Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Hẹn em ở cuối sông Hồng

Thứ sáu, 28/12/2018 | 00:40
Những ngày cuối tháng 12 năm 2018, cả 3 nhân tố cơ bản “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” hầu như không “Thuận buồm xuôi gió” đối với dân chợ búa đang mưu sinh tại Trung tâm thương mại Барабащова. Mới giữa trưa chợ đã vãn hẳn người mua cộng thêm giá lạnh của mùa đông xứ hàn đới làm cho mọi người càng ngao ngán, miễn cưỡng dọn hàng vào kho, khăn gói về nhà.

Ở nhà, có lẽ ai nấy đều đắm chìm trong suy tư về mảnh đời trôi nổi, bon chen chốn này còn nhiều khó khăn, trở ngại với bao nuối tiếc khôn nguôi “một đi không bao giờ trở lại”. Còn tôi, ngoài cái chung ấy là nỗi nhớ niềm thương cô gái miền Trung, sinh ra và lớn lên bên dòng sông Bến Hải và cầu Hiền Lương ngăn cách đôi miền đất nước. Để rồi vào giây phút giao thời chuyển mình sang năm mới, trong tôi hiện rõ nét hình ảnh em duyên dáng, dịu dàng vào thời kỳ chống Mỹ, cứu nước cùng những ký ức tuổi thơ về một miền quê rất đỗi anh hùng ấy đậm đà trong con tim, ngàn năm chẳng thể mờ phai.

Xin được kể lại đôi điều những muốn được chia sẻ với bạn đọc gần xa cho nhẹ sầu riêng.

… Cuối năm 1972, sau sự cố đêm 28 tháng 12, phố Khâm Thiên “Hà Nội của tôi” bị máy bay khổng lồ của Mỹ - B52 rải thảm, tôi may mắn được tham gia chuyến công tác đặc biệt của nhóm cán bộ ngành điện ảnh đi thực tế ở xã T nằm ở phía Bắc sông Bến Hải. Mảnh đất chen chúc những hố bom, trơ trụi một màu vàng úa, không một ngọn cỏ, không một lũy tre xanh, không một mái nhà tranh, vắng tanh bóng người qua lại. Nhưng kỳ diệu thay, sự sống vẫn tồn tại, những người nòng cốt vẫn trụ lại, đẩy lùi biết bao những trận tập kích của kẻ thù, giữ vững mảnh đầu của Tổ quốc mà báo chí trong và ngoài nước đã viết về nơi đây như một huyền thoại.

Với sự mong mỏi, ngưỡng mộ chân thành, sau hơn hai ngày đêm hành trình vất vả, vượt qua đạn bom nguy hiểm, đoàn chúng tôi đặt chân lên mảnh đất nóng bỏng đạn bom này vào lúc trời chập choạng tối. Cô giao liên nhỏ nhắn dẫn chúng tôi vào văn phòng Đảng ủy xã ở một căn hầm nằm sâu trong lòng đất. Người bí thư đon đả tiếp đón chúng tôi là cô gái trẻ, tuổi chừng mười tám đôi mươi, gọn gẽ, thon thả trong bộ áo cánh màu nâu của miền quê.

Sau mấy lời thăm hỏi, chén chè, điếu thuốc cô vào đề luôn:

- Xã chúng em nằm ở trọng điểm, giáp ranh vùng giới tuyến. Chính vì vậy, vào những năm gần đây, mảnh đất quê em bị xáo trộn bởi đạn đại bác từ phía Nam cầu Hiền Lương nã sang, bom từ máy bay chiến lược Mỹ dội xuống theo tọa độ. Nhiều bà con cô bác, đồng chí chúng em đã ngã xuống. Nhưng… giọng xúc động ngừng lại giây lát, nhẹ nhàng khỏa bấc đèn cho sáng tỏ hơn, cô dịu dàng kể tiếp, các anh thấy đấy, mảnh đất này vẫn tồn tại. Những người già cả và trẻ em được chuyển về hậu phương, còn chúng em, hầu hết là phụ nữ, đảng viên một trăm phần trăm tình nguyện trụ lại đây, bảo vệ quê hương mình dù cho có phải “hy sinh xương máu”. Cuối cùng, cô kể thêm về những khó khăn thiếu thốn trong sinh hoạt hàng ngày, về những mất mát đau thương diễn ra thường xuyên cũng như những chiến công đã đạt được của xã, của đồng đội… nghe mà thấy cảm phục, tràn đầy yêu thương… chợt tôi thấy lòng mình rung động mạnh, bâng khuâng như đợi chờ ai đấy, khi bắt gặp nụ cười, ánh mắt của cô lấp lánh bên ánh đèn dầu lúc mờ lúc tỏ. Nhất là, khi ngắm nhìn chiếc áo trấn thủ ôm chặt bộ ngực căng tròn, khuôn mặt thanh thoát xanh mướt thiếu ánh nắng mặt trời cùng đôi mắt đen láy của cô. Đang mải đeo đuổi theo dòng suy tư riêng của mình, anh bạn ngồi bên huých nhẹ vào vai tôi, hất đầu về phía cô bí thư, nháy mắt làm tôi cảm thấy thẹn thùng, cúi đầu im lặng.

Đêm ấy, đừng không đặng, tôi mạnh dạn xin phép anh trưởng đoàn gặp riêng cô bí thư, ghi chép một số tư liệu cần thiết về nhân dân miền này, về mảnh đất, đời riêng tư của cô để sau này có chất liệu viết về họ.

Ngày hôm sau, chúng tôi rời xã T để đi xa hơn theo lịch trình. Trước khi bước ra khỏi hầm, tôi cẩn thận ghi địa chỉ của cô vào sổ tay và không quên gửi lại nơi ở của mình. Cô chân tình chúc chúng tôi lên đường may mắn rồi nói với theo: “Khi nào chiến tranh kết thúc mời các anh về thăm lại miền quê chúng em”.

Ngày trở về Hà Nội, nhân được thư em, tôi vội vàng viết trả lời ngay: “…hẹn em ở cuối sông Hồng” khi ngưng tiếng đạn bom. Sau đó, nhận được giấy báo gấp đi Liên Xô học tập. Bẵng đi một thời gian dài, biệt tin em tôi bồn chồn lo lắng, đợi chờ đêm ngày. Bỗng, cũng vào những ngày mùa đông cuối năm, tuyết rơi giá lạnh tôi nhận được bức thư ngắn gọn của người bạn gái em, báo tin em không còn nữa, chiến tranh thật nghiệt ngã làm sao!.

Đêm ấy, tôi không thể chợp mắt, hình ảnh em – cô gái miền Trung cứ quẩn quanh bên tôi, ẩn hiện trong giấc mơ. Tôi mơ, lại một lần nữa về quê em. Bà mẹ già nua, mái tóc bạc phơ, dẫn tôi đến nghĩa trang nằm ở cuối xã. Nghẹn ngào không nói lên lời tôi cắm lên mộ em những nén hương tình nghĩa, ghi nhận một lần con tim tôi đến với em, dở dang vì chiến tranh để rồi chẳng bao giờ có thể gặp em ở cuối sông Hồng!

Đã nhiều năm thời gian trôi qua, qua đi những tháng năm chiến tranh, những mất mát đau thương, những nghiêng ngả của cuộc đời, tôi thấy mình càng gắn bó, yêu thương bạn bè, đồng nghiệp đang đồng hành cùng tôi sinh sống nơi đất khách quê người, cùng tôi đêm ngày luôn nhớ về miền quê, nơi ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành “một thời đạn bom, một thời hòa bình”. Và, nhớ em da diết “cô gái miền Trung duyên dáng, dịu dàng”. Cảm phục hết lòng những miền quê đã hy sinh cho cuộc sống yên bình của chúng ta hôm nay, cho nụ cười của trẻ thơ, cho tình yêu lứa đôi, cho mái ấm gia đình.

Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharkov tháng 12/2018


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN