớ lần anh bạn Nguyễn Như Mạnh gợi ý nói về quãng đời sinh viên ở bên này “chớ nên quên” quan hệ với sinh viên người địa phương – nhất là với các cô gái Ucraina xinh đẹp và cả niềm đam mê “văn chương” nữa. Quá hợp tình hợp lý phải không các bạn?

Xin hẹn số sau nhé!

Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn đồng hành” – Kharcov


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN