Nhớ lại một thời gian đã qua, kí ức tuổi thơ giữ mãi trong ta là những lúc quây quần bên nhau nô đùa “thỏa chí tang bồng”. Nhóm này tụ tập đánh khăng, chơi đáo lỗ, nhóm kia rủ nhau bịt mắt dê… rộn ràng tiếng cười vui tới chiều tà mời bịn rịn chia tay về nhà. Lớn lên, đến độ yêu đương, hẹn hò bên khóm tre đầu làng hay dòng sông quê hương, đôi bạn gái trai, liền vai sát cánh tâm tình từ cõi lòng với nụ hôn thắm nồng, chờ ngày thưa với mẹ cha cho chúng con được thành đôi vợ chồng sau ngày trao nhẫn cưới. Gia đình thật hạnh phúc, con cái lớn lên trưởng thành bởi có thêm sự yêu thương đùm bọc của bà con xóm giềng, cùng anh em bạn bè gần xa.
Còn giờ đây, tại quê hương thứ 2 Ucraina này, không riêng ở Kharcov mà nhiều thành phố như: Kiev, Odessa, Kherson… khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã vào thập niên 90, thế kỷ trước, số đông công nhân, sinh viên người Việt mình trụ lại, mưu sinh “bắt đầu và đi lên” bằng con đường chợ búa trên thương trường sống động, tồn tại cho đến tận bây giờ ngoài sự vận động, nỗ lực cố gắng vươn lên “tầm cao mới” của bản thân còn là tình đoàn kết keo sơn, tương trợ giúp đỡ nhau cả về tinh thần lẫn vật chất của những đứa con đất Việt, dòng máu Lạc Hồng “bốn nghìn năm” đang đồng hành sinh sống, làm việc và học tập nơi đất khách quê người.
Nhắc lại điều này, tôi tự dặn mình và những mong mọi người hãy hiểu rõ cốt lõi sức mạnh của tình bạn thủy chung, tình yêu chân thành đã dành cho nhau bao nhiêu niềm vui đang có trong phạm vi gia đình và xã hội “sống để yêu nhau”, để xóa bỏ ghen ghét hẹp hòi cùng gian dối lọc lừa cho đời nở hoa. Nhất là vào thời điểm này, kinh tế chợ đang trầm lắng thì việc động viên, khích lệ nhau theo phương châm “buôn có bạn, bán có phường” yên tâm vững bước mà đi với niềm tin và hy vọng “sau cơn mưa trời lại sáng” là hết sức cần thiết. Và, theo tôi biết, dân chợ búa tại trung tâm thương mại Барабашова đã làm như vậy. Vì thế, không ít buổi chợ vắng tanh như chùa Bà Đanh, nhiều hôm kể cả ngày оптом (bán buôn) vào thứ 2, thứ 6 hàng tuần, chợ mới giữa trưa “buồn thỉu buồn thiu” như đã về chiều… nhưng anh chị em người Việt mình vẫn trầm tĩnh đứng bên cửa hàng “ngập hàng hóa”. Khuôn mặt đầy sương gió vẫn thanh thản, nụ cười tươi tắn vẫn thường trực trên đôi môi và ánh mắt vẫn rực sáng chờ “hết đêm lại đến ngày”.
Những ngày đi làm bằng Metro, từ bến tàu điện ngầm tranh thủ lang thang quanh mấy góc chợ, chuyện trò trao đổi, tôi mới hiểu rõ hơn tâm hồn những con người như thế ấy.
Thứ hai đầu tuần vừa rồi, tình cờ gặp L, một trong những ông chủ quần bò xịn ở chợ Барабашова, chào hỏi xong, chưa kịp “phỏng vấn” theo thói quen nghề nghiệp, anh bạn thân miền Trung ấy đã dốc bầu tâm sự:
- Anh tính, vào Thu trời trong xanh nắng ấm, ngỡ hàng vào vụ, nào ngờ nhiều hôm về tay trắng. Có buổi cố nán “câu dầm” cũng “xôi hỏng bỏng không” thì có chán không cơ chứ! Ngừng một lát, nhìn người vợ cùng quê ngao ngán đứng thẫn thờ trong cửa hàng, hắn kể tiếp: Có lần bắt gặp nét mặt buồn tênh của bà xã, tôi vội động viên như thể cũng là để an ủi mình “tình trạng chợ trì trệ đã từ lâu và ảnh hưởng đâu riêng gia đình mình. Như em đã thấy đấy, dân chợ búa là nguời Việt có ai rời vị trí! Kể ra vợ chồng mình cũng hòa nhập bền bỉ, dẻo dai, quyết tâm “mài sắt”, chờ ngày “lên kim” phải không em! Bà xã mỉm cười gật đầu rồi hoài niệm than vãn: “Mấy năm trước tiền có trong tay, giá anh nghe em về quê đầu tư bất động sản đã làm thì hay biết mấy”. Không phản đối, tôi lựa lời phân bua: “Thì bây giờ mình vẫn có Kva, ô tô, cửa hàng, con cái học hành đến nơi đến chốn có thua mấy ai đâu? Hơn nữa đồng hương người Việt và bạn bè xứ Nghệ vẫn còn nhiều lại thường xuyên gặp gỡ, động viên nhau, niềm vui đang có, để yên tâm vững bước mà đi khi tình hình kinh tế chính trị nước sở tại đang có chuyển biến tốt đẹp, thuận lợi cho dân bản xứ lẫn người nước ngoài. Còn tiền bạc ư! Phù phiếm lắm. Bởi… tôi định đọc mấy câu thuộc lòng trong bài hát “Cát bụi cuộc đời”… Xin đừng tính toán thiệt hơn. Đời như thoáng mơ, được mất ta đâu ngờ… Nhưng e không tiện nên thôi.
Tạm biệt L. Tôi thật sự tôn trọng anh, một con người “biết mình là ai, đang ở đâu và làm gì!”
Trước khi dừng bút, xin mạn phép nhắc lại một câu trong bài “tiền là cát bụi” mà tôi tâm đắc tự dặn mình nữa “Làm gì xin nhớ cho rằng. Chữ Tâm mới đáng để ngàn đời khắc ghi.”
Chúc bạn đọc gần xa của “Người Việt Odessa” sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt trong cuộc sống lẫn buôn bán, kinh doanh một khi “mến yêu nhau bằng bao nhiêu niềm vui đang có”.
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharkov Tháng 10/2019