Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Mồng 2 tháng 9 – Mùa Thu năm ấy!

Thứ sáu, 30/08/2019 | 12:08
Mỗi độ Thu về là lúc những người sống xa xứ chúng ta có dịp hướng về Tổ quốc Việt Nam, cùng nhân dân cả nước ôn lại kỷ niệm xưa.

Những kỷ niệm của một thời quá khứ mà mỗi lần nhắc đến con tim ta bỗng vang lên khúc nhạc yêu thương, tâm hồn ta ngỡ đang bay trên tầm cao bầu trời tràn đầy nắng đẹp. Bởi thế cho nên ai đấy, dù có bận trăm công ngàn việc, dù có sống xa miền quê hàng vặn dặm đường vẫn dành thời gian quy tụ bên nhau tổ chức Lễ Kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ ra mắt quốc dân đồng bào, ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để từ bấy đến nay đã qua đi quá nửa thế kỷ trong lòng mỗi người dân đất Việt còn giữ mãi hơi ấm bằng tình cảm trìu mến ân tình của Bác Hồ kính yêu, để từ bấy đến giờ cảm thấy mình lớn lên bay bổng diệu kỳ.

Thật vậy, tất cả những gì có được của ngày hôm nay, được bắt đầu từ mùa Thu năm ấy. “… Ngày 02/9/1945, gần năm mươi vạn người lòng tràn ngập niềm vui kéo về quảng trường Ba Đình dự ngày lễ lịch sử tuyên bố nước nhà độc lập. Cả rừng cờ, khẩu hiệu trong không khí tưng bừng náo nhiệt. Đội quân danh dự bồng súng hướng vào quảng trường.

Đúng giờ khai mạc, Đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời bước lên lễ đài. Nhạc Tiến quân ca nổi lên hùng tráng. Lá cờ đỏ sao vàng từ từ vút cao rồi tung bay cuồn cuộn trước gió Thu lồng lộng. Trên đài cao, Bác Hồ bước ra giữa tiếng hoan hô vang dậy. Bác giơ tay vầy chào đồng bào, ra hiệu mọi người trật tự rồi bắt đầu đọc Tuyên Ngôn Độc Lập:

“Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều có quyền bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do…”

Giọng Bác rất ấm. Bất ngờ Bác hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”

Cả biển người trên quảng trường đồng thanh đáp lời “Có!”

Bác kết thúc bản Tuyên Ngôn Độc Lập bằng lời tuyên bố hùng hồn: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”

Cả quảng trường vang lên tiếng hô đáp lại “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh!”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”.

Chỉ ngần ấy chữ, chỉ bấy nhiêu lời cũng đủ nhẽ, đủ lý để phác họa một cách xúc tích, sinh động hình ảnh về ngày Hội Độc lập có một không hai trong toàn bộ lịch sử hơn bốn nghìn năm đấu tranh và xây dựng của dân tộc ta. Và với thế hệ hôm nay, trang sử đó đã giúp đưa ta về với không khí rực lửa cách mạng mùa Thu năm ấy – mùa Thu khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, mang lại niềm tự hào vô hạn cho mỗi người, mỗi gia đình người dân đất Việt.

Riêng tôi, đã nhiều năm sống phiêu dạt nơi xứ người, cứ vào những ngày mùa Thu tháng Tám này, nhiêu đêm thao thức không ngủ, một mình tư lự ngắm nhìn những vì sao lấp lánh ở phương Nam, nơi có mảnh đất Việt Nam thân thương mà cảm thấy lòng mình trống trải, cô đơn, những mong ngay giây phút này trở về miền quê, được Mẹ che chở cho lòng mình ấm lại, đượm tình mẫu tử ruột già. Và, rồi vào những ngày sống động ấy, tôi lục tìm quyển sách lịch sử ghi lại chiến công vang dội của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, của nhân dân Việt Nam anh hùng trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Ngay những trang đầu của tập sách, điều làm tôi xúc động mãnh liệt là hình ảnh những người công nhân, nông dân Nghệ Tĩnh kết đoàn thành một khối thống nhất xông thẳng vào kẻ thù bằng mọi thứ vũ khí thôi sơ trong phong trào Xô – Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) – một cao trào cách mạng sôi động ngay sau khi Đảng Cộng Sản Đông Dương ra đời, hình ảnh đó là một minh chứng rất sinh động cho lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc”. Tiếp đến là hình ảnh đầy khí thế cách mạng của nhân dân lao động ở nhiều thành phố khác trên khắp đất nước, của người Hà Nội ào ạt tấn công vào Bắc Bộ Phủ. Nối theo là cả một chặng đường dài ghi lại 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Và, khi đọc tới trang cuối cùng của chặng đường dài lịch sử vẻ vang ấy tôi mến yêu thêm Tổ quốc Việt Nam “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu”, nhân dân Việt Nam cần cù trong lao động, anh hùng trong chiến đấu. Để rồi, trong tôi luôn thầm mơ sớm trở về miền quê thăm cái nôi của Cách mạng và, tìm lại những dấu ấn ngày Hội lịch sử của dân tộc – ngày mồng 2 tháng 9 vào mùa Thu tháng Tám năm xưa.

Ôn lại những ngày mùa Thu rực lửa cách mạng năm ấy và chào mừng Lễ hội độc lập dân tộc Quốc khánh mồng Hai tháng Chín, mỗi chúng ta dù sống xa nhà cần phấn đấu hết mình trong việc làm và học tập để góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong mỏi của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành” – Kharkov tháng 8/2019