Suy rộng ra, những người cùng tâm, cùng tính, cùng tình dễ tìm đến nhau, kết nối thành một khối, chung hướng đi “Vì một cộng đồng trong sạch và vững mạnh”
Chả nói đâu xa, như tình bạn xen lẫn tình đồng nghiệp giữa tôi với Nguyễn La Thứ bấy lâu nay – từ mùa xuân năm 2000, kéo dài cho đến tận bây giờ chẳng hạn. Nguyên do thật giản đơn, ngay buổi đầu gặp gỡ tại văn phòng Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov ở trung tâm thương mại Барабашова, thấy hợp nhau bởi đức tính khiêm tốn, cách sống giản dị “nói ít làm nhiều” của người Hà Nội xưa. Sau đấy, hằng ngày gặp gỡ thêm, quan hệ bạn bè trở lên gần gũi hơn. Dần dà, phát hiện anh phiên dịch Hội cần mẫn ấy có “tài lẻ” hội họa qua những lần ngắm nghía hàng chục bức ảnh sơn dầu phong cảnh bốn mùa xuân hạ thu đông vùng ôn đới, nhất là những tác phẩm về biển cả, tôi ngỏ lời mời họa sĩ La Thứ tham gia vẽ minh họa cho chuyên mục “Những ngang trái cuộc đời” – tác giả “Bát Sắt” là tôi – của tạp chí bán nguyệt san “Tuần Tin Quê Hương” (TTQH) – tiếng nói của cộng đồng người Việt Nam tại Ucraina. Không ngần ngừ giây phút, La Thứ vui vẻ nhận lời ngay, còn thổ lộ:
Vẽ tranh biếm họa góp phần đả phá, loại trừ thói hư tật xấu còn tồn tại trong cuộc sống, còn là ý nguyện của tôi từ lâu, nay mới thực hiện được. Hỏi rằng, còn gì bằng! Hơn nữa chủ đề “những ngang trái cuộc đời” lại đang được độc giả quan tâm, chú ý. Có phần mình đóng góp, vinh dự quá đi chứ!
Thế là “tâm đầu ý hợp”, một tháng đôi lần, đều như vắt chanh, 2 bức tranh minh họa chẳng những thể hiện sinh động nội dung, tư tưởng của bài viết mà còn có giá trị nâng lên tầm cao mới. Chả thế mà, không phải một cá biệt, chính tôi “Tai nghe mắt thấy”, độc giả bán hàng tại chợ đọc “Tuần tin quê hương” khúc khích cười. Hỏi ra nhẽ mới hay: “Tranh La Thứ vẽ khôi hài, dí dỏm quá, khiến bận mấy cũng không thể không đọc ngay “Những ngang trái cuộc đời” – vị đọc giả ấy giải thích xong khoe ngay hình vẽ: Chàng trai trẻ Việt nghiêng ngả, ngó nhìn “mông” cô gái chân dài dưới nhan đề bài báo “Đã ăn khoai trộm lại cuỗm cả củ”. Rồi nghiêm túc bình luận: Chẳng thua gì chuyên nghiệp.
Hả lòng hả dạ, thơm lây nhờ sức sáng tạo của anh bạn “cộng sự” La Thứ, tôi viết bài: “Người không thể thiếu” – ngoài ý nghĩa cụ thể của “Những ngang trái cuộc đời” còn cả của tôi, hưng phấn viết tiếp những mong giúp ích gì cho đời. Vậy là “có đi có lại cho toại lòng nhau” phải không họa sĩ! Và, dù cho TTQH (báo giấy) đã tạm dừng mấy năm qua nhưng tình bạn sáng tỏ như ánh trăng rằm bắt nguồn từ nơi ấy, ngày ấy vẫn còn giữ mãi.
Bàn về chủ đề này, có lẽ không ai trong chúng ta không nhận ra nét đẹp nhân văn cao cả trong những việc làm thầm lặng “hiếu hỉ, tang lễ” mà Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov đặc biệt quan tâm, kể từ ngày thành lập (24/04/1998) – tròn 20 năm đến bây giờ.
Về ý nghĩa việc làm “nghĩa tử là nghĩa tận” này, xin được nhắc lại đoạn văn trả lời của tôi qua bài phỏng vấn (TTQH số 179 ngày 16/10/2009):
“… Thường thì người thân của người quá cố đều chính thức nhờ Hội đứng ra giúp đỡ lo liệu việc giấy tờ (giấy chứng tử, giấy phép của Viện kiểm sát), thuê xe tang, mua đồ khâm niệm, liên hệ nhà hỏa táng vv… Cũng có một vài trường hợp bà con tự lo liệu nhưng đôi khi không hoàn tất các thủ tục đúng thời gian như ý muốn nên cuối cùng cũng phải nhờ đến Hội. Ví dụ cháu H mất do bệnh hiểm nghèo ở tuổi 22. Gia đình cháu tưởng rằng công việc đơn giản, tự làm lấy. Trên báo VietnetKH đã đăng thông báo tang lễ cử hành vào hồi 14h chiều mà 9h sáng hôm đó giấy tờ vẫn chưa xong. Gia đình lại muốn đưa cháu về nơi an nghỉ cuối cùng vào đúng ngày giờ đã định theo tâm linh Phật giáo, theo phong tục Việt Nam. Biết chuyện này, ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch Hội điện gấp cho tôi phải giúp đỡ bằng được trường hợp này vì cháu H khi còn sống có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Thế là tôi vào cuộc. Hôm ấy là thứ bảy, ngày nghỉ cuối tuần nên rất khó khăn trong việc lo giấy tờ, đến đâu cũng bị từ chối. May nhờ những quan hệ sẵn có nên tôi vẫn hoàn thành công việc, thậm trí hôm đó, văn phòng chứng tử bị hết blank (mẫu in sẵn), nhưng vì nể nang nên họ đã viết giấy tay và cam kết với nhà thiêu để việc hỏa táng được tiến hành đúng pháp luật quy định. Để rồi “qua những việc làm từ thiện ấy sẽ giúp bà con cộng đồng ta cùng thêm gắn bó, thương yêu giúp đỡ nhau nhiều hơn trong những ngày mưu sinh nơi đất khách quê người này”.
Vào phần kết, xin bày tỏ đôi lời tâm sự từ đáy lòng: Nhớ hơn 2 năm về trước “Bạn đồng hành” của tôi đang yên đang lành đành “tạm dừng”. Đang buồn thỉu buồn thiu, ngỡ bị bỏ lỡ “nghiệp” văn chương thì may thay tìm thấy “mái nhà chung” là “Người Việt Odessa” cho những ai muốn ghé tới, chia niềm vui, sẻ nỗi buồn với bạn đọc gần xa qua áng văn, vần thơ. Từ bấy đến nay, tôi vẫn tiếp tục đồng hành với “Odessa – xa mà gần ấy” còn bởi lẽ trong sổ danh bạ cá nhân ghi đậm nét số điện thoại cầm tay của 3 người: Nguyễn Như Mạnh – Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Odessa; Nguyễn Văn Hùng – Trưởng Ban biên tập; Vũ Ngọc Huy - Ủy viên BCH mà tôi thường gọi điện trao đổi, tâm tình. Để rồi nhận thấy các anh ấy và bà con cộng đồng người Việt ở thành phố bến cảng ấy cùng một lòng, chung một hướng đi xây dựng một cộng đồng trong sạch và vững mạng như Người Việt ở Kharkov chúng tôi.
Bài học rút ra từ bản thân: Muốn hoàn thiện mình trở thành người hưu ích hãy tìm đến “người tốt việc tốt” học hỏi và làm theo để rồi cùng “hữu xạ tự nhiên hương” cho đời nở hoa ngát thơm.
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharkov, tháng 3 năm 2018