Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Hành trình trở thành một Họa sĩ Thiết kế ý tưởng

Thứ tư, 27/03/2019 | 21:49
Cứ đến 26/03 hàng năm, tại các buổi Lễ kỉ niệm Ngày thành lập Đoàn luôn chú trọng việc hướng nghiệp cho các Thanh thiếu niên. Và một câu hỏi luôn được đặt ra: Nên chọn trường theo Đam mê hay theo xu hướng của thời đại? Từ Canada xa xôi, Nguyễn Hoàng Minh – Họa sĩ Thiết kế ý tưởng đã có nhiều chia sẻ bổ ích nhắn gửi các ĐVTN trong cộng đồng.

Hành trình trở thành một Họa sĩ Thiết kế ý tưởngNguyễn Hoàng Minh. Ảnh NVCC

Ngay khi bắt đầu trò chuyện với Pv Người Việt Odessa, anh Hoàng Minh đã có những chia sẻ chân thành giúp chúng tôi hiểu hơn về một chặng đường dài anh đi tìm đam mê của mình: “Tôi có được ngày hôm nay, phần lớn là nhờ sự ủng hộ, tạo điều kiện của bố mẹ trên mọi bước đi, mọi chặng đường. Tôi may mắn hơn các bạn khác vì được học vẽ từ khi lên 4 tuổi, rồi được học đàn piano từ khi 7 tuổi. Khi lên cấp 2 thì học ở trường phổ thông bán trú về hội họa, với nửa ngày học các bộ môn văn hóa, nửa ngày học vẽ, tôi nhận ra mình ngày càng yêu thích bộ môn và thường xuyên vẽ theo cảm hứng của mình. Tuy nhiên, hồi đó, tôi chưa nghĩ đến việc sẽ đi sâu vào chuyên ngành hội họa. Tôi thi đậu Học viện Kiến trúc Odessa và tốt nghiệp cử nhân loại ưu. Nhưng từ năm 3 tại Học viện, tôi đã đi làm thêm trong một công ty làm về Kiến trúc và nhận ra Kiến trúc không phải là nghề dành cho mình.”

Hành trình trở thành một Họa sĩ Thiết kế ý tưởng Minh họa ngành Thiết kế ý tưởng. Ảnh NVCC

"Trong thời gian phân vân có nên tiếp tục đi sâu hơn vào chuyên ngành và bảo vệ Thạc sĩ Kiến trúc tại Luân Đôn hay không thì bộ phim Thừa kế ngai vàng xuất hiện. Bộ phim thực sự làm tôi phấn chấn khi biết người thiết kế ra thành phố trong cuốn phim từng học Kiến trúc. Tôi bắt đầu tò mò và quyết định mỗi ngày dành chút thời gian rảnh ít ỏi để xem các bộ phim tương tự vì nhận thấy bản thân dần say mê và quan tâm tới Design Concepts" (Tạm dịch: Là Ngành Thiết kế ý tưởng, dùng tranh minh họa, hiện thực hóa tất cả những suy nghĩ, ý tưởng trừu tượng, mơ hồ để mắt thường chúng ta có thể thấy rõ và hiểu được. Loại hình này thường gặp trong các bộ phim, trò chơi, hình ảnh động, truyện tranh...). Trang web của anh: https://www.artstation.com/min/profile

"Tất nhiên tôi vẫn đấu tranh tư tưởng rất nhiều và rồi bỏ học Thạc sĩ tại Luân Đôn, quyết định nộp đơn theo học trường FZD School of Design tại Singapore vì tôi không muốn hành động theo quán tính chung mà mọi người vẫn chọn. Hơn nữa, vào thời điểm đó, trường FZD mới mở, chuyên đào tạo về Họa sĩ và Họa sĩ Thiết kế ý tưởng, đồ họa được kênh Fengzu – một hiện tượng trên trang Youtube quảng cáo" (Fengzu: Là một trong những thành viên của nhóm Họa sĩ Thiết kế ý tưởng, Thiết kế chính trong phim viễn tưởng: “Chiến tranh những vì sao”, “Transfomer”, “Chúa tể những chiếc nhẫn”...).

Hành trình trở thành một Họa sĩ Thiết kế ý tưởngMinh họa về công việc Thiết kế ý tưởng. Ảnh NVCC

Theo dòng cảm xúc, anh tiếp tục chia sẻ về những áp lực phải trải qua khi học tập, làm việc tại trường FZD nhưng đến bây giờ, anh vẫn khẳng định đó là lựa chọn đúng đắn và sáng suốt nhất. Mỗi ngày, anh chỉ có 2-3 tiếng để ngủ và liên tục phải đối mặt với nhiều bài tập có mức độ khó, phức tạp dần. Anh cho biết thêm, lĩnh vực Thiết kế đồ họa, Thiết kế ý tưởng cực kì phức tạp, vì phải thiết kế cho những gì không tồn tại trong thực tế từ những chi tiết nhỏ nhất trở đi. Sự phức tạp đó rất dễ khiến bạn rơi vào sự căng thẳng, áp lực. Nhưng nhờ những kiến thức và kinh nghiệm, lời khuyên từ các giáo sư nổi tiếng, họa sĩ từ Hollywood thì chúng tôi không bao giờ được phép ngụy biện cho kết quả một bức tranh tồi rằng: “Chúng tôi không có cảm hứng và không có say mê”.

Hành trình trở thành một Họa sĩ Thiết kế ý tưởngMinh họa ngành Thiết kế ý tưởng. Ảnh NVCC

Sau những ngày tháng học tập tại trường FZD, anh đã có thể vẽ ra rất nhanh những gì anh nghĩ. Đó là thành quả xứng đáng đền đáp cho quá trình tôi luyện vất vả, cho những ngày nghỉ, ngày lễ, anh phải hoàn thành cả đống bài tập cần phải làm, thời gian rảnh lại chịu khó nghiên cứu sách vở, nghe DVD để nâng cao trình độ. Anh nhấn mạnh: “Dù ở ngành nghề nào đi chăng nữa, bạn phải tự tin vào chính mình và có khát vọng vươn lên, vượt qua rào cản của sự không chuyên nghiệp để đạt được một tầm cao mới”.

Và để quyết định đến Canada làm việc như hiện nay, được nhận ngay vào làm biên chế cho một công ty danh tiếng chuyên Thiết kế đồ họa, Thiết kế ý tưởng sau 1 tháng thử việc anh đã phải mất 5 năm để trải nghiệm ở các công ty lớn nhỏ: 1 năm làm việc ở Tập đoàn Crytex tại Kiev, Ucraina – tập đoàn lớn và chuyên nghiệp trong lĩnh vực sản xuất phần mềm và các gameonline; 2 năm làm việc từ xa tại VN cho một công ty của Mĩ, 1,5 năm làm việc tại Singapore. Cho đến bây giờ anh vẫn luôn được các thầy từng dạy tại trường FZD đồng hành, giúp đỡ.

Hành trình trở thành một Họa sĩ Thiết kế ý tưởngMinh họa ngành Thiết kế ý tưởng. Ảnh NVCC

Sau ý nghĩ thoáng qua trong đầu đã “mất 5 năm cuộc đời” để tìm kiếm đam mê, anh vẫn nhấn mạnh vai trò của bố mẹ trong việc ủng hộ, đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích và cho phép anh có thể theo đuổi đam mê, lựa chọn con đường riêng bằng cách tự trả lời một loạt câu hỏi: “Tôi muốn làm gì? Làm như thế nào? Khi nào và ở đâu?...” Tất nhiên, anh vẫn nhớ cả danh sách những điều anh muốn: anh muốn có thể đi nhiều nơi để trải nghiệm, muốn tiếp tục được sử dụng, áp dụng những kiến thức đã học được về hội họa, về thiết kế vào công việc những năm về sau và giống bao người khác, anh muốn tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hành trình trở thành một Họa sĩ Thiết kế ý tưởngMinh họa ngành Thiết kế ý tưởng. Ảnh NVCC

Rút ra từ chính bản thân mình, anh bày tỏ quan điểm: “Trước bước ngoặt của cuộc đời thì việc chọn trường là rất quan trọng. Tuy nhiên, thay vì quá áp lực, căng thẳng vì sự lựa chọn đó, chúng ta nên tập trung vào đam mê của mình, vào những việc mà chúng ta có thể làm một cách thích thú và thoải mái nhất. Tôi thấy nhiều phụ huynh hay khuyên con mình thi vào các trường này trường kia như Ngân hàng, Kinh tế hay một số ngành nghề khác nhưng thực tế thì thời gian thay đổi, thế giới cũng đang đổi thay từng ngày. Đó là lí do ngày nay, bạn có thể trở thành đầu bếp, diễn viên hay một nhạc sĩ và vẫn có thể tạo ra một cuộc sống tốt đẹp nếu bạn yêu thích công việc đó. Tuy nhiên, có đam mê nhưng cũng cần phải thành thật đánh giá khả năng của bản thân và suy nghĩ một cách thực tế. Ví dụ như, nếu bạn mơ ước trở thành một diễn viên tại Hollywood nhưng bạn đang sống tại Pakistan chẳng hạn thì thực tế, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều trở ngại. Chúng ta nên thông minh, tinh ý và thành thật về điều đó.”

Hành trình trở thành một Họa sĩ Thiết kế ý tưởngMinh họa ngành Thiết kế ý tưởng. Ảnh NVCC

Điều quan trọng nữa mà anh muốn nhắn gửi các bạn ĐVTN là việc trau dồi vốn tiếng Anh cho mình. “7 năm trước, tôi không thể hiểu hết được những bộ phim tiếng Anh nhưng sau khi rèn luyện, học tập, tiếng Anh đã mở ra cho tôi nhiều cánh cửa hơn, giúp tôi được kết nối với nhiều người bạn trên thế giới và hiểu hơn về văn hóa các vùng miền. Cùng với đó, các kĩ năng mềm trong khi giao tiếp, làm việc với cấp trên, với đồng nghiệp cũng cần phải chú trọng trau dồi. Bởi một phần trong công việc của bạn sẽ yêu cầu sự giao tiếp. Bạn có thể là một nhân viên rất giỏi chuyên môn nhưng nếu không thân thiện hoặc làm việc một cách không chuyên nghiệp thì sẽ để lỡ mất rất nhiều cơ hội của bản thân trong công việc và cuộc sống.” - anh tiếp lời.

Hành trình trở thành một Họa sĩ Thiết kế ý tưởngMinh họa ngành Thiết kế ý tưởng. Ảnh NVCC

Trao đổi với bố mẹ anh Hoàng Minh - ông Hoàng Lân và bà Kim Thanh cho biết: “Chúng tôi luôn ở bên, ủng hộ và tôn trọng ý kiến, quyết định đúng đắn của con mình. Với tâm niệm Nga là cái nôi của văn hóa, của nghệ thuật nên chúng tôi đã cho các con học vẽ, học đàn piano ngay từ nhỏ. Đây là những bộ môn giúp các con rèn luyện tính kiên trì, mở rộng tâm hồn hướng tới cái đẹp và cũng giúp các con tự tin, mạnh dạn hơn. Và tôi nghĩ đây cũng là yếu tố, bước đệm quan trọng giúp Hoàng Minh có nhiều sáng tạo để phục vụ công việc. Dù gia đình nhỏ của Hoàng Minh đang sống tại Canada nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên kết nối qua internet để trò chuyện, tâm sự cùng các con. Và đến bây giờ, chúng tôi đã có thể hoàn toàn yên tâm và tin tưởng là các con tự quyết định tương lai của mình.”

Hành trình trở thành một Họa sĩ Thiết kế ý tưởngĐại gia đình anh Nguyễn Hoàng Minh. Ảnh NVCC 

Câu chuyện của chàng trai trẻ tài năng đã “mất 5 năm cuộc đời” để đi tìm đam mê và nỗ lực học tập, làm việc theo đuổi đam mê một cách có trách nhiệm, có lẽ, đã để lại trong bạn đọc nói chung và các Thanh thiếu niên nói riêng nhiều suy tư, cảm xúc cũng như bài học rút ra cho chính bản thân. 5 năm – một quá trình tôi luyện không ngừng nghỉ là một hành trình dài mà không phải nhiều bạn trẻ chấp nhận đánh đổi để chinh phục ước mơ. Tuy nhiên, với câu chuyện truyền cảm hứng ngắn gọn như vậy, hi vọng sẽ giúp nhiều bạn trẻ có thêm động lực, rút ra bài học để xác định đam mê, hướng đi cho mình. Qua đây, sự ủng hộ của gia đình, bố mẹ cũng là một phần đóng vai trò không nhỏ đối với tương lai của các em!

Vô Ưu

(Bài viết có tham khảo tư liệu trong một tờ báo của Nga từng phỏng vấn anh trong thời gian anh làm tại Tập đoàn Crytex)