Bà Natalyia Vasylievna Zaimenko, Giám đốc Vườn Bách thảo quốc gia M.G.Grishko và Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch tại lễ ký thỏa thuận hợp tác
Câu chuyện bắt đầu vào đầu tháng 11-2021, khi Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch và bà Natalyia Vasylievna Zaimenko, Giám đốc Vườn Bách thảo quốc gia mang tên M.G.Grishko thuộc Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Ukraine, ký thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án “Vườn thiên nhiên và văn hóa Việt Nam”. Đặc biệt, việc triển khai dự án tại Vườn Bách thảo quốc gia Ukraine càng thêm ý nghĩa khi diễn ra đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Ukraine (1992 - 2022).
Theo thỏa thuận hợp tác, Vườn Bách thảo quốc gia Ukraine M.G.Grishko cấp cho Đại sứ quán Việt Nam một thửa đất khoảng 1ha trong khuôn viên của vườn để xây dựng dự án. Dự kiến, đây là nơi giới thiệu các bộ sưu tập thực vật và kiến trúc văn hóa đặc trưng của Việt Nam đến người dân Ukraine và du khách. “Vườn thiên nhiên và văn hóa Việt Nam” nằm cạnh vườn của Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các kiến trúc sư lập thiết kế tổng thể khu vườn dựa trên thửa đất được cấp để trình Hội đồng khoa học của Vườn Bách thảo phê duyệt. Trong tháng 1-2022, thiết kế được hoàn thành.
Số liệu thống kê cho thấy hiện có khoảng 7.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Ukraine. Một không gian sinh hoạt văn hóa chung mang đậm nét truyền thống từ lâu đã trở thành niềm mong mỏi của những người con đất Việt. Cũng chính vì lẽ đó, khi ý tưởng dự án “Vườn thiên nhiên và văn hóa Việt Nam” được triển khai, cộng đồng người Việt hết sức ủng hộ. Người góp công, người góp sức, đồng lòng hỗ trợ Đại sứ quán Việt Nam thực hiện dự án này.
Chia sẻ về những ngày đầu tiên triển khai dự án, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch cho biết, đây là một dự án hợp tác mang nhiều ý nghĩa, giúp Việt Nam quảng bá văn hóa truyền thống của mình trên nước bạn. Nhờ sự hỗ trợ từ nước bạn cũng như tấm lòng của bà con Việt kiều, dự án theo hình thức xã hội hóa này đã nhanh chóng được thực hiện.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi dự án được ký kết, 50 gốc tre đã được Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch, cán bộ của Đại sứ quán cùng đại diện của Hội Người Việt từ Kiev, Odessa và Kharkov tự tay trồng trong Vườn bách thảo. Cộng đồng người Việt ở Nga cũng tham gia giúp Đại sứ quán mua, chuyển tre lên TP Belgorod biên giới với Ukraine để chuyển sang Kharkov. 50 “công dân đầu tiên” này của khu vườn xuất xứ từ Sochi, có khả năng chịu lạnh đến -180C, khi trưởng thành có thể đạt chiều cao khoảng 15-20m. Những cây tre có hình dáng tương tự như tre của Việt Nam đã thổi hồn vào dự án, gợi nhớ về hình ảnh yên bình của làng quê Việt Nam. Việc chọn tre còn mang ý nghĩa giúp du khách hiểu thêm về truyền thống Việt Nam, vì cây tre trong dân gian vốn luôn được coi là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng, đức tính cần cù, vượt khó của dân tộc Việt Nam đã được cả thế giới biết đến và thừa nhận.
Tre mang tính truyền thống, và tre cũng là điểm khởi đầu. Một thời gian không xa nữa, trên mảnh vườn này, mô hình trống đồng lớn mang nét tinh hoa văn hóa Việt và một mái đình truyền thống Việt Nam cũng sẽ được hình thành bằng các nguồn lực xã hội hóa. Mỗi hạng mục đều được chăm chút thông qua những phương án tỉ mỉ nhất, nhằm sớm hoàn thành theo tiến độ cũng như phù hợp với thổ nhưỡng xứ lạnh như Ukraine.
Tiếp nối mạch hợp tác văn hóa kể trên, với nhiều hạng mục đang được tích cực triển khai, dự án “Vườn thiên nhiên và văn hóa Việt Nam” đặt mục tiêu khánh thành mô hình trống đồng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Việc khai trương phục vụ tham quan, tổ chức các hoạt động ngoài trời sẽ diễn ra không lâu sau đó. Dù mọi việc còn đang trên bước đường hoàn thiện nhưng có thể nói, khu vườn sẽ là điểm nhấn văn hóa, là địa chỉ thu hút du khách, trước hết vì chính “hồn Việt” mênh mang ở đó.
Theo Báo Mới