Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Một thời trong ký ức - phần 3: Đổi đời

Thứ ba, 07/11/2017 | 22:43
Quá nửa đời phiêu dạt, từng va chạm với nhiều nan giải trong cuộc sống đầy bon chen, từng “được mất” qua những tháng năm mưu sinh nơi xứ người, lại từng “trải qua một cuộc bể dâu/ những điều trông thấy mà đau đớn lòng” – Nguyễn Du, tôi nghiệm ra: Mỗi người có riêng mình số phận để tự bằng lòng với những gì hiện có trong tầm tay, để cảm thông, chia sẻ và gắn bó, yêu thương nhau bền chặt hơn.

Như thân phận tôi, thời ấy, hè 1978 cầm trong tay tầm bằng Cử nhân Đại học Văn hóa Quốc gia Kharkov – Ucraina, nhẽ ra phải hành nghề tại một cơ quan văn hóa nào đó cho bõ công “dùi mài kinh sử” liên tục 5 năm qua, thì do số phận đưa đẩy thế nào ấy, tôi chuyển ngành xin vào nhà máy làm việc. Cũng phần vì những mặc cảm riêng tư, phần vì quyết định trụ lại chốn này, gia tài duy nhất là hai bàn tay trắng cùng niềm tin và hi vọng. Trong khi đó, bước ra khỏi nhà là đã cần tiền.

Thế là nơi thử sức “đổi đời” đầu tiên của tôi từ đời sinh viên với cây đàn ghi-ta đến đời công nhân với kìm búa là nhà máy sản xuất nước khoáng duy nhất của Kharkov, nằm sát “источик” – nguồn nước – một trong những danh lam thắng cảnh được xếp hạng của thành phố. Nghề nghiệp ghi rõ lý lịch: “Грузчик” – công nhân khuân vác. “… Bằng lòng với mình, hàng ngày nặng trĩu trên đôi vai mảnh khảnh gốc người Hà Nội xưa – một thời đạn bom, một thời hòa bình, là những kiện hàng chật ních 12 chai nước khoáng nặng nề. Tan ca, chiều về dọc cột sống, ngang đầu gối mỏi nhừ nhưng “vẫn săn gân/ ngửng đầu lên trong sáng tuyệt vời, vẫn gắng chịu đựng, vươn lên để hội nhập cuộc sống nơi đây, một khi ta đã tự nguyện” (Nhật ký sau buổi “bốc vác” ban đầu)


Hội nhập - 1979

Lương tháng “thường thường bậc trung” đủ chi tiêu trong gia đình, cho những ai chưa “kịp” học hành đến nơi đến chốn nhưng bổng lộc nhận hàng ngày lại “dầy” hơn do mình bỏ thêm sức lao động bốc vác thuê cho khách hàng là các hãng khách sạn nhà nước lẫn tư nhân kinh doanh nước khoáng. “… Thật vui, chiều nào về nhà trong túi cũng sẵn đồng tiền. Bù lại sức lực mình bỏ ra đã đành mà còn là niềm an ủi cuộc sống thui thủi một mình – xa miền quê vắng bạn hiền, vì đồng niên, đồng hương đã “về quê” còn tôi ở lại với bao sầu riêng của kẻ sống lưu vong nơi xứ người” (Hồi ký “Một thời trong tôi”)

Tháng ngày quẩn quanh với chai lọ, kiện hàng, kề vai sát cánh với những người cùng cảnh ngộ - đời người công nhân khuân vác, “… Tôi luôn tôn trọng, quý mến họ như người thân trong gia đình. Đôi khi tâm sự với họ khi ở công xưởng, khi ở ngôi nhà ấm cúng của họ bao giờ cũng nhận được ánh mắt trìu mến, cảm thông của những người cùng cảnh ngộ tay kìm tay búa” ấy. Thế rồi, thời gian trôi nhanh, quanh đi quẩn lại chả mấy chốc đã qua đi sáu, bảy tháng trời tác nghiệp. Chợt cảm nhận nghề khuân vác này chẳng thấy mấy tương lai, tôi đành ngậm ngùi chia tay với nơi đã dựng tôi thành người lao động chân chính từ thủa ban đầu “đổi đời”. Hôm nộp đơn xin việc, kèm theo giấy cư trú do ОВИР tỉnh cấp. Ngỡ đủ nào ngờ bà trưởng phòng nhân sự nhà máy “Музыкальных детали” ngước mắt hỏi “còn gì nữa không?”. Thoáng nghĩ, tôi móc túi lấy ngay bằng tốt nghiệp đại học – dường như còn thơm mùi mực, trình diện. Liếc mắt đọc nhanh, bà ta mỉm cười ngay được rồi thốt lên lời “отлично” (tuyệt vời). Thở phào nhẹ nhõm, hãnh diện mình được tôn trọng thì ít, nhiều hơn là thú vui hình ảnh đẹp “trí thức khoác áo công nhân” lại là người nước ngoài – Việt Nam, trong con mắt người dân bản xứ.

Hôm Ban giám đốc nhà máy chính thức công nhận là công nhân bậc một “шлифовщик” (thợ mài chuyên nghiệp), sản xuất những chi tiết nhạc trầm bổng: đồ, rê, mi, pha, son… cho đàn phong cầm (Баян hay Аккордеон) – đồng nghĩa, từ đây trở đi tôi có đủ quyền hạn như một công nhân bản xứ như có sổ lao động để tính lương hưu trí sau này, khám bệnh hoặc nếu phải nằm viện sẽ được miễn phí hoàn toàn kể cả thuốc men theo đơn bác sĩ cũng được thanh toán đầy đủ, có tiêu chuẩn nghỉ phép 24 ngày, nhận lương trọn vẹn. Thậm chí được xếp hạng nhận cờ-va nhà nước nữa – Nhưng năm 1985, do “có của ăn của để” sớm muốn “an cư lạc nghiệp” nhanh để ổn định cuộc sống lâu dài nơi quê hương thứ hai này, tôi đã “dốc túi” mua trọn gói căn hộ 3 phòng ở vùng đất mới, phong cảnh hữu tình, giao thông thuận tiện, xóm giềng hiền hòa thì hỏi rằng, sao không biết ơn trời đất đã đổi đời cho tôi vào thời điểm thích hợp, đã dẫn tôi đến con đường hạnh phúc tuyệt diệu ấy, mà trước đó đâu nghĩ tới!

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, trong nhà
Đời người công nhân - 1980

Những lần, ngồi một mình nhớ lại đời người công nhân của tôi xa xưa ấy, ngắm lại những chiếc bằng khen, giấy khen vì thành tích lao động xuất sắc, góp phần vào sự hoàn thành kế hoạch của nhà máy do Nhà nước đề ra, và chân dung mình cỡ khổ A3, từng gắn trên bảng danh dự của những công nhân tiên tiến, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động, cảm nhận những thành quả đạt được hồi ấy là do “bàn tay ta làm lên tất cả” cộng thêm sự giúp đỡ chân thành, yêu thương hết mức. Và, nhất là đang sinh sống, làm việc và học tập tại nơi đây biết sớm hội nhập thì “không có việc gì khó/ chỉ sợ lòng không bền/ đào núi và lấp biển/ quyết chí ắt làm nên.” – Như bốn câu thơ này Bác Hồ đã đọc tặng các nam nữ thanh niên vào trung tuần tháng 9 năm 1950, trên đường đi chiến dịch Biên giới, Bác ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong đang làm đường phục vụ chiến dịch.

Nhắc lại đôi điều tâm sự trên, mong mỏi bạn đọc cùng tôi hiểu thêm gốc gác tình yêu và sức mạnh của con người có từ nơi đâu…

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành” – Kharkov, tháng 11/2017