Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Một thời trong ký ức - Phần 4: Trở về dòng sông quê hương

Thứ năm, 30/11/2017 | 14:20
Cuộc sống “Đổi đời” từ thời sinh viên sang công nhân, đang ổn định và có chiều hướng đi lên bỗng bị xáo trộn nặng nề vào thập niên 90 thế kỷ trước, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa đổ vỡ, kinh tế suy sụp nặng nề, nhà máy đóng cửa dần, công nhân thất nghiệp theo trong đó có tôi. Thật là buồn, sau 13 năm là công nhân thợ mài bậc 4 lành nghề.

Đang thơ thẩn đứng giữa ngã ba đường chưa biết đi đâu, về đâu thì mùa xuân năm 1991, vận may đến với tôi là cuộc hội ngộ “trời ban” với đội công nhân Việt Nam làm việc ở nhà máy “Ánh sáng người thợ mỏ”, cư trú tại ký túc xá Xây dựng nằm trên đường phố Коломенская – Kharkov. Và thế là, tính từ ngày tháng ấy, tôi như “Thuyền đi mãi cũng trở về bến bãi”, tình bạn chân thành đã kết tụ những đứa con sống xa xứ chúng tôi thành anh em một nhà.


Ốp Mỏ ở Коломенская – Kharkov 1991

Nhớ mãi, hôm tan ca làm sớm hơn mọi ngày vì nhà máy ít việc, trên đường về nhà, thường ngày đi thẳng ra bến ô tô công cộng vừa gần vừa đông người qua lại vui tiếng cười thì chả hiểu vì sao “ai xui khiến” tôi lại rẽ phải. Lững thững được mấy bước “chạm trán” ngay với một chàng trai Việt xa lạ. Định “lẩn” do mặc cảm viển vông “biết nói gì” vì đã qua đi mười mấy năm trời chưa một lần “hàn huyên” với người Việt! Nhưng chưa kịp, anh ta đã bước tới gần, chủ động chào tôi trước hỏi han dăm câu ba điều như muốn biết tôi là ai, đang ở đâu và làm gì! Qua mấy phút giây “ngăn sông cách trở” tôi cảm thấy hòa nhập trước lời ăn tiếng nói cởi mở của chàng trai trước lạ sau quen này. Và, thế là tôi cũng trải lòng ngay, ngắn gọn kể về mình năm nào xa Hà Nội xưa. Tốt nghiệp xong ở lại từ bấy đến nay qua đời người công nhân bươn trải sóng gió như thế nào, đang vươn lên trong dòng đời đua chen để trụ lại nơi đây bỗng gặp trở ngại ra sao. Nay ước muốn chờ đợi những gì…

Như thấu hiểu và cảm thông tâm trạng tôi, anh bạn trẻ gợi ý ngay:

     - Thế thì anh hãy đến với chúng em. Ngừng một lát, sau đó chỉ tay về phía trước là tòa nhà 5 tầng, rợp bóng cây xanh sốt sắng mời, ngay bây giờ nhé! Gật đầu tán thành nhưng vốn tính e lệ, rụt rè của người Hà Nội cũ, tôi vội hẹn:

     - Ngày mai thứ bảy có tiện không?

     - Ok anh. Vào bất cứ lúc nào. Bọn em chờ. Anh bạn trẻ hồ hởi trả lời, rồi tự giới thiệu mình là công nhân nhà máy “Ánh sáng người thợ mỏ”, tên là Sỹ, phòng lẻ 1, tầng 2.

Lúc chia tay, thay lời “tạm biệt” đôi bàn tay chai sạn đời người công nhân của hai đứa nắm chặt nhau. Cho đến bây giờ, đã qua đi 26 năm trời đằng đẵng, những lúc nhớ lại “cái buổi ban đầu lưu luyến” ấy, thấy bàn tay mình vẫn ấm áp lạ, vẫn thầm cảm ơn số phận được trời đất dẫn đến bên kia bờ hạnh phúc là Cộng đồng Việt Nam – chỗ dựa vững chắc cả về tinh thần lẫn vật chất cho những ai muốn phấn đấu vươn lên đạt được cả hai “công thành danh toại”. Và một khi đã có những gì trong tầm tay “nổi danh một thời”, phải biết mình đi lên, bắt đầu từ đâu!

Đúng hẹn. Tại căn phòng bài trí giản đơn thời công nhân Xô Viết - nơi Sỹ dặn hôm trước, diễn ra cuộc gặp gỡ chính thức giữa tôi với một số anh em người Việt sống ở ký túc xá ấy. Qua giây phút “trước lạ sau quen” cuộc hội ngộ giữa chúng tôi thật chân thành, chuyện trò thật cởi mở như đã quen biết từ lâu. Bên ấm chè xanh. Đượm mùi Hà Nội xưa – tình người giữa chủ và khách đậm đà thêm. Để rồi những lời tâm sự, chia sẻ từ ngày ấy “mộc mạc thôi mà sao tôi nhớ mãi” cho đến tận bây giờ - cuối năm 2017 này.

Ấn tượng sâu là câu mở đầu trải lòng của Luyến – gốc Hà Nội: “Bọn em sang đây từ nhiều vùng quê khác nhau, sống “tha phương cầu thực” nơi “đất khách quê người” đã kết nối chúng em thành một khối thống nhất cả về tư tưởng lẫn hành động. Ai nấy đều nguyện đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em trong một gia đình. Thêm vào đó, chăm chỉ làm ăn, khiêm tốn giản gị trong cách “đối nhân xử thế” với bạn bè, với người địa phương thì chắc chắn khó khăn nào cũng vượt qua. Và…”

Chinh (sinh ra và lớn lên nơi không xa Hồ Gươm là mấy) bổ sung ngay: “gắng tiết kiệm, có “của ăn của để” mai ngày về quê cho bõ những tháng năm xa nhà, vắng mẹ cha, cô bác cùng người thân ruột thịt”. Rót xong từng ly chè cho mọi người, Bộ (tự giới thiệu mình) thổ lộ thêm ý mới “tôn trọng kỷ luật trong lao động, giữ gìn nếp sống văn minh, lịch sự trong quan hệ với mọi người để tạo nên hình ảnh đẹp công nhân Việt Nam trong con mắt người dân bản xứ là hết sức cần thiết khi mình đang mưu sinh ở nơi đây – Ngừng một lát, anh bạn giọng Thanh Hóa này hỏi tôi – Phải không anh? Gật đầu tán thành, định bày tỏ niềm vui tìm thấy “mái nhà Việt Nam dưới bầu trời Châu Âu” mà từ lâu tôi lạc lối thì mọi người đã “đồng tâm nhất trí” gợi ý (thay lời mời) tôi năng tới đây như một thành viên trong gia đình ốp mỏ cũng là để giúp tập thể quan hệ với Ban lãnh đạo nhà máy và ký túc xá vì anh đội trưởng kiêm phiên dịch đã về Việt Nam. Mừng rơn, tôi đồng ý ngay “một công đôi việc” với lương tâm và trách nhiệm con người.

Thế là, sau ngày ấy, vừa lúc nhà máy thưa việc, tôi có nhiều thời gian nên thường xuyên đến ốp mỏ ở Коломенская trong tâm trạng hồ hởi, phấn khởi như con thuyền trở về dòng sông, quê hương. Ấm áp tình người hơn là những lần tham gia lễ hội cưới xin của những lứa đôi “Hoa đến thì phải nở/ tình yêu chân thành dẫn đến hôn nhân” như cặp Luyến – Hương, Chinh – Thúy, Hùng – Nguyên, Thạch – Bộ, Nam – Hằng, Thanh – Lam, Trình – Ngân… vv.


Đám cưới công nhân thập niên 90 thế kỷ trước

Giờ đây, qua đi nhiều tháng năm thăng trầm theo dòng đời đua chen nhưng hình ảnh anh em, bạn bè công nhân “Ánh sáng người thợ mở” quen biết nhau đã 26 mùa xuân vĩnh cửu vẫn lắng sâu, bền lâu trong tôi. Để rồi, có lần nước mắt lưng tròng tôi tự nhủ: “lúc ấy, thiếu ốp Mỏ, ta về, ta về đâu!” Để rồi tôi thường tự dặn mình, đừng bao giờ để mất đi những kỷ niệm Một thời trong ký ức!

Nguyễn Trọng Cơ
"Bạn đồng hành" – Kharkov - 2017


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN