Ông Trương Văn Hùng – trưởng BTC chia sẻ: “Trước khi chương trình bắt đầu, khuôn mặt ai nấy đều rạng rỡ, cầm tay, khoác vai nhau nói cười vui vẻ, mang lại cho tôi một cảm xúc dạt dào khó tả. Sau khi nhận những lẵng hoa tươi thắm từ các vị đại biểu, ban ngành đoàn thể, ngoảnh mặt lại, tôi nhận ra đó là các cháu thế hệ thứ 2, tràn trề nhựa sống, đang hân hoan cầm đỡ những bó hoa đó, tự nhiên lòng tôi dâng lên một sự gần gũi vô cùng”.
Xúc động khi gặp lại những người công nhân năm xưa mà mình quản lý, bà Lanovlyuk Lyudmila Ivanovna – quản đốc phân xưởng số 6, nhà máy giày Odessa chia sẻ: “Chương trình rất tuyệt vời. Tôi rất vui vì gặp lại những công nhân năm xưa, họ luôn chăm chỉ, chịu khó mà cũng thật tốt bụng. Tôi không ngờ, sau 30 năm, họ vẫn nhớ như in những cảm xúc từ ngày đầu đặt chân đến mảnh đất này. Tôi trân quý những tình cảm tốt đẹp ấy. Chương trình chính là một sự gắn kết, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nhà nước Việt Nam - Ucraina. Giờ đây, họ đã có các thế hệ thứ hai, thứ 3 và tôi như thể một người mẹ, người bà vậy. Tôi luôn mong họ mạnh khỏe, hạnh phúc và luôn đoàn kết, kề vai sát cánh bên nhau để cộng đồng Người Việt thêm vững mạnh và phát triển hơn nữa”.
Đại diện cho những phiên dịch viên tài năng, ông Lê Trung Kiên – tiến sỹ ngành luật hiện đang làm các dự án quản lý ở Việt Nam với chất giọng điềm đạm, ông cho biết: “Tôi hay đi công tác Châu Âu và vẫn thường sắp xếp đến Odessa thăm anh em công nhân năm xưa, quây quần ăn những bữa cơm đầm ấm. Hôm nay, khi gặp lại mọi người, cảm xúc ùa về, tôi nhớ vô cùng thời thanh niên đầy nhiệt huyết, trách nhiệm của mình. Những năm tháng ấy đã cho tôi nhiều kỉ niệm thật đẹp và kinh nghiệm quý báu. Với tôi, tham gia chương trình không chỉ là niềm vui, quyền lợi mà còn là nghĩa vụ và trách nhiệm của người cựu thành viên nhà máy giày da. Tôi luôn cố gắng làm gương để các thế hệ kế tiếp chăm ngoan, học tập tốt và hiểu được giá trị cuộc sống không nằm ở tiền tài, địa vị… mà ở tình cảm giữa người với người”.
Siết chặt tay chị em trong ngày hội ngộ, bà Nguyễn Thị Tính – cựu thành viên nhà máy giày da năm xưa không giấu được sự xúc động kèm theo những giọt long lanh nơi khóe mắt như trực trào ra. Bà nghẹn ngào:” Dù chúng tôi đang sinh sống tại Thụy Điển nhưng Odessa luôn là quê hương thứ hai, là mảnh đất chất chứa bao kỉ niệm tuổi trẻ hồn nhiên, trong veo và nhiệt huyết. Trở về đây ngày hôm nay, tôi như được sum họp với các anh chị em trong đại gia đình 35 của mình. Tôi xúc động vô cùng”.
Ông Nguyễn Sỹ Xuân – chủ tịch Hội đồng hương Bắc miền Trung Odessa, dù công việc trong nước rất bận nhưng ông đã dành thời gian tham gia cùng bà con, ông tươi cười cho biết: “Đây không chỉ là nơi mọi người hội tụ đông đủ, giao lưu, chia sẻ với nhau kỉ niệm một thời mà còn là dịp để mọi người quay trở về quê hương thứ hai của mình, về mái nhà chung có bao bạn bè, tri kỉ, và về nơi có con cái - thế hệ thứ 2 đang lớn khôn, trưởng thành. Có thể nói, chương trình kỉ niệm như một ngày lễ lớn đưa chúng tôi hướng về gia đình chung của mình”. Cùng với suy nghĩ đó, gia đình các doanh nhân khác như ông bà Thanh Thực, ông bà Quảng Thu, ông bà Ngọc Tuyến… cũng đã sắp xếp thời gian, có mặt đông đủ để tham gia sự kiện.
Từ đầu đến cuối chương trình, bà Phạm Thị Xuân luôn phải nhẹ lau những giọt nước mắt không nén nổi xúc động. “Hôm nay, tôi vui lắm! Đã 30 năm rồi, mọi người cũng đã khác nhiều, có người khác cả ngoại hình, tính cách, và có cả các anh em từ mọi nơi quy tụ về đây, hướng về ngày lễ đặc biệt này. Chúng tôi cùng nhau xem đoạn clip lưu giữ những bức ảnh, kí ức một thời thanh niên, xúc động đến rơi nước mắt”. Trong chương trình “Khúc hát yêu thương”, trẻ trung với bộ áo dài tím mộng mơ, bà tự tin, nở nụ cười tươi sánh bước cùng chị em tham gia trình diễn áo dài Việt Nam. Dù bận nhiều việc và không có nhiều năng khiếu văn nghệ nhưng tinh thần sôi nổi và sự tập luyện chăm chỉ đã giúp bà hoàn thành thật tốt tiết mục được giao. Thế mới thấy, tinh thần, trách nhiệm, nhiệt huyết trong bà lớn nhường nào!
Riêng với anh Lê Ngọc Toàn – phóng viên báo Nhân dân đến từ Việt Nam: “Tham gia chương trình, tôi như thấy được hình ảnh cuộc sống của bố mình, của những người lính năm xưa. Dù được tham dự nhiều chương trình lớn nhỏ nhưng chưa có chương trình nào kéo dài đến vậy. Sau 6 tiếng rồi mà mọi người vẫn muốn nán lại, tiếp tục nhảy múa, hát ca, khoác vai nhau, nối đuôi thành một hàng dài, hát vang Nối vòng tay lớn, mang lại cho tôi sự ấn tượng mạnh mẽ”.
Với ngài đại sứ Nguyễn Anh Tuấn, lễ kỉ niệm như một dịp giúp đại sứ nhớ lại những năm tháng sinh viên khó quên của mình ở Moscow. Sau khi dành những lời khen ngợi tích cực cho chương trình, đại sứ chia sẻ: “Điều đặc biệt nhất chính là sự gắn kết, kề vai, sát cánh giữa công nhân và lưu học sinh Odessa. Dù các thành viên có làm gì, ở đâu nhưng vẫn luôn gắn bó với cộng đồng, đặt quyền lợi của cộng đồng lên hàng đầu. Đó chính là nhân tố quan trọng làm nên sức mạnh của cộng đồng Người Việt Odessa”.
Và tôi, nhân sự kiện này cũng đã có cơ hội được viết nhiều bài báo liên quan đến các cựu thành viên nhà máy năm xưa. Chẳng biết từ bao giờ, họ truyền cho tôi sự lạc quan, niềm tin hướng tới những điều tích cực nhất. Trong không gian đầy ắp tình cảm với những con người như thế, mọi người như xích lại gần nhau hơn, thật với nhau hơn, để cùng nhau trở về miền kí ức thật nhiều kỉ niệm. Bây giờ, tôi đã hiểu lẽ vì sao trong chương trình, đại sứ đã hòa mình cùng mọi người, bộc lộ tình cảm chân thành nhất qua những câu thơ sâu lắng trong bài “Tôi yêu em”. Từng vần, từng nhịp thơ vang lên khiến cả khán phòng xúc động, nghẹn ngào:
“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài…”
Vô Ưu