Chắc mọi người còn nhớ, chuyến bay tình nghĩa 29 tháng 3 và 31 tháng 8 năm nay (2020) đưa một số người có cặp cả vợ chồng con cái “bịn rịn chia tay mảnh đất gắn bó quá nửa đời phiêu dạt” để “vượt đại dịch về với vòng tay Việt Nam” theo tâm trạng và ý nguyện khác nhau. Số đông trụ lại, kể riêng Kharkov khoảng trên 90% đứng trước muôn vàn khó khăn, trở ngại do khủng hoảng kinh tế mang tính chất toàn cầu, nơi ta đang sinh sống, làm việc và học tập có nhiều thay đổi cộng thêm đại dịch Covid-19 – kẻ thù vô hình tàn nhẫn gõ cửa từng nhà, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn sống chính của hàng ngàn gia đình người Việt đêm ngày tần tảo buôn bán kinh doanh tại Trung tâm thương mại Барабашова – khu chợ bán buôn bán lẻ lớn nhất miền Đông UCRAINA. Vậy thì, phải làm gì bây giờ, “muộn còn hơn không” để duy trì cuộc sống trên quê hương thứ hai này. Khi ta tự nguyện gắn bó với nó bắt đầu và đi lên hàng mấy chục năm qua tồn tại cho đến tận bây giờ.
Tháng ngày gần đây, ai đã từng có mặt tại Trung tâm thương mại Барабашова, nhìn cảnh chợ vắng người mua, thưa người bán có lẽ đều cảm thấy “đau đớn lòng”, cả tôi nữa, ngày nối ngày bước chân qua khắp nẻo đường, con tim càng ngắc ngoải hơn trước cảnh ngộ “nỗi buồn không của riêng ai” ấy.
Sáng thứ hai, phiên chợ ОПТОМ (bán buôn) đầu tuần vừa rồi, tiết trời sang thu mát lạnh. Lững thững “cuốc” bộ từ bến tàu điện ngầm Барабашова qua dãy BC vào văn phòng Hội gặp ngay H, cùng dân chợ búa thuở ban đầu , lặng thinh ngồi bên cửa hàng bán áo da, lông thú... của mình. Nhanh mồm chào “xã giao” xong, tôi buột miệng hỏi: “Sức khỏe thế nào? Công việc thế nào?” (Nhẽ ra chỉ nên hỏi “Sức khỏe thế nào?” vì thời buổi chợ vắng hơn Chùa bà Đanh này có việc gì đâu mà làm)
Mặt buồn thỉu buồn thiu, H chép miệng thở dài giọng than vãn, nghe não cả ruột gan:
- Cậu tính, tình cảnh chợ điêu đứng như thế này từ lâu chứ có phải bây giờ đâu. Vậy mà giá “các công chỗ” cứ lên xuống thất thường. Họ có biết đâu dân chợ búa mình nhiều hôm về tay không hoặc có diễm phúc lắm gặp khách “sộp” mua hòa vốn dư ra chút xíu vừa đủ trả công cho nhân viên Tây giúp việc là may lắm rồi. Ngừng một lát chín chắn suy nghĩ thêm, hắn thổ lộ cõi lòng mình: “Nói thật với cậu, tình cảnh này cứ kéo dài thêm một thời gian nữa thì chẳng phải riêng tớ mà nhiều người Việt cùng cảnh ngộ cũng đành phải rút lui thôi.
- Có nghĩa là “bỏ cuộc” chạy lấy người à! Nghiệm từ lòng mình ra tôi vẫn “đùa” hỏi lại cho ra nhẽ.
Lưỡng lự đáp “không hẳn”, rồi H đặt vấn đề:
- Vậy thì phải làm gì để có thể tồn tại, trong khi vẫn quyết tâm trụ lại chốn này – nơi mình bắt đầu và đi lên từ chợ. Sau đó, hỏi thẳng tôi “Theo cậu?”
Nghe xong, được thể tôi kể luôn cho hắn nghe một số trường hợp chuyển biến trong kinh doanh gần đây như bán hàng qua “mạng” (ИНТЕРНЕТ), giao hàng cho người quen là dân địa phương bán ở ngoại ô, mở quán ăn với cái tên thân thương “Вьетнамская Кухня”. Thậm chí trồng trọt, chăn nuôi nữa...
Vừa nghe tôi nói vừa ngắm nhìn gian hàng đầy ắp hàng mùa đông bán quanh năm suốt tháng của mình, H gật gù như thể tán thưởng, mai ngày sẽ thử nghiệm một trong những chuyển biến trên để tự cứu mình.
Hẹn gặp lại nhau, “sau cơn mưa trời lại sáng”
Tâm sự đôi điều này với hy vọng mọi việc sẽ đâu vào đấy một khi bản thân ai cũng có quyết tâm và niềm tin vào “ngày mai sáng ngời” cộng thêm tình thương yêu, giú đỡ nhau thật lòng như anh chị em một nhà, bởi nữa, ai cũng hiểu “đoàn kết” là chiếc chìa khóa đem lại thành công!
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharkov. Tháng 9/2020