Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Mấy suy nghĩ nhân kỷ niệm ngày 30/4 của một người lính đã trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh

Thứ sáu, 01/05/2020 | 02:35
Cách đây đúng 45 năm, tôi - một người lính vinh dự được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn, kết thúc hơn 20 năm cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Hôm nay, nhân ngày lễ lớn của dân tộc, xin ghi lại những những kỷ niệm về những ngày hừng hực khí thế, cả nước ra trận và niềm vui tràn ngập của những ngày Chiến thắng Mùa Xuân 1975.

Ông Nguyễn Văn Loan - tác giả bài viết, thời tại ngũ và hiện nay.

Cuối năm 1972, đang là sinh viên Khoa Lưu học sinh Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, theo yêu cầu của địa phương, tôi rời trường về quê nhập ngũ. Sau ba tháng huấn luyện tân binh, tôi được chuyển về Trung đoàn Tăng thiết giáp 201 đóng quân tại Xuân Mai. Sau gần một năm làm lính xe tăng, cuối năm 1973 tôi được chọn đi học cơ yếu và hơn một năm sau, kết thúc khóa học, tôi được điều về Phòng Cơ yếu Bộ Tham mưu Quân đoàn 1. Mùa xuân 1975, Quân đoàn 1 đang đóng quân ở Miền Bắc nhận được lệnh của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, chỉ để Sư đoàn 308 ở lại Miền Bắc làm lực lượng tổng dự bị và bảo vệ Miền Bắc, còn toàn bộ lực lượng của Quân đoàn, gồm Sư đoàn bộ binh 312; Sư đoàn bộ binh 320; Sư đoàn phòng không 367; Lữ đoàn xe tăng 202, Lữ đoàn pháo binh 45, Lữ đoàn công binh 209, Trung đoàn thông tin 140 và các Tiểu đoàn trực thuộc, tổng quân số gần 50 ngàn người nhận lệnh hành quân về phía Nam tham gia chiến dịch giải phóng Miền Nam.

Anh Nguyễn Văn Đệ và tôi là hai nhân viên cơ yếu cùng một đài thông tin được lệnh đi theo Bộ tư lệnh tiền phương của Quân đoàn do Thiếu tướng Tư lệnh Nguyễn Hòa và Thiếu tướng Chính ủy dẫn đầu, hành quân trước ra chiến trường. Cùng tham gia đoàn còn có Trưởng phòng Tác chiến Trần Trọng Trai và Trưởng phòng Quân báo Xà Liễn (cả hai người sau này cũng đều lên tướng). Ngày 6 tháng 3, chúng tôi lên đường. Xe đi qua làng tôi, tôi chỉ kịp gửi người quen mấy thứ đồ về cho gia đình mà không dám cho nhà biết là tôi đi chiến trường, vì quy định bảo mật của ngành cơ yếu và của chiến dịch.

Đoàn chúng tôi đi toàn xe con được ưu tiên nên đi tương đối nhanh. Chúng tôi qua Quảng Trị, thành phố Huế, chuẩn bị cho Trung đoàn 27 của Thiếu tá anh hùng Nguyễn Văn Hiệu (sau lên Thượng tướng) đánh chiếm đèo Hải Vân. Chưa kịp đánh thì đơn vị quân Sài Gòn đóng ở đó bỏ chạy sau khi Quân đoàn 2 tấn công giải phóng Đà Nẵng! Chúng tôi được lệnh quay lại Quảng Trị bổ sung quân lương rồi vượt sang Lào, qua thị xã Antopo đến Ngã ba Đông Dương vào Tây Nguyên. Chúng tôi đi qua Đắc Tô, Tân Cảnh, theo đường 14 qua Kon Tum, Gia Lai , Buôn Mê Thuột, Buôn Hồ, Đức Lập, vào Miền Đông Nam Bộ để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 16 tháng 4, chúng tôi vào đến Đồng Xoài dừng chân chờ toàn bộ lực lượng của Quân đoàn.

Theo Kế hoạch tác chiến của Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 1 đảm nhiệm hướng tấn công vào thành phố từ phía Bắc. Sư đoàn 312 của Tướng Nguyễn Chuông sẽ đánh Sư đoàn 5 của quân Sài Gòn và tấn công giải phóng các căn cứ Phú Lợi, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một... Còn Sư đoàn 320 của Tướng Lưu Bá Xảo cùng lực lượng xe tăng thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài gòn.

Ngày 26 tháng 4, Chiến dịch mở màn. Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 từ Đồng Xoài cũng dịch chuyển dần về phía Thủ Dầu Một. Lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, Bộ Tư lệnh Quân đoàn về đến Bình Cơ, Bình Mỹ, còn cách Thủ Dầu Một hơn chục km. Khi nghe đài thấy Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, dù là biết trước việc đó sẽ đến và đã đến rất gần nhưng mọi người vẫn bàng hoàng! Cả cơ quan Bộ tư lệnh Quân đoàn hò reo, ôm nhau nhảy múa, không phân biệt lính tráng hay tướng tá!

Chiều 30 tháng 4, chúng tôi vào Thủ Dầu Một! Sáng 1 tháng 5, tại Trường sỹ quan Công Binh, Bình Dương, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng - Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và chúc mừng Bộ tư lệnh và toàn bộ cán bộ chiến sỹ Quân đoàn 1! Ngày 3 tháng 5, Quân đoàn cho xe chở chúng tôi thăm thành phố Sài Gòn hoa lệ, hòa cùng niềm vui chiến thắng, thống nhất non sông của đồng bào Sài Gòn, thành phố mang tên Bác. Bây giờ, qua 45 năm nhớ lại những ngày ấy vấn thấy rạo rực trong lòng!

45 năm qua đi, hôm nay nhớ lại những ngày ra trận cùng quân dân cả nước hừng hực khí thế tiến công, cả nước cùng ra trận, lòng cũng cảm thấy tự hào đã được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào chiến thắng của cả dân tộc. Cuộc đời tham gia quân ngũ, tôi tự hào nhất và nhớ nhất kỷ niệm là tự tay được dịch bức điện chuyển mệnh lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho toàn quân "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng Miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng" và bức điện của Tổng bí thư Lê Duẩn gửi Bộ tư lệnh chiến dịch, các Quân đoàn và các đơn vị, thông báo "Bộ Chính trị đồng ý cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh".

Vui mừng kỷ niệm ngày Chiến thắng, chúng ta càng thương nhớ biết bao anh hùng, chiến sỹ và hàng triệu đồng bào, đồng chí đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến lâu dài hơn 20 năm để chúng ta có được ngày vui Chiến thắng và thống nhất đất nước hôm nay. Tôi nhớ không quên trong bức điện tổng kết sau chiến dịch của Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 gửi Bộ tổng tham mưu có ghi rõ: "Trong chiến dịch Hồ Chí Minh Quân đoàn 1 có 351 đồng chí đã hy sinh". Đau xót thay cho những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống ngay trước giờ Chiến thắng vinh quang của dân tộc!

Là người lính đã trực tiếp tham gia chiến tranh, tôi nghĩ bản thân cũng như các anh em cựu chiến binh càng tự hào về Chiến thắng vinh quang của chúng ta, chúng ta càng phải tích cực tu dưỡng giữ vững phẩm chất cao quý của người lính để xứng đáng với danh hiệu "Bộ đội cụ Hồ" mà nhân dân đã trao tặng!

Nguyễn Văn Loan

Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam tại Ucraina.