Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Hàng vào vụ Đông, lắm hôm về tay không

Thứ hai, 16/12/2019 | 17:03
Mấy năm gần đây, khách quan nhận thấy, chả nói đâu xa Trung tâm thương mại Барабашова ở Kharkov ta vắng hẳn người mua đường dài, thưa dần người bán theo chiều hướng đi xuống của nền kinh tế chợ nói chung.

Nhưng người Việt mình ngoài những ai khăn gói về quê lập nghiệp hoặc qua biên giới sang nước thứ ba hòng “đổi đời”, số đông còn lại vẫn trụ tại Ucraina – quê hương thứ hai này, vững vàng mưu sinh bằng con đường chợ búa, vẫn giữ vững niềm tin và hy vọng “hết đêm rồi lại đến ngày” kể cả khi hàng vào vụ “bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông” lắm hôm về tay không.

Từng gặp gỡ những con người sớm tối chiều hôm trên thương trường vào thời điểm mùa Đông giá lạnh này, tôi xúc động chân thành và cảm nhận trân trọng, tự hào thêm khi trao đổi, chuyện trò với họ.

Vâng, trưa thứ 4 đầu tuần, đang lững thững dạo quanh một góc chợ nọ, trong nỗi buồn da diết “nhớ hương đồng cỏ nội” khi được biết riêng chiều thứ ba hôm qua (mùng 10 tháng 12) hàng trăm người Việt lũ lượt kéo nhau về “Nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt” để đón Tết Dương lịch lẫn Tết cổ truyền dân tộc. Chợt thấy N, cô gái trẻ cùng miền, đứng một thân một mình bên cửa hàng bán áo Ku-rờ-tờ-ka của mình, vắng bóng người mua, tôi bèn dừng bước, nhanh chân rẽ vào.

Thấy N vui vẻ bắt chuyện, tôi vào cuộc luôn theo chủ đề “chợ mùa Đông năm nay”:

- Vừa rồi, qua dãy hàng bán da ở khu chợ trong thấy mặt anh nào anh nấy buồn thỉu, buồn thiu, trông rõ thảm. Định bụng “làm ngơ” đã bị mấy người bạn tiếp cận, nắm tay than phiền, chợ mùa Đông năm nay kém hẳn so với những năm về trước. Có hôm không Pa-chin (mở hàng) vẫn chờ đợi, hy vọng “sau cơn mưa trời hửng sáng”, một nét rất đặc biệt của dân áo da chúng tớ đấy – Nhẽ ra im lặng, đồng cảm và chia sẻ bằng ánh mắt nhưng chả hiểu thế nào, anh buột miệng động viên bằng câu thành ngữ “sông có khúc, người có lúc” khiến anh bạn thầm nghe thấy khúc khích cười như thể muốn nói “biết rồi”. Liền sau đó, tạm biệt mọi người đến đây thấy hàng áo Ku-rờ-tờ-ka của em cũng vắng lạnh như vậy, anh càng buồn thêm, tự hỏi “bao giờ quay lại ngày xưa ấy!”.

Thoáng qua một nét ưu tư trên khuôn mặt dễ thương của cô gái sinh ra và lớn lên ở quê nhà, N thận trọng bày tỏ quan điểm mang tính “thời cuộc”:

- Theo em, đấy là tình trạng kinh tế chung mấy năm qua kéo dài đến mùa đông năm nay. Hơn nữa, với dân chợ búa chúng em, chuyện thăng trầm ấy đã thấm vào máu thịt từ lâu rồi. Vì thế chả dại gì bi quan cho nhụt nhuệ khí, một khi những gì đang có trong tầm tay đều bắt đầu từ chợ.

Cảm phục những suy tư chín chắn chỉ có ở những ai hiểu mình, yêu nghê với niềm tin vào ngày mai như N, tôi đặt câu hỏi:

- Từ đâu mà em có những tư duy rất đỗi biện chứng ấy, để lúc nào cũng có niềm tin, ngay cả khi chợ “đuội”?

- Từ những tháng năm bươn trải nơi chợ búa chứ còn đâu nữa hả anh! - N vững vàng đối đáp.

Nhìn vẻ mặt dày dặn nắng mưa và cách ăn nói lưu loát của dân chợ búa tôi ướm hỏi N:

- Nghe nói em có mặt tại Trung tâm thương mại Ba này từ ngày mới khai sinh lập địa?

- Chính xác một trăm phần trăm. Tủm tỉm cười N trả lời.

- Có nghĩa là đầu mùa đông này, em có thâm niên hai mươi ba năm trời (1996-2019) tác nghiệp nơi chợ búa. Đâu ít ỏi gì em nhỉ!

Lẹ làng vuốt mái tóc đen nháy bên trán, N trải lòng:

- Ngần ấy thời gian so với đời của một con người theo em còn quá ngắn nhưng bấy nhiêu tháng năm đã chứa đựng không biết bao nhiêu kỉ niệm buồn vui trong kí ức dân chợ búa, ngõ hầu theo ta suốt cuộc đời...

Chả để N nói tiếp, tôi bổ sung thêm mấy lời cho rõ hơn cuộc đời gian truân lúc “bi cực” khi “thái lai” của dân chợ búa:

- Là những mùa hè oi ả, “Trời quang mây tạnh” tấp nập người mua, là những mùa đông giá lạnh “mây mù phủ kín” vắng khách mua, nhiều hôm về tay không. Phải không em?

Ngừng một lát, tôi hỏi em có nhớ những mặt hàng em kinh doanh từ bấy đến nay?

- Có chứ! Vội đáp xong, giọng tự hào N tâm sự: em thường quan niệm, mỗi người có riêng cái duyên đến với cái “nghiệp chợ”. Người thì kinh doanh độc một mặt hàng túi, cặp, ví da hoặc son phấn, nước hoa hay chỉ quần đùi, may ô, sơ mi, quần bò liên tục bốn mùa. Người thì, dù khó khăn đến mấy cũng dốc vốn, toàn thân toàn lực theo thời vụ, mặc dù có lúc tồn kho đọng vốn. Như em, hễ gió heo may, trời trở lạnh báo hiệu đông về là tức khắc chuyển từ hàng vải sang ngay áo ấm, chủ yếu là Ku-rờ-tờ-ka các loại.

Gật gù tỏ vẻ hiểu rõ “chân tơ kẽ tóc” vấn đề, tôi nhấn mạnh:

- Và vụ nào sẽ gặt hái tốt nếu hợp thời trang và giá hàng phải chăng phải không em?

- Không hẳn như vậy anh à! Bởi dẫu cho, hàng hóa chuẩn bị hoàn hảo trước khi vào vụ nhưng đến tay người tiêu dùng bao nhiêu còn phụ thuộc phần lớn vào hoàn cảnh khách quan “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đặc biệt còn bị chi phối do tình hình chính trị, kinh tế nơi mình đang mưu sinh ổn định tới đâu. N ngọn ngành giải thích như người đã từng trải qua bao sóng gió nơi chợ búa.

Tấm tắc lời nhận xét thời cuộc thấu tình đạt lý của N. Nhớ lại đầu tháng 12, tuyết rơi, mùa đông về, trời trở lạnh. Nhiều hôm đi giữa các dãy cửa hàng chỉ thấy người bán đông hơn người mua, tôi ngỏ lời chia sẻ:

- Nghe lời than, chợ mùa đông năm nay kém hẳn, hàng vào vụ nhiều hôm về tay không. Anh cảm thấy lòng mình buồn lây.

- Trong đó có mặt hàng Ku-rờ-tờ-ka của em. Nhưng chưa có một ngày nào em vắng chợ.

Sáng ngời đôi mắt đen láy, N khẳng định rồi lý giải, chỉ vì từ ngày bước vào đời ở nơi đây em đã nguyện gắn bó đời mình với cái nghiệp “Bắt đầu và đi lên từ chợ” thì dù cho, mấy năm trời qua tới mùa đông này, chợ kém hẳn nhiều hôm chẳng mở hàng, về tay không em vẫn quyết tâm không bao giờ rời khỏi chỗ đứng của dân chợ búa với niềm tim “mai ngày trời lại sáng”.

Trời đã về chiều càng thưa người qua lại. Tôi tạm biệt N. Hẹn gặp lại em - người phụ nữ trẻ để lại trong tôi bao niềm vui đang có.

 Nguyễn Trọng Cơ

Bạn Đồng hành-Kharkov. Tháng 12-2019