Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Giây phút vào đêm Giao thừa

Thứ năm, 15/02/2018 | 01:46
Đã bao năm rồi không trở về miền quê thăm lại người thân là bấy nhiêu mùa xuân đón Tết “Ta” ở xứ người của những đứa con đất Việt đang mưu sinh nơi hải ngoại. Để rồi giây phút vào đêm giao thừa, kính cẩn thắp nén hương trên bàn thờ Tổ, thưởng thức món ăn cổ truyền dân tộc “Bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành”, bồi hồi nhớ về cội nguồn – nơi ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành bằng giọt sữa ngọt ngào của Mẹ - Bà Mẹ Việt Nam.

Kết quả hình ảnh cho bánh chưng

Hiện thời ở Kharkov, mấy nghìn người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập là ngần ấy số phận khác biệt có riêng tâm trạng lúc thư thả chờ đợi khoảng khắc đất nước chuyển mình sang năm mới với nỗi nhớ niềm thương hướng về quê hương trải dài khắp miền đất nước từ Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Nình Bình, Kinh Bắc, Vĩnh Phúc, Hải Phòng qua Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh của “Khúc ruột miền Trung” tới Sài Gòn xưa, cụ thể từng người có tâm sự mới hiểu… Còn tôi, quê Kim Liên thường nhớ về Hà Nội – một thời đạn bom, một thời hòa bình. Nhớ khôn nguôi hồi nhỏ là những lúc say sưa ngồi xem ba gói chưng đón Tết. Không có khuôn mẫu, đôi bàn tay quen thuộc của ba vẫn gói lên những tấm bánh chưng vuông thành sắc cạnh, xếp kín trong thùng sắt ngập nước. Vừa lúc bắc lên bếp lửa, tôi nũng nịu hỏi ba:

- Ba không quên gói thêm mấy chiếc bánh nhỏ cho con đấy chứ!

Xoa đầu tôi, ba âu yếm đáp:   

- Quên sao được con của ba.

Mở tròn đôi mắt tuổi thơ biết ơn, xích lại gần ba hơn, ấm áp nghĩa cha con lại thêm “tình mẫu tử” – vì mẹ tôi đã giã từ cõi trần từ khi tôi mới tròn một tuổi, để lại nỗi buồn cho đến tận bây giờ chưa một lần được cất tiếng gọi Mẹ thân thương.

Mấy tiếng đồng hồ ngồi bên ba canh nồi bánh chưng bập bùng ánh lửa quá nửa đêm, ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Sáng hôm sau, khi mặt trời đánh thức dậy, mở mắt ra thấy ngay tấm bánh chưng nhỏ, thơm phức lá xanh đặt trên bàn sát đầu giường. Mừng rơn, định reo vui chợt nhìn thấy ba đang nằm nghỉ ở giường bên. Tôi im lặng. Nước mắt trào dâng thương ba tận tụy sớm ngày nuôi con khôn lớn.

Thế rồi, thời gian trôi qua “chẳng chờ đợi ai”, năm cuối cùng trước ngày tôi lên đường “du học”, ngỡ sẽ lại ngồi bên ba, cùng ba gói bánh chưng đón Tết “tạm biệt” thì than ôi! Sau cơn bệnh hiểm nghèo, người đã ra đi, trở về cõi vĩnh hằng. Vĩnh biệt ba, để lại trong tôi và mọi người niềm thương xót vô hạn. Vì thế, những năm tháng ở bên này, giây phút vào đêm giao thừa, nhìn tấm bánh chưng xanh trong tôi lại dạt dào kỷ niệm xưa ấy cùng câu phương ngôn thấm vào máu thịt “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Nhớ mãi, chiều tối 30 Tết, theo tục lệ người Hà Nội đủ mọi thành phần lứa tuổi, trai gái cất bước, nối gót chân nhau từ khắp 36 phố phường cổ xưa kéo đến Hồ Hoàn Kiếm đông như chảy hội. Dòng người ấy qua các ngả đường: nhẹ bước trên cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn, thắp hương trên bàn thờ phật, xin phước lành cho bản thân lẫn con cháu gia đình. Ngắm tháp rùa nghiêng mình soi bóng nước xanh vời vợi. Hối hả nối đuôi nhau quanh Hồ Gươm, hái cành lá xanh làm “lộc” về nhà “xông đất”. Kể cả tôi, vốn quen lối sống tại tâm, ngại chốn đông người cũng không thể bỏ qua. Đấy là lần cô bạn gái “con tim cùng nhịp đập” ở ngoài mặt phố và mấy thằng bạn thân “đồng niên” sát vách nhà cùng ngõ nhỏ thuyết phục tôi bằng được mấy tiếng đồng hồ theo dòng đời rộn ràng đón xuân mới, niềm vui phấn khởi trào dâng cũng thấm đậm thêm câu “Đi một ngày đàng học một sàng không” chứ cứ ngồi nhà chỉ “nghe thôi, biết ngày nào khôn”.

Trước phút giây vào đêm giao thừa, vội vã chia tay mấy thằng bạn “nối khố” xong, tôi tranh thủ tiễn cô bạn gái về tận nhà. Thay lời tạm biệt hẹn gặp lại đầu năm, nắm chặt tay em, không muốn dứt với cảm xúc khó diễn tả chứa chất trong tôi. Cho đến bây giờ, dù cho cuộc đời đã đổi thay quá nhiều vẫn khắc khoải trong tim đêm giao thừa sâu lắng ấy cùng ánh mắt hiền hòa, nụ cười dịu dàng của em – cô gái Việt Nam mà tôi yêu quý.

Có đêm giao thừa nào đó, ngồi một mình đau đáu nhớ “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu” lẫn người thân ruột thịt, anh em bạn bè ở mãi tận bên kia đại dương ngỡ mình cô đơn. Vội lấy quyển nhật ký dày cộm viết từ những ngày đầu tham gia Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov (1994), gắn bó với cộng đồng ngần ấy tháng năm cho đến tận bây giờ bỗng cảm thấy mình không con bơ vơ nữa. Say sưa ngủ qua đêm cho đến sớm mai ngày: Mùa xuân trên xứ người mang niềm vui mới cho hết thẩy những người có niềm tin và hy vọng.

Chẳng còn mấy ngày nữa, người Việt ở Kharkov, Kiev, Odessa, Kherson và các thành phố khác tại Ukraine lại đón Tết “ta” – Xuân Mậu Tuất 2018, tại xứ người. Giây phút vào đêm Giao thừa nhớ quê hương, nhớ mình là ai, đang ở đâu và làm gì! Nhắc nhở nhau đoàn kết, thương yêu đùm bọc, giúp đỡ nhau thật lòng thì mới có thể vượt qua những khó khăn hiện tại – nơi mình mưu sinh, chờ ngày về quê. Bởi, dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ: Chiều ba mươi Tết chen giữa đào hoa tươi thắm/ Đường phố đông người chờ đón Tất niên là phút thiêng liêng lắng nghe thơ người “quê hương là chùm khế ngọt” đang bền lâu, lắng sâu trong tâm hồn những đứa con xa nhà.

Nhân dịp đón năm mới 2018, thân ái chúc bạn đọc “Người Việt Odessa” dồi dào sức khỏe, tràn trề hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.

Nguyễn Trọng Cơ

Bạn Đồng hành – Kharkov – Đầu tháng 2 năm 2018