Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Lời hiệu triệu trái tim

Thứ sáu, 01/06/2018 | 04:03
70 năm qua, lời kêu gọi về lòng yêu nước, tinh thần thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và trở thành lời hiệu triệu, thôi thúc hàng triệu trái tim người dân Việt Nam không quản ngại khó khăn, gian khổ, đứng lên bảo vệ nền độc lập của dân tộc, kiến thiết đất nước, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Cách đây 70 năm, ngày 11/6/1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, tình hình đất nước ở vào thế "ngàn cân treo sợi tóc", tại bản Là Nọn, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm huy động sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Ngay sau đó, Lời kêu gọi thi đua ái quốc đã có tác dụng tạo ra động lực động viên toàn thể nhân sỹ, trí thức, công nông binh và cả dân tộc phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và những thành tích to lớn trong các cuộc kháng chiến kiến quốc.

Lời kêu gọi thể hiện những quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về cách thức tổ chức và động viên lực lượng quần chúng tham gia phong trào cách mạng. Đó là quan điểm về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, về đoàn kết toàn dân, về thực hiện những nhiệm vụ cụ thể trước mắt và nhiệm vụ chiến lược lâu dài...

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục đích của thi đua ái quốc là “Diệt giặc đói; Diệt giặc dốt; Diệt giặc ngoại xâm", để “Toàn dân đủ ăn, đủ mặc; Toàn dân biết đọc, biết viết; Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm; Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn".

Như vậy, mục đích thi đua ái quốc là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể.

Theo Người, thi đua yêu nước phải tiến hành một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực để hoàn thành mục tiêu chung. Người khẳng định: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”. Người kêu gọi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sỹ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa". Điều này xuất phát từ tính chất toàn diện của cuộc kháng chiến.

Ngày nay, công cuộc đổi mới đất nước đang tiến hành trên tất cả các mặt, với mục tiêu trước mắt là hoàn thành sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, việc thi đua yêu nước phải tiến hành một cách toàn diện để tạo nên sức mạnh to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Để thực hiện được mục đích thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ “Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân." Thi đua yêu nước là nhiệm vụ cách mạng của mỗi người dân nên phong trào thi đua yêu nước phải mang tính chất toàn dân. Tính nhân dân của phong trào thi đua yêu nước được thể hiện ở việc tổ chức cho các tầng lớp nhân dân được quyền và có nghĩa vụ đóng góp vào công việc chung của đất nước, tùy theo sức lực của mình.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay để huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong nước, của kiều bào, kể cả người nước ngoài, theo mục tiêu chung đã được xác định.

70 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Đảng ta luôn vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh để triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và công tác khen thưởng, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, bảo tồn, phục hưng và phát triển đất nước, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng vững mạnh.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước mang lại những thắng lợi và hiệu quả thiết thực. Trên tiền tuyến, các chiến sỹ thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi, chống giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Các phong trào “Ba xung phong", "Ba sẵn sàng," "Ba đảm đang", "Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", "Tất cả để bảo vệ biên cương của Tổ quốc"... đã trở thành động lực và hành động cách mạng trong kháng chiến toàn dân, toàn diện, chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đưa đất nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong giai đoạn hiện nay, các phong trào thi đua đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của cả nước và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh."

Với chủ đề thi đua "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" giai đoạn 2016-2020, các ngành, các cấp đều hưởng ứng tích cực, bằng nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, có tác động lan tỏa rộng khắp, liên tục trên tất cả các lĩnh vực. Tiêu biểu là 3 phong trào thi đua trọng tâm, trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ phát động: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau"...

Cùng với đó là các phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Dạy tốt, học tốt"; "Thi đua quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc", "Vì Trường Sa, Hoàng Sa", "Dân vận khéo"...

Các phong trào đã được các cấp, các ngành, các địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện, đặc biệt là được sự hưởng ứng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước, đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội phục vụ cho sự phát triển doanh nghiệp thời kỳ công nghiệp 4.0, an sinh xã hội được bền vững, nông nghiệp, nông thôn khởi sắc, tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế của đất nước và hội nhập quốc tế.

Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng đã ngày một hoàn thiện, bám sát yêu cầu của thực tiễn đất nước và đi vào cuộc sống, góp phần tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về công tác thi đua, khen thưởng. Công tác phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng và nhân rộng các gương “người tốt, việc tốt,” các mô hình, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các anh hùng, chiến sỹ thi đua được chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội. Công tác khen thưởng đảm bảo theo các quy định của pháp luật…

70 năm, trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử, sự nghiệp cách mạng của đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn, song vẫn còn đó không ít những khó khăn, thử thách. Đất nước chỉ có thể phát triển nhanh và bền vững khi có được sự cố gắng, ra sức thi đua của tất cả mọi người. Đó cũng là thông điệp quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc 70 năm trước.

Ngày nay, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nói riêng và tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung về thi đua yêu nước vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và giá trị thực tiễn sâu sắc./.

Ban công tác cộng đồng ĐSQ VN tại Ucraina