Sau hơn chục năm gắn bó tại Đặc khu Quảng Ninh, nhận thông báo giảm biên chế, ông Phạm Đình Thịnh trở về phục viên. Tôi tò mò không hiểu vì sao ông may mắn nhận được suất đi lao động tại nhà máy giày da, ánh mắt ông bỗng sáng lên như thể niềm vui năm ấy vẫn còn nguyên vẹn, ông hóm hỉnh đáp: “À thì do chú được Đảng và Nhà nước quan tâm”. Đến nhà máy giày da Odessa, cái duyên bén nở, ông và bà Đặng Thị Hương cùng nhau xây đắp mái ấm gia đình. Với tâm niệm, mong muốn cho con cái mạnh khỏe, trưởng thành, hạnh phúc, nên ông bà đã cùng nhau xoay sở đủ nghề để kiếm thêm đồng trang trải cuộc sống, dù cho sau khi nhà máy tan rã tình hình khó khăn và nguy hiểm cỡ nào.
Trong lễ kỉ niệm vừa qua, con gái ông bà – chị Phạm Phương Thảo, đại diện cho thế hệ thứ 2 trong cộng đồng rất tích cực, sôi nổi tham gia các chương trình: Nào là bên lễ tân đón tiếp, nào là thành viên trong nhóm múa phụ họa cho nhạc phẩm "Một đời người, một rừng cây" do ông Ngô Xuân Trình thể hiện. Trong khoảng thời gian ngắn ngược dòng kí ức trở về tuổi thơ, tôi bị cuốn theo từng từ, từng lời chị nói. Từ lúc 1 tuổi, chị cũng như bạn bè cùng trang lứa được bố mẹ cho đi ở nhà bà Tây để làm quen với tiếng Nga, giúp sớm thích nghi và hòa nhập với cuộc sống. Đến hơn 4 tuổi, sau khi đưa 2 chị em về Việt Nam học tập cũng như trau dồi, thực hành tiếng Việt, bà Hương nén nỗi nhớ thương con, quay lại Odessa tiếp tục làm việc. Những tiếng gọi “mẹ ơi”, tiếng nức nở của 2 đứa trẻ nhỏ đòi chạy theo mẹ đến giờ nhắc lại tôi vẫn thấy sao mà xé lòng!
Dù biết một chút tiếng Việt nhưng 2 chị em vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi giao tiếp, khi học tập, khi thích nghi với cuộc sống xa bố mẹ. Chứng kiến những lần khóc tu tu vì không hiểu bài, vì nhớ bố mẹ đã khiến người bác gái không kìm được nước mắt. Bác kể lại: “ngày nào nét mặt 2 đứa cũng tiu nghỉu, chiều chiều lại ra cổng ngồi ngóng bố mẹ đi làm về. Thấy bạn bè gọi bố ơi, mẹ ơi, 2 đứa tủi thân, khóc, rồi chỉ mong có người để mình được gọi bố mẹ như tụi bạn”. Tâm hồn ngây thơ, trong sáng và non nớt ấy đã khiến những người hàng xóm xung quanh cũng phải chạnh lòng thương xót.
Nhờ sự giúp đỡ tận tình của thầy cô, sự tốt bụng của bạn bè, 2 chị dần thông thạo tiếng Việt và bắt đầu có những người bạn thân để ngày ngày gọi nhau í ơi, chia sẻ, thì thầm những câu chuyện nhỏ to. Rồi chẳng bao lâu đến gần hết lớp 5, bố mẹ về đón 2 chị qua Odessa đoàn tụ với gia đình. Ánh mắt chị rưng rưng khi kể lại “ngày đầu về Việt Nam khóc tu tu khi chia tay bà Tây bao nhiêu thì giờ là bấy nhiêu nước mắt chị nghẹn ngào khi phải chia tay những người bạn mà mình đã rất quý”. Dù hành lý được mang theo không nhiều nhưng chị vẫn cố xếp vào một góc vali những món quà nhỏ mà bạn bè đã tặng, những đồ lưu niệm, những mảnh vỏ sò xinh xắn, như thể chính chị muốn mang theo tất cả hơi thở và vị mặn mòi của miền biển Thanh Hóa.
Quay trở lại Odessa, chị bắt đầu vào học lớp 6. Sau một thời gian nói tiếng Việt, những môn xã hội bằng tiếng Nga, tiếng Ucraina luôn làm chị lúng túng. Ngoài giờ lên lớp, chị mượn vở bạn về chép lại, nhờ bạn bè, thầy cô giúp đỡ, chỉ bảo… để sớm qua thời gian khó khăn, bắt kịp với bạn bè. Thời gian thấm thoắt trôi qua, sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế Odessa, giờ đây, chị đang cùng bố mẹ làm kinh doanh, buôn bán ở chợ km số 7.
Được hỏi vì sao chị tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do Hội, Đoàn thể phát động đến vậy? Nở nụ cười tươi, chị nhẹ nhàng đáp: “Tham gia các phong trào giúp tôi có dịp gặp gỡ, giao lưu với mọi người, giúp bản thân mình tự tin hơn trước đám đông và phát huy được những năng khiếu như hát hò, nhảy múa… Đặc biệt, Lễ kỉ niệm 30 năm giày da lần này mang một ý nghĩa vô cùng lớn với gia đình tôi. Cảm phục trước nghị lực, tinh thần lạc quan, sự đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau, chia ngọt sẻ bùi của các cô, các bác cựu thành viên nhà máy giày da năm xưa, tôi với tư cách là thế hệ thứ 2, cũng muốn góp vui, tham gia chương trình. Và mẹ tôi, dù không có nhiều năng khiếu văn nghệ nhưng cũng đã cố gắng tập luyện, tự tin tham gia trình diễn áo dài Việt Nam và tiết mục nhảy "Chily cha cha" góp phần giúp chương trình thêm đặc biệt, sôi động và rực rỡ sắc màu. Có thể nói, gia đình tôi đã cháy hết mình trong buổi đại lễ”.
Được tiếp xúc với gia đình ông bà Hương Thịnh, tôi nhận thấy, dù ai cũng có công việc riêng nhưng những ngày lễ, sự kiện của cộng đồng, mọi người đều tham gia với tinh thần, trách nhiệm rất cao. Những việc làm đó không chỉ góp phần củng cố khối đại đoàn kết cộng đồng mà còn là tấm gương để những người xung quanh và chính những người con trong gia đình học tập, noi theo. Nhờ phát huy tinh thần của bố mẹ nên đảng viên Phạm Phương Thảo luôn nỗ lực trong học tập, hòa nhập với cuộc sống người bản địa, tích cực trong các phong trào, hoạt động, góp phần xây dựng cộng đồng phát triển bằng chính sức trẻ đầy nhiệt huyết của mình, chị cũng chính là một đại diện thanh niên tiêu biểu để các em, các thế hệ kế tiếp noi theo.
Vô Ưu