Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Một thời trong ký ức – phần 2: Niềm đam mê

Thứ năm, 26/10/2017 | 19:24
… Ngày ấy, ngoài thời gian vùi đầu bên chồng sách vở bằng lương tâm và trách nhiệm của người sinh viên, trong tôi còn rực cháy niềm đam mê viết báo. Báo tường mang tính nội bộ ở ký túc xá và báo địa phương bằng tiếng Nga và Ucraina xuất bản tại Kharkov...

Đang trầm tư lựa chọn niềm đam mê nào nữa trong ký ức thời sinh viên của mình để chia sẻ thêm với người cùng thời và bạn đọc gần xa – nhất là những ai đã từng trải qua tháng năm đẹp nhất ấy thì chuông điện thoại réo liên hồi. Vội áp máy nghe, từ đầu sóng bên kia, rõ mồn một giọng thân thuộc của người bạn bến cảng Nguyễn Như Mạnh:

- Vừa rồi đọc “Một thời trong ký ức” trên báo “Người Việt Odessa”, mấy chúng tôi nhìn nhau đồng cảm rồi cùng bồi hồi nhớ lại những nét đẹp của quãng đời sinh viên “Một đi không trở lại” ấy. Ngừng một lát, như thể nén nỗi thổn thức trong lòng, Mạnh chân tình đặt vấn đề: khi nào sẽ ra tiếp phần hai đấy!

- Ngay bây giờ thôi. Tôi hưng phấn đáp.

- Bọn mình. À! Độc giả mong đợi nhiều đó – Mạnh thổ lộ.

Thế là cả ngày thứ 6 nghỉ chợ, đáp lại thịnh tình của anh em bè bạn, của bạn đọc gần xa, tôi say sưa viết tiếp bằng con tim biết yêu thương của mình.

… Ngày ấy, ngoài thời gian vùi đầu bên chồng sách vở bằng lương tâm và trách nhiệm của người sinh viên, trong tôi còn rực cháy niềm đam mê viết báo. Báo tường mang tính nội bộ ở ký túc xá và báo địa phương bằng tiếng Nga và Ucraina xuất bản tại Kharkov – Chả là, trước ngày xuất ngoại đã từng là “chủ bút” báo tường ở trường phổ thông cấp 3 Đống Đa – Hà Nội, từng có bài đăng tải trên Tạp chí Văn hóa, từng có riêng mình truyện tranh “Em bé và lọ hoa” dựa theo phim hoạt họa cùng tên do Nhà xuất bản Giáo dục in ấn.

Một thời trong ký ức – phần 2: Niềm đam mê.
Thời sinh viên với bao niềm mơ ước - 1975

Nhiều đêm thức khuya, ngồi một mình trong phòng đọc lay lắt viết để báo kịp lên khuôn vào đầu tháng. Nhiều bài được bạn bè khen có tâm yêu đời có tình đến với đồng niên, có hồn hướng về quê hương. Để rồi chính bản thân tôi cũng nhớ mãi những bài viết về Hà Nội ba mươi sáu phố phường: Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh, về chuyện tình của mình luôn đẹp như giọt sương trên đầu ngon cỏ với cô gái học cùng lớp. “Vào giây phút chia đôi ngả, sau cả buổi trưa hè dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm thơm mùi hoa phượng nở, nắm chặt đôi bàn tay mềm mại của em tôi định hôn nhẹ trên đôi môi nồng nàn cho thỏa lòng nỗi mong ước bấy lâu, nhưng ngại “quá” vội vàng nên đành nín lặng, bâng khuâng tạm biệt. Hẹn gặp lại”. Thêm nữa là những bài tâm tình hứng thú học hành, mơ ước công ăn việc làm trong tương lai, lúc ra trường. Bởi tuổi trẻ ai mà không nuôi nhiều nhiều mộng mị. Sau đấy còn là những bài chia sẻ ham muốn hòa nhập vào cuộc sống đang phơi phới đi lên của nam nữ sinh viên người địa phương, trên tầm cao mới.

Hồi đó, để bổ sung thêm niềm đam mê phong phú và đa dạng hơn, vừa bước sang năm học thứ hai, tôi nảy sinh ý tưởng viết bài cho một vài tờ báo chuyên nghiệp phát hành tại Kharkov. Nội dung xoay quanh chủ đề quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Liên Xô cũ thông qua những việc làm nghĩa tình trong học tập lẫn sinh hoạt hàng ngày của cánh sinh viên thuộc hai dân tộc Việt Nam và Ucraina chúng tôi. May mắn thay, vì tiếng tăm còn chưa thông tỏ nên mỗi lần viết “nháp” xong là tôi được cô bạn thân – trong số gần 30 cô gái gốc Ucraina học cùng lớp tận tình giúp đỡ, cấu trúc lại ngôn từ, chỉnh chu lại ngữ pháp, sửa đổi lại văn phong cho hợp khẩu vị bạn đọc gần xa là người bản xứ. Và thật vui, bài nào gửi đi cũng được đăng tải ngay. Không hẳn bởi tác giả là tôi – người ngoại quốc mà tự nó có sức hút bạn đọc! Lại không hẳn vì tôi không nhận tiền nhuận bút mà dường như giá trị tinh thần của nó mang đến cho mọi người tình yêu thắm nồng “người với người là bạn”.

Nhớ mãi, những buổi chiều tôi và cô bạn – có cái tên nghe thân thương, trầm bổng như cộng hưởng cung bậc nét nhạc – Людмила Васильевна, ngồi trong phòng đọc tại ký túc xá, nhiều khi quá 12 giờ đêm mới hoàn thành trách nhiệm với nhau. Đôi lúc, ai đi qua ngó nhìn ngỡ cặp tình nhân chứ đâu hay đấy là tình bạn sáng đẹp như trăng Rằm. Có lần quên ghi tên tác giả là tôi Нгуен Чонг Ко, Люда nhắc ngay và dặn viết rõ thêm ở dòng dưới Студент Харьковского Государственного Института Культуры, để độc giả Kharkov biết thành phố mình có sinh viên Việt Nam đang sinh sống và học tập. Bài viết xong, tôi thường gửi cho báo “Вечерний Харьков”, Время”, “Соціалістична Харківщиня”… Thời đó, chưa có điện thoại di động, muốn biết “sáng tác” của mình có được ứng dụng hay không – sáng sớm sau ngày gửi bài, tôi “lấm la lấm lét” đến quầy bán báo ở vỉa hè, hồi hộp ngó nhìn, thấy tên mình là mua liền 4 số. Một là cho bản thân, sau là tặng cô bạn, thầy dạy tiếng Nga và bà chủ nhiệm khoa. Niềm vui dâng tràn cõi lòng đời người sinh viên.

Một thời trong ký ức – phần 2: Niềm đam mê.
Ban biên tập báo tường - 1975

Để lưu giữ kỷ niệm đam mê viết báo thời sinh viên, giữa năm 1995 được sự hỗ trợ về tinh thần lẫn vật chất của ban lãnh đạo Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov, tôi chọn 3 bài tâm đắc trong số hàng chục “tác phẩm” nhỏ nhoi của mình in thành tuyển tập mỏng manh trọn vẹn 20 trang với tựa đề “Я уехал из тех мест, из тех дней” tạm dịch là: “Tôi ra đi từ nơi ấy, từ ngày ấy” lại thêm lời giới thiệu của một phóng viên kênh truyền hình Simon nữa cho trang trọng. Với số lượng phát hành 1500 cuốn. Đâu ít phải không các bạn?

Giờ đây, đọc lại những sáng tác của mình đã viết từ tháng năm đẹp nhất thời sinh viên ấy, thoáng chốc đã trên dưới 40 năm. Nhanh quá! Trong tôi vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh những chàng trai, cô gái Việt lẫn Ucraina say sưa học tập, trong sáng tình bạn đôi khi chớm nở cả tình yêu nội bộ và ngoài biên giới nữa.

Kể lại chuyện này, tôi muốn nói thêm một điều mà thế hệ chúng tôi thường tự nhủ: Hãy bước vào đời bằng niềm tin và sự đam mê của mình.

Nguyễn Trọng Cơ

"Bạn Đồng hành" - Kharkov