Trong những ngày này, cả thế giới đang hướng con mắt theo dõi diễn biến hết sức phức tạp liên quan đến Ucraina, một đất nước tươi đẹp đã tuyên bố độc lập năm 1992 sau khi Liên Xô sụp đổ. Đây cũng là nơi sinh sống, làm việc và học tập của hàng nghìn người Việt, trong đó có những doanh nhân rất thành đạt như Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam.
Nếu như thời Xô Viết, Ucraina được mệnh danh là “vực lúa” của Liên Xô, một khu vực có nền công nghiệp phát triển khá mạnh với thu nhập đầu người những năm 80 thế kỷ trước đạt mức cao nhất ở Liên Xô cũ.
Tuy nhiên, do những bất ổn chính trị-xã hội trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi xảy ra “Cuộc cách mạng nhân phẩm” năm 2013-2014, đất nước xinh đẹp này ngày càng gặp nhiều khó khăn, bất ổn về nhiều mặt: Tranh chấp giữa lực lượng tuyên bố ly khai khỏi Ucraina ở vùng Donbass và chính quyền Kiev kéo dài; quan hệ giữa Nga và Ucraina ngày càng xấu đi.
Trong hai ba năm gần đây, do chiến tranh, bất ổn chính trị, cộng thêm ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, Ucraina lại càng lún sâu vào khủng hoảng về nhiều mặt, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của báo chí Ucraina, từ năm 2019 đến nay, mỗi năm có đến hơn 600 nghìn người đã bỏ ra nước ngoài làm việc khiến Ucraina thiếu nhân lực nghiêm trọng. Một số làng quê Ucraina không còn thanh niên, chỉ còn lại người già nên đất đai bỏ hoang khá nhiều.
Tình hình trên cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của cộng đồng ta tại Ucraina. Trước đây, Ucraina là “miền đất hứa” của không ít người Việt Nam có khát vọng làm giàu. Vào những năm đầu thế kỷ 21, khi việc làm ăn còn “thuận buồm, xuôi gió”, không ít bà con ta ở Odessa, Kharkov đã trở thành triệu phú, mua được nhà, được xe, có đời sống sung túc. Những cảnh buôn bán tấp nập từ tờ mờ sáng tại chợ cây số 7 thành phố biển Odessa hay tại chợ Barabashova trước đây đâu còn nữa.
Cảnh chợ đìu hiu "Trăm người bán, một người mua"
Thay vào đó là cảnh chợ đìu hưu “trăm người bán, một người mua”, có quầy cả ngày không có “ba chin” (mở hàng).
Vào những ngày đầu năm 2022, khi ra thăm chợ cây số 7, Odessa, chúng tôi thấy chỉ có lác đác các chủ công ra mở cửa hàng, hầu như không thấy người mua. Những tiểu thương người Việt tại đây cho biết việc buôn bán ngày càng “đuội” vì dân sở tại không có tiền mua sắm. Điều thê thảm nhất là giá công chỗ sụt giảm nghiêm trọng, khiến nhiều người mất trắng tài sản tích cóp sau nhiều năm lăn lộn nơi xứ người. Do buôn bán “đuội”, do dịch bệnh và tình hình sở tại bất ổn, cộng thêm việc Ban Quản lý chợ cây số 7 tiến hành cải tạo nâng cấp các cửa hàng, nhiều chủ công không đủ tiền đóng thuế, dịch vụ hàng tháng, không có đủ tiền để cải tạo cửa hàng theo tiêu chuẩn châu Âu nên đành phải bỏ chỗ, bán vỏ công-te-nơ theo giá phế liệu.
Cảnh chợ vắng vẻ tại chợ cây số 7 Odessa
Nếu như trước đây, giá công ở khu Mynka có giá dao động 200-250 nghìn đô tùy vị trí thì nay chỉ bán được khoảng 70 nghìn đô; công ở dãy Zelyonyi (dãy xanh) từ hơn 100 nghìn đô la nay trở thành “cục sắt” chỉ bán được khoảng hơn 1000 đô la.
Tình trạng buôn bán của bà con ta ở chợ Barabashova (Kharkov) cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Vẫn lặn lội ra chợ hàng ngày nhưng còn đâu cảnh tấp nập, sầm uất “người mua, kẻ bán”, tiếng kéo băng dính (scot) xoèn xoẹt vang rền khắp chợ trước đây, mà chỉ thấy thưa thớt lèo tèo vài người Việt và Ucraina tụ tập trao đổi chuyện phiếm.
Do làm ăn khó khăn nên nhiều người Việt đã bỏ về quê hương.
Theo anh Lân, Tham tán, hiện nay cộng đồng ta tại Ucraina chỉ khoảng 7000 người (đầu những năm 2000 có trên 10.000 người), trong đó Odessa có 3000 người, Kharkov 3000 người, Kiev 1000 người. Khoảng 10% bà con không đủ ăn. Trong hai năm trở lại đây, cuộc sống của bà con lại càng khó khăn, vất vả hơn do đại dịch COVID-19. Không ít người trong cộng đồng bị mắc bệnh, một vài người ở Kharkov, Odessa bị biến chứng nặng, không qua khỏi. Trong bối cảnh khó khăn, cộng đồng ta đã và đang thể hiện rõ sự đoàn kết, gắn bó, tinh thần tương trợ, truyền thống “lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn.
Đại sứ Việt Nam tại Ucraina Nguyễn Hồng Thạch cho biết trong bối cảnh bệnh dịch COVID-19 lây lan mạnh, Đại sứ quán đã phối hợp với các tổ chức hội đoàn người Việt ở các địa phương như Kiev, Odessa, Kharkov thành lập các tổ hỗ trợ cộng đồng về y tế, phiên dịch, hậu cần để giúp đỡ những người không may bị nhiễm bệnh. Nhận thấy mô hình làm ăn ở chợ có xu hướng “lỗi thời”, Đại sứ quán phối hợp với những doanh nhân thành đạt người Việt tổ chức hội thảo bàn những cách làm ăn mới cho cộng đồng như mở các quán ăn Việt Nam, sản xuất hàng may mặc tại chỗ trong bối cảnh hàng hoá từ Trung Quốc vận chuyển sang Ucraina gặp khó khăn do các biện pháp kiểm dịch.
Đại sứ Thạch phấn khởi cho chúng tôi biết mặc dù tình hình sở tại khó khăn nhưng quan hệ về kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Ucraina vẫn duy trì đà tăng trưởng. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt kết quả đáng khích lệ (644,65 triệu USD), năm 2021 đạt 724 triệu USD. Cộng đồng ta dù khó khăn vẫn luôn hướng về Tổ quốc thông qua các hoạt động đầy ý nghĩa như đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, Quỹ vắc xin chống COVID-19, tham gia các hoạt động do Đại sứ quán tổ chức như nhân dịp Quốc khánh 2/9, Ngày thành lập quân đội nhân dân 22/12 và đang tích cực quyên góp vào Quỹ xây dựng Góc Việt Nam tại Vườn Thực vật Quốc gia tại thủ đô Kiev.
Anh Nguyễn Văn Hùng, một doanh nhân người Việt ở Odessa cho chúng tôi biết. Trong lúc bệnh dịch tăng cao, nhiều người Việt bị nhiễm bệnh. Các tổ công tác của Hội người Việt tại Odessa đã kịp thời hỗ trợ những người không may bị nhiễm bệnh về mọi mặt từ phiên dịch đến đưa đón đi khám chữa bệnh, tiếp tế thức ăn, quyên góp tiền ủng hộ những gia đình gặp khó khăn do dịch bệnh.
Anh Hùng đánh giá cao việc Bộ Ngoại giao ta đã phối hợp cùng phía bạn chấp nhận ông Nguyễn Văn Khanh, bác sỹ Công huân Ucraina, một người có uy tín trong cộng đồng làm lãnh sự danh dự Việt Nam tại Odessa. Văn phòng Lãnh sự Danh dự đã được khai trương vào cuối năm ngoái tại Làng Sen và đây sẽ là một địa chỉ tin cậy cho cộng đồng ta khi cần sự trợ giúp lúc khó khăn.
Văn phòng Lãnh sự Danh dự khai trương tại Làng Sen
Anh Nguyễn Hải Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Odessa phấn khởi cho chúng tôi biết thêm: Trong bối cảnh bệnh dịch và làm ăn rất khó khăn, nhưng bà con ta vẫn luôn đùm bọc thương yêu lẫn nhau. Nhiều hình thức sinh hoạt cộng đồng phù hợp với các quy định phòng chống dịch vẫn được duy trì. Đáng chú ý, do dịch bệnh, phong trào văn nghệ như “Vui là hát”, “Hát mãi tuổi thanh Xuân”, “Hát cho nhau nghe” ở Odessa và nhiều địa phương ở Ucraina phát triển mạnh, tạo không khí vui tươi và gắn kết cộng đồng trong lúc bệnh dịch.
Nhìn chị Hương, vợ anh Hải Anh và các anh chị em cộng đồng say sưa hát những bài hát quê hương qua hệ thống karaoke của nhà anh Hà trong một căn hộ ấm áp tình người ở Làng Sen, lòng tôi thấy ấm lại, xua đi cái giá rét bên ngoài, quên đi nỗi nhớ quê hương nơi xa xứ. Bài hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” mà các anh chị đang say sưa biểu diễn cứ ngân nga mãi trong lòng tôi, làm tôi thêm tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp cho cộng đồng ta tại thành phố biển Odessa trong thời gian tới.
Phương Nguyễn
Odessa, ngày 26/01/2022