Vâng. Đã nhiều tháng năm tôi thường xuyên gửi bài cho “Người Việt Odessa” không hẳn vì quen biết thân thiết với chủ tịch Hội Người Việt Nam tỉnh Odessa Nguyễn Như Mạnh – một trong những lãnh đạo đầu tiên của Hội đồng hương Việt Nam tại Odessa, thành lập sau Hội đồng hương Việt Nam Kharkov (03/03/1994) có mấy tháng trời; cũng không hằn muốn “đền ơn trả nghĩa” anh chủ tịch ấy đã tận tâm, chau chuốt câu cú dịch bài “Я уехал из тех мест, из тех дней…” - tác giả là tôi, viết bằng tiếng Nga thời sinh viên trường Đại học Văn hóa Kharkov năm 1975 – sang tiếng Việt với nhan đề: “Tôi ra đi từ những nơi ấy, ngày ấy…” đăng trên chuyên mục “chia sẻ”, ngày thứ hai (11/12/2017) lôi cuốn được sự chú ý của bạn đọc gần xa; lại cũng không hẳn đền đáp “cảm tình đặc biệt” của anh Trưởng ban biên tập Nguyễn Văn Hùng, đã có lần giới thiệu tôi trên trang báo bằng những lời có “cánh”: “…là một nhà báo năng nổ, đầy nhiệt huyết và thường xuyên cung cấp cho bạn đọc Người Việt Odessa những bài chia sẻ chất lượng cao…” mà chủ yếu là những bài viết về người lao động đang buôn bán kinh doanh, nói cho đúng hơn “đánh vật với đời” ở ngay nơi chợ búa đông đúc kẻ bán người mua để kiếm sống đã đưa tôi vào cuộc: gửi gắm tâm hồn mình với độc giả, với đồng nghiệp trên thương trường nóng bỏng để chia vui sẻ buồn cho nhẹ vơi nỗi lòng những ngày tha phương cầu thực nơi xứ người.
Những lẫn đọc những bài viết ấy ở chuyên mục “chia sẻ” có lẽ ai cũng cảm nhận thấy như tôi, cái hay của nó là ở chỗ, người viết đã đề cập được những vẫn đề nóng hổi ở “góc chợ”, mà ở đó nhân vật và sự việc có thật một trăm phần trăm. Họ suy nghĩ và hành động như thế nào, quan hệ với anh em bạn bè cùng khách hàng ra sao? Đã khiến cho độc giả thấy rõ sự sống động, tính hấp dẫn cũng như những phiền toái, những phức tạp đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở nơi đây. Ở nơi mà mỗi lần ta đến đó, dường như sẽ làm quen, gặp nhiều những hiện trạng tích cực và tiêu cực, những hành vi cao đẹp và thấp hèn, những ngôn từ nhẹ nhàng hay tục tằn thô bỉ… để ta tư duy, để ta sàng lọc tìm ra nếp sống văn minh lịch sự cho đời đơm hoa kết trái, ngát hương thơm ngọt ngào.
Riêng tôi có thói quen khi bắt gặp những bài viết có âm lượng, những áng thơ bay bổng diệu kỳ, phải gắng đọc đôi ba lần. Đọc kỹ nghĩ sâu vì muốn tiếp nhận trọn vẹn nhịp đập từ con tim, hơi ấm từ tấm lòng của người cầm bút; để rồi, tâm đắc biến nó thành máu mủ ruột thịt của mình, biến thành văn chương chữ nghĩa viết về cộng đồng. Và, tôi đã gắng sức thực hiện được điều “tự giao kèo” ấy với bản thân khi làm với chuyên mục “chia sẻ” mang sắc thái riêng của người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập trên bến cảng Odessa.
Với lòng thành ngưỡng mộ vốn có cộng thêm tình yêu “người với người là bạn”, tôi đã tranh thủ thời gian viết về mình với mình, mình với đời, về ý tưởng xây dựng cộng đồng ngày một trong sạch và vững mạnh cả chất lẫn lượng; về tấm lòng yêu thương con người mà từ đấy ta cầm bút, mà từ đấy ta trân trọng tự hào với niềm tin và hy vọng vào ngày mai sáng ngời trên đất khách quê người đã là quê hương thứ hai của mình, từ những ngày đầu đặt chân lên chốn này.
Nói vậy thôi, chứ thực ra ai cũng hiểu, để có được một bài báo viết về cộng đồng, dù ở thể loại nào, người viết cũng phải “lao tâm khổ tứ”, cũng phải dành nhiều thời giờ gặp gỡ, tiếp xúc với con người và sự việc, chọn lọc kỹ lưỡng và suy tư đủ điều theo chủ trương xây dựng một cộng đồng đoàn kết, ổn định và phát triển thì may ra mới được cộng đồng chấp nhận “đọc và làm theo”, chứ đừng nghe “hơi” đã cầm bút, nội dung tư tưởng bài viết lại thiếu tính chất xây dựng thì “bạn đời ơi!” hãy tạm dừng cho tới khi nào “biết mình là ai?” đang đứng trên mặt trận văn hóa tư tưởng nào và làm gì! Không ngoài mục đích phục vụ cộng đồng chung. Thậm chí, chẳng hiểu “mô tê” gì về thời cuộc, dám viết về những bài phân tích tình hình chính trị nơi mình đang sống thì chả hóa ra “lạy ông tôi ở bụi này à!”
Suy cho cùng, tôi thường nghĩ: viết về cộng đồng ngoài văn hay chữ tốt ra còn là tình cảm chân thành, yêu thương hết mức và tôn trọng thật tâm người lao động từ con tim, tấm lòng người làm báo cộng đồng, phải không các bạn?
Chúc chuyên mục “chia sẻ” của “Người Việt Odessa” ngày một phong phú, có thêm nhiều hơn nữa những bài báo như thế.
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” Kharkov – Tháng 3/2019