Vâng, cuộc đời sẽ thú vị và cao đẹp biết mấy nếu ai cũng nghĩ như thế, cũng làm như vậy. Bởi ai cũng có một miền quê, cũng có những kỉ niệm sâu thẳm của một thời đã qua để mà thương mà nhớ những gì đã qua đi không bao giờ trở lại. Để rồi, vào những ngày tháng này hàng năm, mỗi khi nhớ tới, nghĩ lại những gì đã qua, những gì đã có trong ta tấm lòng bỗng rung động, trái tim chợt thổn thức như giờ đây, ở phương Nam xa xôi kia, mẹ cha cô bác ta đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc Xuân Kỷ Hợi – 2019.
Với tôi, cứ mỗi độ Xuân về ấy, thức dậy trong tôi bao kỷ niệm xưa có một không hai của tuổi thơ.
Nhớ - nơi tôi sinh Hà Nội. Thời thơ ấu là những buổi trưa hè tan học xong rủ nhau ở lại đánh khăng, chơi đáo lỗ, đá cầu. Gọi là cầu cho sang, chứ thực ra chỉ là hai đồng tiền xu nhỏ bằng kim loại được ghép lại với nhau bằng mảnh giấy “Pô-luya” mỏng. Thế mà vui, mà hấp dẫn cho những người thuộc dạng bình dân như chúng tôi. Vui lắm! Kể cả những lẫn văng tục chửi bậy vì vô ý tính nhầm điểm, kể cả những lúc đá trượt cầu vào mắt cá chân đau điếng người, kể cả những lần cay cú “thách sức nhau” vì thua cuộc… Song, tất cả đều bỏ qua để rồi tất cả lại cùng nhau kéo ra ao tắm, đùa nghịch té nước tới khi hoàng hôn buông xuống mới vội vã mặc quần áo về nhà.
Đọng lại, nhớ mãi những kỷ niệm của tuổi thơ vẫn là những ngày đón Tết cổ truyền dân tộc vui mấy ngày liền, có thể kéo dài tới mùng 5 tháng Giêng – Lễ hội kỷ niệm ngày vua Quang Trung đánh thắng quân Thanh ở gò Đống Đa – Hà Nội; vẫn là những đêm cùng anh chị, mẹ cha, xóm làng thay nhau canh nồi bánh chưng, luộc thâu đêm suốt sáng, vẫn là lúc nhận chiếc bánh chưng nhỏ bé “thửa trước” khi cất nồi, vẫn là những phút giây lặng lẽ đứng bên cha thắp hương cúng thần linh, tổ tiên vào giờ Ngọ, vẫn là ba ngày Tết ở nhà chờ tiền mừng tuổi, những tờ giấy bạc mới cứng còn thơm mùi mực.
Lớn lên, vào tuổi mười tám đôi mươi, lại có những kỷ niệm mới của tình yêu Tết, của tuổi trẻ với chợ hoa truyền thống, được khai trương hàng năm tại dãy phố nhỏ gần Hàng Đường, đối diện chợ Đồng Xuân nườm nượp người mua, kẻ bán từ sáng sớm đến chiều tà.
Những ngày ấy, tôi thường đi chợ hoa với cô bạn gái khác lớp ở đầu ngõ, khi ngoài phố vừa lên đèn. Về khuya, khi chia tay nhau, thay lời tạm biệt là chiếc hôn vội vã đậm đà.
Đến chợ hoa, ngắm hoa, ngắm người dường như là chính và chỉ mua hoa có một lần vào ngày giáp Tết nhưng vì sao người Hà Nội ai cũng muốn đến chợ hoa nhiều lần? Phải chăng, ở nơi ấy đậm đà không khí Tết và “hoa đời” lộng lẫy hơn, nở rộ hơn những kỷ niệm thầm kín của lứa đôi. Khi chỉ có “hai đứa” bên nhau “bóc bánh chưng xanh với thịt mỡ dưa hành”, có chuyện nói về hoa, về cái đẹp mang bản sắc dân tộc độc đáo của cây quất, cành đào trên bàn thờ Tổ về tình yêu đã thêm được một tuổi đời.
Thêm nữa, lúc vào Xuân không khí Tết còn là những buổi đèo nhau bằng xe đạp đến làng hoa Ngọc Hà “vang bóng một thời” cũng là để xem hoa để thưởng thức hương thơm của muôn loài hoa từ hoa cúc, hoa hồng, hoa “Lay-ơn”, hoa “mười giờ”… Nơi đây, hoa có thể mua hoặc không, ít hay nhiều mà cái chính là ở chỗ giúp ta cảm nhận thấy đời đang nở hoa, nhận ra công lao của những người trồng hoa cần mẫn đêm ngày làm đẹp cho đời, cho ngày Tết nhà nào cũng có hoa.
Tiếp đến, vào đêm giao thừa, nam nữ thanh niên ai cũng đến Hồ Hoàn Kiếm, vào đền Ngọc Sơn, thắp một nén nhang xin quẻ bói đầu năm và hái lá cây lấy “lộc” cho đến sớm mai ngày về nhà “xông đất”. Và, tôi lần nào về tới “ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó” cũng thấy lòng mình xốn xang, khi đi trên đoạn đường nhỏ hẹp đầy xác pháo đỏ rực như hoa phượng nở mà thêm gần gũi, yêu thương hơn cái xóm nghèo của mình.
Đã qua đi nhiều tháng năm bươn trải nơi xứ người, nỗi buồn day dứt chưa một lần cùng người thân ruột thịt đón Xuân ở quê nhà, cho đến tận bây giờ cứ thôi thúc hoài mãi trong tôi. Vì vậy, để bù đắp lại sự thiếu thốn tình cảm ấy, tôi thầm nhớ lại những kỷ niệm xưa có từ mình, từ người thân lẫn bạn bè của một thời đã qua để sưởi ấm thêm dòng máu nóng trong cơ thể mình, để thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu cuộc sống, quê hương xóm làng, tổ quốc Việt Nam. Đã có một thời như thế trong tôi: tình bạn, tình yêu qua những tháng năm sóng gió, qua những chặng đường gian truân đã cho tôi nguồn sinh lực mới, những thành đạt khôn lường trên thương trường – nơi người Việt mình đang sinh sống, làm việc và học tập còn đầy rẫy những khó khăn, gian khổ. Để rồi, vào đầu Xuân năm nay, tôi nhớ nhiều những con người, những sự kiện gắn chặt với sự hình thành và lớn mạnh của cộng đồng Kharkov của một thời đã qua nay lại cùng mọi người hành trang bước vào năm mới – 2019 đầy niềm tin và hy vọng.
Chẳng còn lại bao lâu nữa, cộng đồng người Việt nơi hải ngoại cùng nhân dân cả nước hân hoan đón Tết cổ truyền dân tộc – năm Kỷ Hợi 2019, từ đáy lòng mình, chân thành chúc bạn đọc, cộng tác viên xa gần của “Người Việt Odessa” tại Ucraina sức khỏe, an khang, thịnh vượng. Và mong rằng, các bạn luôn quý trọng, nâng niu, giữ gìn những tình cảm cao đẹp với anh em, bè bạn, người thân vì… đã có một thời như thế…trong ta.
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharkov Xuân Kỷ Hợi 2019