Hướng tới kỉ niệm 30 năm giày da Odessa, báo Người Việt Odessa tiếp tục chia sẻ đến bạn đọc đôi dòng tâm sự của cô chú Hương Bằng về một chuyện tình đẹp, mộc mạc, chân thành từ khi hai cô chú còn làm cùng nhau trong nhà máy.
Chú Lương Văn Bằng và cô Lê Thị Thu Hương được Bộ Lao động cử sang Odessa làm việc từ năm 1988. Nhờ những người bạn giới thiệu làm quen, thần tình yêu bất ngờ bắn mũi tên tình ái vào người con gái Phú Thọ ấy khiến chú – chàng trai đất cảng Hải Phòng đem lòng nhớ hoài tương tư từ những ngày đầu như vậy.
Cô tươi cười chia sẻ, có không ít người, cho đến bây giờ vẫn nghĩ chú là một người cực kì khó tính bởi nét mặt lạnh lùng và tính tình ít nói. Nhưng khi tiếp xúc rồi, sự thân thiện, cởi mở và hài hước của chú luôn khiến cho bao người ngỡ ngàng, ngay lập tức cảm mến. Phải chăng, sự lạnh lùng đó cũng là cái duyên giúp chú thu hút ánh nhìn từ phía cô? Chú cũng biết, ngày đó, cô được bao người thương nhớ, bao mối se duyên. Nhưng rồi qua những lần hẹn hò, những ván cờ ca rô trên mảnh giấy ố vàng ghi dấu thời gian và cả những cử chỉ ân cần, chân thành mà chú dành cho đã khiến cô “đổ cái rụp”. Biết được chuyện tình của hai người, nhiều bà con, bạn bè đều vui mừng, cố gắng vun vén, chúc phúc cho cô chú.
Khi nhắc lại kỉ niệm, cô chợt nhớ ngay đến ngày chú đưa cô về ra mắt gia đình. Hai cô chú về đến quê khi trời đã tối muộn, chú chở cô trên chiếc xe đạp đã cũ mượn của một người bạn, chiếc xe cút kít băng băng trên đường, lúc lúc lại gặp ổ gà khiến cô chực muốn rơi vì tay đang cầm quá nhiều đồ. Dọc đường cô liên tục hỏi chú đã gần về đến nhà chưa, phần cũng vì tâm trạng hồi hộp của ngày ra mắt khiến cô như sốt ruột hơn. Nhưng mọi mệt mỏi đều đã được xua tan khi gia đình chú đối đãi, tiếp đón, coi cô như con trong nhà. Sự bình đẳng, hòa đồng, cởi mở, chân thành mà mọi người dành cho cô khiến mỗi lần chào mọi người quay lại nơi đây, cô đều bịn rịn, quyến luyến như với chính bố mẹ đẻ của mình.
Sau bao năm chung sống, dù có những lúc hai vợ chồng bất hòa, nhưng cô chú luôn biết nhường nhịn, thấu hiểu và đặt vào vị trí của nhau để có thể giải quyết mọi mâu thuẫn một cách êm đẹp. Đôi mắt cô bỗng long lanh, xúc động khi nói câu “cô may mắn vì có một người chồng là chú”. Hai cô chú nắm tay nhau cùng kể lại kỉ niệm cũ như khiến mọi vật xung quanh, thời gian, không gian chậm lại. Ở nơi đó, lúc đó chỉ có hai người thôi, hai người đang cùng nhau trở về thời son rỗi.
Giờ đây, khi hai người con đã khôn lớn, đối với chú, chú vẫn luôn dành sự tôn trọng nhất định cho vợ và con mình. Chú luôn coi các con như những người bạn để thấu hiểu, để sẻ chia, cùng con lớn lên, trưởng thành. Ba bố con chú – ba người bạn vẫn thường cùng nhau chơi cờ mỗi khi rảnh rỗi, nhìn bàn cờ được chú để trang trọng ngay phòng khách phần nào giúp mọi người hiểu hơn vai trò của những phút giây, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, quan trọng nhường nào. Chú vốn ít nói và lạnh lùng là thế, nhưng khi nói về gia đình mình, chú không ngại chia sẻ thêm “với chú, gia đình luôn có một vị trí rất quan trọng và chú tự hào vì mình có một người vợ tuyệt vời là cô đây”. Ánh nhìn của chú ngay lập tức hướng về phía cô như thêm một lần nữa khẳng định sự chân thành trong câu nói ấy và rồi hai cô chú nhìn nhau cười hạnh phúc.
Ai cũng khao khát có một chuyện tình thật đẹp, “thật như mơ”. Nhưng để vẽ lên bức tranh màu hồng tuyệt diệu ấy, ta không thể quên tô thêm một chút màu mang tên giận hờn, cãi vã. Và để các màu có thể hòa quyện lại, trở nên cân đối hài hòa hơn thì sự chân thành của người nghệ sĩ là không thể thiếu. Có một nhà họa sĩ nọ, vẽ một chấm trắng trên nền giấy đen cũng thành một bức họa để đời. Vậy nên, hạnh phúc đôi khi chỉ cần bắt đầu từ những điều giản đơn nhất, chân thành nhất và những cử chỉ nhỏ mà cô chú vẫn luôn để ý, trao nhau đã lí giải vì sao sau bao năm tình cảm ấy vẫn mặn nồng như thuở ban đầu.
Vô Ưu