Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Hành trình trở thành một lập trình viên

Thứ hai, 19/03/2018 | 15:27
Nhằm đáp ứng nhu cầu của các bạn trẻ muốn tìm hiểu về ngành Công nghệ thông tin (CNTT), báo người Việt Odessa tiếp tục chia sẻ đến bạn đọc đôi dòng tâm sự của anh Nguyễn Đăng Huy về nghề lập trình, nhân dịp tọa đàm hướng nghiệp cho sinh viên tại Ucraina

Anh Nguyễn Đăng Huy vốn là cựu sinh viên trường ĐH Bách Khoa Odessa chuyên ngành kĩ sư máy tính. Với đam mê yêu thích bộ môn, khao khát trở thành một nhà lập trình và thiết kế máy tính anh đã không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức cho bản thân cả về mặt tri thức cũng như những kĩ năng mềm cần thiết mà ngành nghề yêu cầu. Ngay từ khi còn là sinh viên anh luôn tích cực đăng kí tham gia các khóa thực tập do các công ty, nhà tuyển dụng tổ chức. Qua đó, anh không chỉ có thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ mà còn là bước đầu giúp anh tích lũy cho mình từng chút một những kĩ năng, kinh nghiệm quý báu. Hiện nay, anh đang là nhân viên trong công ty Adtelligent tại Odessa.

Hành trình trở thành một lập trình viên

Ngành Công nghệ thông tin là gì?

Nói theo cách dân dã thì đây là ngành làm việc với máy tính và các thiết bị, công nghệ liên quan máy tính, với mục đích là “cải thiện thế giới và con người”. Bởi lẽ, máy vi tính đã trở thành một trong những vật dụng không thể thiếu đối với con người do tính ứng dụng rộng lớn và đa dạng của nó. Thông qua máy tính, công việc được thực hiện một cách dễ dàng và chính xác hơn rất nhiều, từ trường học đến nơi làm việc, kinh doanh và thậm chí là ở nhà. Máy tính ở đây không hẳn là chiếc máy tính cá nhân hay laptop (máy tính xách tay), mà còn là chiếc điện thoại, robot, đồng hồ đeo tay, tivi… Với hàng triệu người sử dụng trên toàn thế giới, nhu cầu về các ngành nghề liên quan đến công nghệ và phát triển máy tính cũng tăng trưởng một cách mạnh mẽ đặc biệt là tầm quan trọng của các lập trình viên.

Hành trình trở thành một lập trình viên

Vì lý do gì mà anh yêu thích CNTT và muốn trở thành một nhà lập trình máy tính?

Cũng như bao bạn trẻ cùng trang lứa, từ nhỏ anh được làm quen với máy tính, với công nghệ thông qua các trò chơi điện tử. Các thao tác trong game yêu cầu người chơi phải thành thạo những kĩ năng cơ bản và có am hiểu nhất định về cách sử dụng máy tính. Đam mê bắt nguồn từ hiếu kì, tò mò thôi thúc anh muốn tìm hiểu về tin học và máy tính. Bắt đầu với việc cài đặt các linh kiện phần cứng, phần mềm cho máy tính và sau đó là nghiên cứu về các ngôn ngữ lập trình. Đó là tiền đề quan trọng để mình quyết định học chuyên ngành kỹ sư máy tính tại đại học.

Hành trình trở thành một lập trình viên

Có nhất thiết phải giỏi toán mới học được CNTT?

Bây giờ toán không còn được coi là cần thiết, chứ ở thế kỷ 18 đến một lập trình viên bình thường nhất cũng biết toán một cách siêu đẳng. Ngoài ra, họ còn biết đấm bốc, đấu kiếm, cưỡi ngựa bắn cung, biết viết văn, làm thơ, biết vẽ tranh, điêu khắc. Đôi khi họ có thể làm tất cả những thứ đó cùng một lúc.
Còn nếu nói một cách nghiêm túc thì ý kiến chủ quan của mình là chúng ta nên đặt câu hỏi ngược lại - lập trình viên ngành nào thì cần phải biết toán? Mình có một danh sách như sau:
- Các nhà phát triển phần mềm khoa học và kỹ thuật
- Những người làm việc với đồ hoạ máy tính hoặc thị giác máy tính
- Những người làm việc với các engine vật lý (phần mềm máy tính cung cấp một mô phỏng gần đúng của một số hệ thống vật lý nhất định)
- Các nhà phát triển các trò chơi sử dụng mô hình toán học làm cơ sở
- Chuyên gia xử lý hoặc phân tích số lượng dữ liệu lớn
- Chuyên gia mật mã
- Lập trình viên trong lĩnh vực kinh tế, giao dịch...
Nói chung kiến thức về logic và toán cơ bản sẽ giúp bạn tư duy và tìm ra những giải pháp giải quyết công việc trong các tình huống khác nhau tốt hơn. Quan trọng hơn, bạn sẽ phải rèn luyện khả năng tư duy, trừu tượng. Ở góc độ cơ bản thì chúng không hề khó một chút nào mà còn thú vị nữa chứ.

Tiếng anh thật sự quan trọng?

Chúng ta đều biết ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng quan trọng như thế nào trong xã hội hiện nay, nhưng với ngành CNTT thì tiếng Anh càng có ý nghĩa quan trọng. Hầu hết những tài liệu mới nhất, chi tiết nhất đều viết bằng tiếng Anh. Nếu bạn làm việc với các khách hàng nước ngoài thì ngôn ngữ giao tiếp chính sẽ là tiếng Anh. Nếu bạn không rèn luyện tiếng Anh, làm sao bạn có thể tiếp cận những nguồn tri thức lớn như vậy?

Những áp lực anh thường gặp phải trong công việc của mình?

Những ngành khác sau khi đi làm về, đầu óc bạn thường được thư giãn, tập trung cho giải trí, gia đình, bạn bè… Tuy nhiên những người làm về CNTT, khi đi làm về họ thường suy nghĩ, trăn trở những vấn đề mà họ chưa giải quyết. Nỗi ám ảnh nhiều khi đi vào cả giấc mơ. Cho nên người làm trong ngành CNTT thường rất bị stress, mệt mỏi, mất nhiều sức khỏe.

Hành trình trở thành một lập trình viên

Những kĩ năng mềm cần thiết mà sinh viên cần trau dồi khi đi theo con đường này là gì?

Ham học hỏi, trau dồi kiến thức: Công nghệ thay đổi và phát triển liên tục, những kiến thức hôm nay có thể ngay ngày mai đã trở thành lỗi thời. Ngành CNTT cần bạn liên tục trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ để không bị tụt hậu so với thế giới.

Khả năng làm việc theo nhóm: Công nghệ thông tin là ngành đặc biệt đề cao khả năng làm việc theo nhóm (team-work). Làm việc theo nhóm không những giúp bạn giảm bớt gánh nặng và độ phức tạp của công việc, mà hơn thế, còn giúp bạn hoàn thành công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Kỹ năng ngoại ngữ: Ngành Công nghệ thông tin và mạng Internet mang tính toàn cầu, do đó để trở thành chuyên gia CNTT giỏi, bạn phải khá thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng đọc hiểu.

Tính chính xác trong công việc: Tính chính xác là yêu cầu bắt buộc của mọi khoa học, cả khoa học về công nghệ máy tính. Trong quá trình xây dựng một ứng dụng, một phần mềm, nếu xảy ra một sai sót nhỏ, toàn bộ chương trình sẽ không thể vận hành như mong muốn.

Thông minh và có óc sáng tạo: Nếu bạn là người thông minh và có óc sáng tạo, bạn sẽ dễ dàng thành công hơn trong lĩnh vực CNTT. Đây là nghề nghiệp đòi hỏi tư duy phân tích cao, khả năng tối ưu hóa các giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí và đạt hiệu quả ứng dụng thực tiễn tốt nhất.

Niềm đam mê Công nghệ thông tin – Tố chất quan trọng nhất: Nếu bạn chẳng ngại ngần gì khi phải ngồi hàng giờ bên máy vi tính để viết một phần mềm, hoàn thiện một giải pháp, và càng không ngại ngần khi phải thực hiện lại cả công trình mà bạn đã đổ sức vào đó hàng tháng trời, thì thành công đang chờ đón bạn.

Hành trình trở thành một lập trình viên

Điều khiến Công nghệ thông tin chưa bao giờ giảm nhiệt vì ngành này đang là xu hướng phát triển của tương lai. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng cần công nghệ và những sản phẩm công nghệ cao. Dù là lĩnh vực nào đi nữa, dù là ngân hàng, hay hàng không, viễn thông, an ninh quốc phòng, tiêu dùng, giải trí... tất cả đều cần đến các ứng dụng CNTT. Có thể nói, Công nghệ thông tin chính là hạ tầng của mọi hạ tầng.

Từ những thông tin bài viết vừa cung cấp, chắc rằng các bạn đã có thể trả lời cho câu hỏi “Ngành Công nghệ thông tin là gì? Học những gì?”. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để các bạn có những lựa chọn đúng đắn, phù hợp cho tương lai của mình.

Vô Ưu