Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Hướng tới “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” (11/06/1948 – 11/06/2018) - Làm theo lời Bác

Chủ nhật, 10/06/2018 | 14:12
Trên đời này, có khoảng không gian nào sâu thẳm hơn tình người Việt Nam với Bác Hồ kính yêu. Trong văn học nghệ thuật có hình tượng nào đẹp bằng cuộc sống giản dị, thanh cao, suốt đời vì hạnh phúc nhân dân, độc lập dân tộc, giang sơn thống nhất một nhà của “Bác Hồ - cha của chúng con” cũng như có ngôn từ nào xúc tích, bền lâu, đi vào lòng người như lời dạy mang tính nhân văn sâu sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – người sáng lập ra ĐCS Việt Nam quang vinh và Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Nhớ lần đọc báo Đảng có một bài viết về Bác Hồ. Ngắn gọn thôi mà sao tôi bồi hồi, giữ mãi tận đáy lòng: “Ngày 5 tháng 6 năm 1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành vừa tròn 21 tuổi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Sau gần 10 năm bôn ba khắp năm Châu bốn bể, tháng 7 năm 1920, Nguyễn Tất Thành đã là một nhà hoạt động chính trị mang tên Nguyễn Ái Quốc. Lần đầu đọc bản Luận cương của Lê-nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người nhận rõ con đường đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc và tự do cho đồng bào. Một phần tư thế kỷ sau, ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, Người trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.”

Nhớ thêm nữa, thuở cắp sách đến trường tới lúc trưởng thành bước vào đời, trong chúng ta ai là người không thấm sâu những bài học lịch sử về Tổ quốc Việt Nam – Đất nước và con người – từ thời Vua Hùng dựng nước bốn nghìn năm về trước. Qua tháng năm dài lâu chống chế độ phong kiến, thực dân, đề quốc đến ngày thắng lợi hoàn toàn càng thấy rõ hơn tầm vĩ mô của Bác trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại tự do cho nhân dân ta. Và, vì thế chăng, từ lâu tôi luôn tự hỏi mình, nếu như không có ngày 19 tháng 5 ấy, thiếu Bác Hồ thì số phận người Việt Nam, nòi giống con Lạc cháu Hồng sẽ ra sao? Bao giờ mới được đón nhận ngày lễ độc lập mồng 2 tháng 9 năm 1945? Được nghe giọng ấm ấp và hùng hồn của Người: “Nước Việt Nam có quyền được hướng tự do và độc lập, và thực sự đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Làm theo lời Bác, toàn thể già trẻ, gái trai đồng tâm nhất trí vững tin đi bên nhau trên con đường ấy, sẽ tời ngày chiến thắng.

Hôm vừa rồi nhân ngày Quốc tế thiếu nhi mùng 1 tháng 6, đọc bài “Lời hiệu triệu từ trái tim” – Ban công tác cộng đồng ĐSQ Việt Nam tại Ucraina đăng tải trên báo Người Việt Odessa với đoạn kết xác thực: “Ngày nay, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”. “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nói riêng và tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn nguyên vẹn giá trị lý luận và giá trị hiện thực sâu sắc”, như thể nhắc nhở mỗi người chúng ta thời nay và thế hệ mai sau “nhớ mình là ai” để dù cho ở cương vị nào trong xã hội cũng phải phấn đấu, thực hiện bằng được nghĩa vụ góp phần xây dựng quê hương đất nước bằng lương tâm và trách nhiệm!

Tôi luôn nghĩ, ai cũng am hiểu và vững tin làm theo, chả phải bây giờ mà từ hồi cách mạng Việt Nam còn trong bão lửa. Năm 1948, nghe lời Bác nhấn mạnh: “Nước ta kinh tế lạc hậu nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cấp, tự túc để kịp người ta thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái, trai, giá, trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất. Như thế thì:

Kháng chiến nhất định thắng lợi

Kiến quốc nhất định thành công.”

Ngoài chiến trường, anh bộ đội Cụ Hồ “quần nhau với giặc áo còn rách thêm”, ở hậu phương, nông dân chăm chỉ cấy lúa trồng cây góp phần nuôi quân, có mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Tiếp đến qua Di chúc của Người để lại (10-5-1969) đồng bào hai miền Nam Bắc có được niềm tin vững chắc vào sức mạnh vô biên. Người đã khẳng định trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Sáu năm sau, điều đó đã trở thành hiện thực (30-4-1975), giang sơn thống nhất một nhà từ Mục Nam quan tới mũi Cà Mau. Hùng vĩ thay “đất nước tôi thon tả giọt đàn bầu” và, tình yêu quê hương đất nước thêm rộng mở “sáng ngời muôn thuở khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ”.

Với tôi, hơn 20 năm đứng trong hàng ngũ những người làm công tác báo chí cộng đồng, may thay có trong tay tập sách “105 lời nói của Bác Hồ” để mỗi lần cầm bút, muốn cho bài viết của mình thêm sinh động, có sức thuyết phục và tính giáo dục cao tôi thường trích: “những lời chỉ bảo vàng ngọc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng những là luận chiến sôi nổi chống lại kẻ thù của dân tộc, là những áng văn, thơ tuyệt vời, chan chứa tình cảm yêu nước, thương dân, là sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh quốc tế trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là cách giao tiếp đối nhân xử thế của cuộc sống hàng ngày. Mỗi lời nói, mỗi việc làm của Người đều xuất phát từ ý chí cao cả cuộc đời là phấn đấu cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Những lời chỉ bảo của Người là kim chỉ nam cho mọi hành động và việc làm của mỗi chúng ta.”

Những ngày này, sống xa nhà, nhưng hàng năm vào “Tháng 5 nhớ Bác”, liền sau đó tháng 6 là “Lời kêu gọi thi đua yêu nước” của Bác, chúng tôi thường quây quần ngồi bên nhau hướng về cội nguồn, ôn lại những gì đã qua của một thời quá khứ, những kỷ niệm riêng tư của bản thân, gia đình, của hàng xóm láng giềng trước sự đổi thay quá nhiều từ khi có Bác, từ sau ngày Bác khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để rồi, ai nấy đều tự dặn lòng: “gắng sống và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại. Dù việc nhỏ, việc lớn đều phải đưa cái chung lên hàng đầu, đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng hạnh phúc gia đình và luôn hướng về Tổ quốc thân yêu.”

Nơi đất khách quê người, sống dưới “Mái nhà chung cộng đồng người Việt” có anh sinh ra bên dòng sông Vàm Cỏ Đông; có chị gốc “Khúc ruột miền Trung”, có người từ miền núi Cao Bằng, có người ở mãi tận mũi Cà Mau… và, mấy chúng tôi – dân Hà Nội. Song ai nấy đều đồng tâm nhất trí, kiên quyết giữ gìn đạo đức trong sáng, bản sắc dân tộc để rồi, hằng năm vào những ngày lịch sử ấy dâng Bác, để thưa với Bác rằng đã bao năm rồi chúng con luôn làm theo lời Bác dạy.

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành” – Kharkov tháng 6/2018