Ảnh sưu tầm
Đừng quên mình là ai! Mấy từ này nghe thoảng qua ngỡ đơn giản, nhưng bình tâm nghiền ngẫm mới nhận thấy ý tứ thật dồi dào, giá trị thực tiễn thật sâu sắc tựa như một bài học bổ ích cho mỗi lứa tuổi, cho mọi thành phần cung bậc xã hội khác nhau, cho những ai đã và đang chuẩn bị hành trang bước vào ngưỡng cửa cuộc đời.
Ai đấy, có hiểu thấu đáo như thế, có thực hiện đúng như vậy trong cách đối nhân xử thế thì bản thân sẽ sống thanh thản hơn, mới có được tình bạn cao cả, mới đạt được tình yêu thủy chung, nghĩa vợ chồng tao khang, mới có được sự tôn trọng, quý mến của đồng nghiệp. Nhất là với chúng ta, những người sinh sống, làm việc và học tập nơi xứ người sẽ có được một tập thể cộng đồng thống nhất về tư tưởng và hành động, một tổ chức xã hội bền vững tạo nên sức mạnh vô biên vượt qua mọi khó khăn trở ngại. Đặc biệt vào thời điểm này, cuộc khủng hoảng chính trị đồng hành với kinh tế nơi ta đang mưu sinh còn đang gõ cửa từng căn hộ, từng góc chợ.
Đừng quên mình là ai! Tôi hiểu “Ai” ở đây là tôi, là chị, là anh là mỗi người chúng ta. Tuy khác nhau về tuổi đời, trình độ học vấn, ý thức giác ngộ, chỗ đứng trong xã hội, cũng như sinh ra và lớn lên không cùng một miền quê, nhưng suy cho cùng, ta chung nhau một dòng máu đỏ, một màu da vàng, một tổ quốc Việt Nam với hơn bốn nghìn năm lịch sử.
Đừng quên mình là ai! Có nghĩa là nhớ mình là “Ai” trong niềm tin anh em, bạn bè quanh ta, cũng như vậy để tự nuôi dưỡng cho nhau tâm hồn Việt Nam nhân hậu sâu sắc, đậm đà tình thương, góp trí tuệ, sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng “Một cộng đồng trong sạch và vững mạnh” trên quê hương thứ hai này, để hơn thế nữa hiểu mình tới đâu biết người tới đó mà khiêm tốn, tôn trọng và tự hào.
Nhìn về năm tháng qua, điểm lại cuộc sống hiện tại, mừng vui có nhiều tấm gương sáng ngời về tình bạn, tình đồng chí trong quan hệ con người đời thường lẫn buôn bán, kinh doanh nhưng đâu đấy vẫn còn những ngang trái cuộc đời, những khuyết tật từ chủ nghĩa cá nhân muốn sinh lời trên “mồ hôi nước mắt” của người khác, suy cho cùng chỉ vì quên mình là ai, đang ở đâu và làm gì!
“Quên mình là ai!”, ta rất dễ nhìn ra, tìm thấy quanh ta đây đó vẫn còn còn những ông chồng “ăn không ngồi rồi” tụ tập bên con bài, sát phạt nhau quên cả công vợ “sớm tối chiều hôm” ngoài chợ, bỏ cả con thơ nằm đói góc nhà, vẫn còn đó những cuộc đàm tiếu “túm năm tụm ba” quanh ấm chè, mượn điếu thuốc, chén rượu kế xấu người này bôi nhọ việc kia, vẫn còn đó những cuộc tình vụng trộm, những vụ tranh chấp, ẩu đả nhau chỉ vì “con gà tức nhau tiếng gáy”. Rồi nữa, vẫn còn đó những kẻ bảo thủ, hậm hực “ghen ăn tức uống” chỉ muốn vơ đầy túi tham cho mình. Thậm chí, vẫn còn đó những nhân vật cố tình đánh mất mình, gốc rễ là người Việt Nam “Con rồng cháu tiên”, khiến họ bạ đâu cũng thốt ra những lời trái chiều về quê hương đất nước, nơi ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành bằng giọt sữa ngọt ngào của mẹ - Bà Mẹ Việt Nam - “Nơi tuổi thơ ta dệt bao ước mơ”.
“Quên mình là ai!” có nghĩa là chưa xác định được cái tôi của mình trong quan hệ bạn bè, tình cảm anh em, tình yêu lứa đôi, hạnh phúc gia đình lẫn công việc làm ăn trong xã hội rộng lớn bao la có ta trong đấy. Vì lẽ ấy chăng, quanh ta có người thiếu tự tin, ẩn mình trong vỏ ốc chật hẹp “an phận thủ thường” được chăng hay chớ. Ngược lại, có người tầm hiểu biết thấp hơn ngọn cỏ, nhưng luôn tự cao tự đại bằng cách hễ đứng bên mọi người là túm tóc mình lôi lên hoặc vừa ngồi đã kê ghế dưới mông cho “cao hơn mọi người”. Kệch cỡm hơn vẫn còn có những kẻ làm ít nói nhiều, kèn cựa bon chen, đặt điều xấu cho bạn bè, người thân. Thậm chí còn ngang nhiên tranh công, vơ thành tích vào mình mà quê đi đấy là của người khác, của tập thể, của cộng đồng, quên đi mình được thai nghén và lớn lên trong vòng tay ấm áp, yêu thương của mọi người thì hỏi rằng có buồn không cơ chứ!
Thuở trước, khi con người còn bị ràng buộc bởi thiên nhiên hà khắc, bị trói chặt trong khuôn khổ chật hẹp của chế độ cũ bất công thì mọi khổ đau đổ cho “muôn phận tại trời”, còn giờ đây, thời đại mới đã chắp cánh cho con người bay bổng diệu kỳ. Miễn sao “Đừng quên mình là ai, đang ở đâu và làm gì” để hòa nhập vào cuộc sống chung của mọi người, dâng mùa xuân đầy niềm tin và hy vọng.
Viết mấy dòng tâm sự từ con tim biết yêu thương, những muốn chia sẻ cùng bạn đọc gần xa của báo Người Việt Odessa “Nỗi lòng mình ai hay chăng tỏ”, cũng là để nhắc nhở bản thân: Dù sống nơi đâu, xa quê nhà vạn dặm trường, lúc nào cũng nhớ về cội nguồn, khi cất tiếng khóc chào đời từ lòng mẹ là tổ quốc Việt Nam. Và, rồi những ngày này, sống tại nơi đây nhớ lời Bác dạy “… chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt ...” ( Trích thư Hồ Chủ Tịch gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku - Ngày 19-04-1946) để cùng nhau gắn bó, tạo nên sức mạnh vô biên, vượt qua mọi khó khăn trước mắt, ổn định và duy trì cuộc sống lâu dài trên quê hương Ucraina thứ hai này, hướng về quê cha đất mẹ thì dù cho “ Bước chân tôi qua bao nẻo đường / Vẫn mong một ngày trở về quê tôi …. Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó ...”
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng Hành” - Kharkov, tháng 10 -2018