Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Hành trình của vong hồn dưới địa ngục

Thứ hai, 28/08/2017 | 16:14
Kể chuyện Địa Ngục nhân tháng Bảy Vu Lan – Xá tội vong nhân – Giải oan nghiệp chướng

Bài và minh họa của: Trịnh Yên

Tháng Bảy âm lịch hàng năm được gọi là “Tháng tích thiện phóng sinh”, “Tháng báo hiếu cha mẹ, tổ tiên”, “Tháng giao kết Âm Dương Tâm linh hòa hợp Thiên-Địa-Nhân mãn nguyện”… Người hiểu lầm thì gọi là “Tháng Cô hồn Quả tú”, “Tháng xui xẻo dương cơ” không nên làm ăn khai trương, ký kết hợp đồng công việc là sai, vì họ nghĩ rằng tháng Bảy tiếp xúc với người âm, cõi âm thì âm tài, âm lộc, cưới gả, làm nhà thì âm phúc, âm đức, về lập luận này, chúng tôi tìm mãi mà chưa thấy căn nguyên (?).

Tháng này có ba lễ cúng: “Vu Lan bồn”, báo hiếu cha mẹ, tổ tiên; “Xá tội vong nhân” trong gia quyến, trong xã hội “Cầu siêu cho Anh hùng liệt sĩ cùng mọi thành phần oan gia trái chủ” được độ giảm án, thoát tội khỏi các tầng Địa ngục. Đây là cách vận dụng ngày nay người ta cúng dồn ba lễ làm một, có thể gọi chung là “Lễ Bạt độ Giải oan, Cầu siêu và Báo hiếu”, trong đó có hát tụng ca sự tích Bồ Tát “Mục Càn Liên cứu mẹ bị đọa ở Địa Ngục”, Ngài là tấm gương thể hiện cho những tấm lòng báo hiếu cha mẹ, dù người mẹ của Ngài đã phạm nghiệp lực ác độc, bị đày ở tầng địa ngục Vô Gián.

Trong Kinh Địa Tạng quyển Trung, phẩm Danh hiệu của Địa Ngục có Bồ Tát Phổ Hiền hỏi Địa Tạng vương: Thưa Bồ Tát, Ngài vì xuất xứ ở Trời Rồng (Thiên Long) mà hiểu thấu được tất thảy chúng sinh trước đó, bây giờ và về sau liệu có hiểu biết hết tên và hình phạt ở các tầng Địa Ngục vốn là chỗ tập hợp chịu tội quả báo của chúng sinh và vạn vật ở trong cõi Sa Bà này ghê gớm ra sao?

Bồ Tát Địa Tạng nói: Tôi xin nương oai thần lực của Đức Phật và của Ngài mà thưa rằng:

Về phương Đông của Diêm Phù Đề có núi Thiết Vi còn gọi là Kim Cang, giữa hai núi này có vùng tối tăm không để cho ba thứ ánh sáng mặt trời, mặt trăng và các vi sao chiếu dọi vào được. Ở đó có Địa Ngục lớn tên là Cực Vô Gián (tra tấn cực hình tột độ không gián đoạn), lại có địa ngục tên Đại A Tỳ (Vô Gián Lớn), cùng tất thảy các địa ngục Bốn Góc, Đao Bay, Tên Lửa, Núi Ép, Phóng Dâm, Xe Sắt, Giường Sắt, Trâu Sắt, Áo Sắt, Lửa Sắt, Nước Đồng Sôi, Chém Đầu, Đốt Chân, Móc Mắt, Cãi Cọ, Thù Hận, Đa Giận, Kêu La, Kéo Lưỡi, Dơ Bẩn, Lột Da, Uống Máu… và nhiều nhiều nữa. Mỗi địa ngục kể trên lại có nhiều ngục nhỏ hành tội vong linh theo nhiều kiểu khác…

Kinh này còn nói chính 10 vị vua Diêm Vương cũng từng là những tội đồ của Địa ngục nhiều tỉ năm, nhưng do giác ngộ, sửa chữa, sám hối và tu luyện mà được Ngọc Hoàng Thượng đế phong là các vị Vua Âm Phủ. Các Ngài có tên là : Nhất điện: Tần Quảng Vương; Nhị điện: Sở Giang Vương; Tam điện: Tống Đế vương; Tứ điện: Ngũ Quan Vương; Ngũ điện: Diêm La Thiên Tử; Lục điện: Biện Thành Vương; Thất điện: Thái Sơn Vương; Bát điện: Đô thị Vương; Cửu điện: Bình Đẳng Vương và Thập điện: Chuyển Luân Vương.

Ta có thể khẳng định Địa Ngục xuất xứ từ tôn giáo Phật, sang Bà La Môn, sang tín ngưỡng Đạo Lão, sau lan truyền sang văn hóa Thần, Thánh Việt và cũng nên hiểu Địa Ngục không phải nơi hành xử tận diệt vong linh con người và các con vật khác để thỏa “cơn phẫn nộ Trời, Đất đăng cai cái cõi Sa Bà này”, mà chỉ là nơi “Tảy rửa tội lỗi, soi gương để ngẫm mà tu chỉnh quả phúc, chỉnh đốn thế gian bằng chuyển vận tái sinh luân hồi”. Địa Ngục sinh ra nhằm độ cho các vong hồn biết nhận thức về tội lỗi, định hướng tu rèn thiện nghiệp đều được độ xá, tha miễn khỏi các tầng Địa Ngục để đi về thế giới khác ổn định và lành tri thức, tri kiến, tri niệm hơn.

Ở một thuyết khác trong kinh A Hàm nói về Địa Ngục như sau:

 Khi Vua Diêm La ra lệnh cho Quỷ sứ tống tội nhân vào địa ngục, thì tùy theo loại tội nặng nhẹ khác nhau mà nhập ngục tương xứng. Trong Trường A Hàm, quyển 2, Phẩm Địa Ngục từ trang 313, nói: (tóm tắt):

 Giữa hai núi Kim Cang lớn là cảnh giới mờ mịt tối tăm âm u, trong đó có 8 đại địa ngục là:1- Đại địa ngục Tưởng; 2- Đại địa ngục Dây Đen; 3- Đại địa ngục Đá Ép; 4- Đại địa ngục Kêu La; 5- Đại địa ngục Kêu La Lớn; 6- Đại địa ngục Thiêu Nướng; 7- Đại địa ngục Thiêu Nướng Lớn; 8- Đại địa ngục Vô Gián.

 Mỗi đại địa ngục nêu trên lại có 16 ngục nhỏ như : 1 – Địa ngục Cát Đen, 2 – Địa ngục Phân Dãi, 3 – Địa ngục 500 Cái Đinh, 4 – Địa ngục Đói, 5 – Địa ngục Khát, 6 – Địa ngục Vạc Đồng Sôi, 7 – Địa ngục Nhiều Vạc Đồng Sôi, 8 – Địa ngục Đá Ép, 9 – Địa ngục Máu Mủ, 10 – Địa ngục Đống Lửa, 11 – Địa ngục Sông Tro, 12 – Địa ngục Rừng Đao Kiếm, 13 – Địa ngục Búa Rìu, 14 – Địa ngục Sài Lang, 15 – Địa ngục Cây Lá Kiếm và 16 – Địa ngục Lạnh giá. (16 ngục nhỏ vuông vức mỗi chiều là 500 do tuần (500 x 18 = 9.000 cây số vuông):

Tại sao gọi là Đại địa ngục Tưởng? vì các vong linh bị đọa nơi đây sẽ “mọc” móng tay dài, nhọn, cứng và rất sắc, do họ có tâm sân hận, ý niệm độc ác, nên hình phạt buộc họ phải cào cấu nhau đến rách da xé thịt, đổ máu rồi lăn ra bất động, nhìn họ tưởng đã chết, nhưng có cơn gió lạnh thổi đến làm thịt da của họ lành lại và hôm sau lại diễn ra các cào cấu nhau khủng khiếp và kinh hoàng hơn.

 Những vong linh ở Đại địa ngục Tưởng phải chịu tra tấn tàn khốc lâu dài, sau được ra khỏi, bèn hoảng hốt chạy trốn lung tung, hằng mong thoát tội, nhưng vì tội ác quá khứ lôi kéo, nên lại tiếp tục bị đọa vào địa ngục Cát Đen khổ ải trăm đường mà vẫn chưa hết tội, nhiều kẻ khác lại tiếp tục bị đọa xuống địa ngục Phân Dãi…và cứ thế chuyển tiếp đến địa ngục khác như đã nói trên cho đến khi…hết tội mới được chuyển kiếp luân hồi.

Cần nói thêm cơ cấu của mỗi tầng địa ngục đều phân chia khu “điều trị tội lỗi” của các vong linh khác nhau và ở mỗi tầng từ số thấp lên số cao được quy định hình thức tra tấn tăng lên gấp 20 lần sau mỗi lần chuyển tầng, thời gian giam cầm là lũy thừa 2, (01 năm giam cứu ở Âm ty Tầng Một so với thời gian của trần gian (trái đất) là: 1 vạn năm (có sách nói 1 tỉ năm trần gian) cộng thêm lũy thừa 2. Sang Tầng Hai sẽ lũy thừa 2 tiếp, Tầng Ba cứ theo lũy tiến như vậy)…Với Địa nguocj Tưởng thì vong linh sau khi chết phải được chuyến đến các ải ngục sau:

 

ẢI THỨ NHẤT: QUỶ MÔN QUAN

Trước cổng Quỷ Môn quan có 16 Ác Quỷ lớn đứng canh, kiểm, truyền thuyết kể rằng Diêm La Vương đã đặc cách chọn ra nhóm ác quỷ này để trấn giữ cửa ải, không để cho một vong linh nào có thể trà trộn mượn phận, mệnh, phúc danh của vong linh khác qua lọt.

Các vong linh nhập ải sẽ được “đóng gói” ba hồn, bảy vía (nữ chín vía) vào túi hình nhân mang bóng dáng của chính mình để “Bảo đảm nguyên trạng trần gian” nhưng có màu sắc khác nhau để dễ bề phân biệt loại trọng tội gì, sau đó giao cho quỷ Đầu Trâu Mặt Ngựa dẫn tiếp đến khu chính để “làm hộ chiếu xác minh thân, phận, mệnh, phúc” cho các vong đi vào các điểm “phân rã, phân kì” của địa ngục này và bất luận vong linh có số kiếp là lãnh tụ, quan chức quyền quý, doanh nghiệp cao sang hay bách tính thường dân cũng đều phải kiểm tra, xét hỏi. Lợi thế cho vong linh có mang theo Lộ dẫn – tức giấy thông hành nhập cảnh Âm Ty. Tờ giấy này được gọi là Lộ dẫn vốn có trong bộ áo Lục thù liệm cho người chết theo nghi lễ nhà Phật. Tờ giấy Lộ dẫn dài 3 thước (90 cm), rộng hai thước (60 cm), được làm bằng giấy mềm hay vải lụa màu vàng, mặt trên viết “Lộ dẫn do Phong Đô Thiên Vũ Diêm La Đại Đế” phát cho người này (trần gian), khi chết cần phải có để đến Địa phủ được ưu tiên chuyển ngục. Trên mặt Lộ dẫn có đóng ba dấu ấn của “Thành hoàng, Âm ty, Phủ huyện Phong Đô” bảo đảm minh bạch.

 

ẢI THỨ HAI: ĐƯỜNG HOA HOÀNG TUYỀN 

Một số vong linh không được bảo lãnh đều phải đi trên con đường Hoàng Tuyền dài đằng đẵng, đường này còn gọi là “Suối Vàng” dẫn lộ trình đi chỉ một màu hoa đỏ được gọi là hoa Bỉ Ngạn, ví là “đường lửa chiếu dọi”. Vong linh do “bất đắc kì tử”, do “nghiệp quả chuốc oán”, do “tự tử”…sẽ bị lưu dung trên con đường này mà không thể thăng thiên, không thể luân hồi…Số vong linh được bảo kê, hay nhẹ tội sẽ đi mãi, đi mãi cho đến hết con đường này thông đến địa ngục của cõi u minh mới đến ải thứ Ba.

 

ẢI THỨ BA: TAM SINH THẠCH

Bên cạnh cầu Nại Hà có tảng đá xanh tên Tam Sinh thạch (đá ba đời), chữ trên đá đỏ như máu, mặt trên có khắc bốn chữ lớn “Tảo Đăng Bỉ Ngạn” (sớm đến bờ bên kia). Tảng đá này ghi chép lại đời trước, đời này và đời sau của mỗi vong hồn con người. Nhân của đời trước, quả của kiếp này, duyên của kiếp sau, đều chất chồng dự kiện của 3 kiếp khắc trên tảng đá này.

Trăm nghìn năm nay, nó đã ghi chép và chứng kiến sầu khổ lẫn mừng vui, bi ai cùng hạnh phúc, nụ cười và nước mắt, cho đến hết thảy những món nợ và những tình cảm phải trả của tầng tầng lớp lớp chúng sinh. Đứng trước tảng đá ba đời này là thấu tỏ hết.

 

ẢI THỨ TƯ: VỌNG HƯƠNG ĐÀI

Theo truyền thuyết, Vọng Hương đài là nơi âm gian rất kỳ lạ, trên rộng dưới hẹp, mặt như cánh cung, lưng như dây cung be đỡ cho vong khỏi ngã, rớt ra ngoài. Đường lên chỉ một lối đi rất nhỏ chênh vênh trên cao, xung quanh đều là núi đao, rừng kiếm, hiểm trở vô cùng. Các vong linh đều có nguyện vọng lên đài này nhìn lại toàn bộ cảnh lễ tang của mình đang diễn ra đều thấy rất rõ, dù địa danh trần thế ở bất kỳ đâu xa tận năm châu bốn biển cũng được thu lại để quan sát như ý ở trên đỉnh đài này.

Vọng Hương đài còn có tên khác là Thổ Cao đài, Tư Hương lĩnh (người đời gọi là đỉnh nhớ quê), đỉnh này đứng cạnh đình Mạnh Bà, hiện hình ở phía trước cầu Nại Hà.

 

ẢI THỨ NĂM: VONG XUYÊN HÀ

Vong Xuyên hà còn gọi “Tam Đồ hà”, chắn ngang giữa đường Hoàng Tuyền và Âm phủ. Nước sông có màu đỏ như máu, bên trong hết thảy đều là cô hồn dã quỷ không được đầu thai, trùng rắn khắp nơi tụ về tạo mùi tanh hôi không dứt.

Đài này gọi là Đài nuôi hy vọng, trước khi con người chết, có nguyện nào đó để kiếp sau gặp lại người mình yêu thương nhất trong kiếp này, vong linh ấy có thể không ăn cháo lú của đình Mạnh Bà (không chịu luân hồi), hình phạt buộc phải nhảy vào Vong Xuyên hà, đợi trên nghìn năm mới có thể đầu thai theo kiếp nguyện.

Sau nghìn năm, nếu như lòng nhớ nhung của vong linh ấy không phai nhạt hoặc giảm đi, kiểm tra có thể vẫn nhớ được chuyện của đời trước, vong ấy sẽ được trở lại trần gian, tìm kiếm người mà họ yêu nhất trong đời trước của kiếp người, nhưng mò người ở thế gian như thể mò kim đáy bể. Gặp được nhau phải nhân duyên rất lớn.

 

ẢI THỨ SÁU: CHÁO MẠNH BÀ

Cháo Mạnh Bà còn gọi là Vong Tình Thủy hoặc Vong Ưu Tán, hễ uống vào liền quên hết mọi chuyện của đời này lẫn đời trước. Vong linh phải gặp Mạnh Bà và người sẽ hỏi có ăn cháo Mạnh Bà không? Không ăn thì không thể sang cầu Nại Hà để đầu thai chuyển sinh.

Truyền thuyết về cháo Mạnh Bà có ghi Bà là nhân vật thu gom các trạng nước mắt trần gian của từng cá thể con người, sau đó chế ra loại cháo lú này để các vong linh ăn vào quên hết thảy mọi giận dữ, yêu thương qua kiếp trước của chính mình.

 

ẢI THỨ BẢY: CẦU NẠI HÀ

Cây cầu chia thành ba tầng, tầng trên màu đỏ, tầng giữa màu vàng đen, tầng dưới cùng là màu đen, càng ở tầng thấp thì đường đi càng chật, càng nguy hiểm. Với vong linh có điểm số làm việc thiện ích toàn phần thì đi tầng trên, vong có nửa thiện nửa ác thì đi tầng giữa, những vong làm việc toàn ác phải đi tầng dưới cùng.

Bên dưới cầu là con sông có vô số cô hồn dã quỷ không được đầu thai, những mong tìm kẻ thế thân, thế kiếp để mình có cơ hội đầu thai chuyển sinh cõi người.

Những vong linh đi tầng dưới sẽ bị quỷ hồn chặn lại, lôi vào trong sóng lớn bẩn thỉu dập vùi, bị rắn đồng, chó sắt cắn xé, chịu đủ thống khổ dày vò khó được giải thoát.

Đi qua hết cầu Nại Hà là thông đến sáu nơi, tức là đi vào cõi Lục đạo luân hồi: cõi Người Trời, cõi A-tu-la (Ngạ Quỷ), cõi Người trần là ba đường bên trên; cõi súc sinh cõi quỷ đói, cõi địa ngục là 3 đường bên dưới của cầu Nại Hà.

Vong linh được điểm kết quả và đi về cõi nào là dựa vào nghiệp thiện ác tích từ lúc còn sống ở trần gian mà phân loại. Sau khi vong linh đã qua 3 đường trên cầu màu đỏ, cứ thế mà hồi các cõi. Riêng câu chuyện “Trở lại Người trần gian” có thêm một phức tạp mới dành cho vong linh, bây giờ được gọi là “Chủng tử đầu thai”. Đường này bắt buộc vong linh kia phải thực hiện một trải nghiệm là được hóa thân thành con rùa biển nhỏ, con rùa này có sứ mạng đi tìm khúc gỗ lũa mục trôi trên đại dương, khi tìm được rồi con rùa phải chui được qua cái lỗ nhỏ hẹp trên khúc gỗ mục đó (hẹp nhỏ hơn mui rùa). Làm xong việc “chui qua khúc gỗ luân hồi” này thì “chủng tử” ấy mới trở lại “tiêu chuẩn làm Người” trần thế. Vậy ngay cả vượt qua và trở lại luân hồi không phải đã dễ.

Câu chuyện Địa Ngục phải kể thành nhiều bộ sách mới tạm đủ các trạng đồ hình xử lý tội lỗi của trần gian càng ngày càng phức tạp, nếu các nhà làm phim xây dựng các phim truyện về đề tài Địa Ngục, chắc chắn nó sẽ góp phần giáo dục xã hội ngày mai lành tính thiện đạo và tốt tâm tốt đời hơn.

A Di Đà Phật !