Trung tâm thương mại Barabashova - 1996
Nhớ lại, thập niên 90 thế kỷ trước, trang sử ghi rõ, hệ thống xã hội chủ nghĩa bắt đầu tan rã, nhà máy đóng cửa dần, công nhân thất nghiệp theo, trong đó có hàng nghìn người Việt đang làm việc ở 9 nhà máy thuộc địa phận tỉnh Kharkov – theo hiệp định kinh tế được ký kết giữa hai nước Việt Nam và Liên Xô (cũ) gồm: Thủy Lợi, Búa Liềm, Máy Kéo, Vòng Bi, Điện Cơ, Sợi Chỉ Đỏ, Dây Cáp, Giày Da và Ánh Sáng Người Thợ mỏ. Trước tình cảnh “thế thời phải thế”, mỗi người phải tự quyết số phận riêng mình: “Về hay ở”. Số ít, thuận lợi đủ điều kiện thì khăn gói về quê. Số đông “tứ cố vô thân” đành trụ lại và tự cứu mình bằng con đường mưu sinh tại chợ. Kể cả tôi, gốc sinh viên, cầm trong tay tấm bằng cử nhân học (1978) bỗng dưng “đổi đời”. Chuyển sang ngạch công nhân “tay kìm tay búa” được gần 14 năm, tình thế đổi thay, cũng phải giải nghệ, hòa vào dòng người kiếm “miếng cơm manh áo” tại chợ Trung tâm từ thuở ban đầu.
Hồi ấy, mỏng manh chừng mươi mười mấy người cùng thời công nhân rủ nhau đến chợ Trung tâm, cặp kè sát cánh bên nhau thử nghiệm bán lẻ hàng cầm tay như quần bò, áo phông, đồng hồ, son phấn “thương hiệu” vốn có của bản thân. Giá cả tự đặt, bán ra miễn sao có lãi so với khi mua để “cầm cự qua ngày” chờ thời. May thay, qua chuỗi ngày “Vạn sự khởi đầu nan” mọi việc đều thông đồng bén giọt. Cộng thêm cách cư xử nhã nhặn, “chiều lòng khách đến vui lòng khách đi” và loại hàng độc đáo chỉ người Việt mới có (vì chính sách “bế quan tỏa cảng” của những người “cầm cân nảy mực” đương nhiệm. Lấy đâu ra!) khiến người mua kẻ bán cùng đông thêm, đòi hỏi phải có điểm tác nghiệp rộng hơn chứ không thể tự phát mãi thế được. Và chiếc cầu nối quan hệ với Ban quản lý chợ cùng người thi hành công vụ giữ gìn trật tự trị an nơi chợ búa thời kỳ phôi phai ấy là hai anh Hiền (Soăn) và Ngọc (Sài Gòn).
“Cầm cân nảy lực” được dăm ba, bốn tháng, cảm thấy “lực bất tòng tâm” khi kinh tế thị trường tự do phát triển, dân chợ búa tăng nhanh một phần “không còn con đường nào khác”, một phần “hữu xạ tự nhiên hương” dân tứ xứ đổ về, hơn nữa ký kết văn bản hợp đồng với Ban giám đốc chợ Trung tâm mang tính dài hạn và cố định cần phải có cơ sở pháp lý cụ thể, hai anh “tự rút” để công ty Логок (của người Việt) đứng ra quản lý vào những tháng cuối cùng năm 1993 với sự xuất hiện khu chợ Việt Nam đầu tiên tại Kharkov – “Chợ Bờ Sông” có hơn bốn trăm chỗ bàn sắt và hàng chục chỗ đặt “giường gấp” (bán áo da) dành riêng cho người Việt.
Đang yên đang lành, biển nổi sóng theo luồng gió mới “cạnh tranh lành mạnh” với sự ra đời Trung tâm thương mại Барабашова – chợ bán buôn bán lẻ lớn nhất miền Đông Ucraina của tổng công ty АУЭК vào tháng 6 năm 1996. Khu chợ tràn đầy niềm tin và hi vọng này có sức hút mạnh mẽ dân chợ búa ở khắp chốn mọi nơi, hội tụ về đây buôn bán kinh doanh. Trong đó có cộng đồng người Việt mình. Trước tiên cần kể đến là công ty Hữu Nghị - Фирма “Дружба” – ХОО “Вьетнамское землячество” thuộc Hội đồng hương Việt Nam, chịu trách nhiệm quản lý một khu vực riêng, đảm bảo công chỗ bán hàng cho gần một nghìn hội viên của Hội từ chợ Trung tâm kéo về, sau khi ký kết văn bản hợp đồng chính thức về pháp lý với công ty chủ quản “Концеры АУЭК и КО” với thời hạn 10 năm (1996-2006).
Liền sau đấy, đồng hành theo đà đi lên của kinh tế Chợ cộng thêm sự tăng trưởng về lượng người là dân chợ búa từ Việt Nam sang, từ các thành phố khác kéo đến (năm 1998 riêng hội viên Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov, bán hàng tại chợ đã có trên ba nghìn), một vài Liên doanh thương mại khác của người Việt vào cuộc xây dựng tiếp những dãy cửa hàng mới rộng rãi, khang trang theo tiêu chuẩn châu Âu “chỉ nơi này mới có”. Và dù cho những năm gần đây, ít nhiều chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế nơi mình sinh sống, làm việc và học tập nhưng chợ vẫn hoạt động cho đến tận bây giờ, người Việt mình vẫn ra bám chợ cho đến ngày hôm nay.
Dẫu biết mình chưa đủ tư liệu để trình bày cụ thể hơn về chợ và dân chợ búa từ Không đến Có, nhưng tôi vẫn mạnh dạn viết đôi lời tâm sự này, những mong chia sẻ cùng ai sự chuyển đổi theo năm tháng từ chợ Trung tâm đến Trung tâm thương mại Барабашова cũng như số phận của mỗi người gắn bó với chợ búa bắt đầu ra sao và đi lên qua các chặng đường như thế nào.
Có lần, đưa ra chủ đề này trao đổi với một người quen thân cùng thời “bắt đầu đi lên từ chợ”. Song, vốn dè dặt, chưa muốn thổ lộ hết những gì nghe và thấy phần vì e mình suy tư chưa hết nhẽ, phần vì ngại đụng chạm, anh bạn đồng niên đã hiểu ra cội nguồn vấn đề và nhất trí ủng hộ với lời lẽ có “cánh”: quan điểm của cậu rất nhạy cảm và hiện thực đấy chứ (nghe mà hởi lòng hời dạ) rồi bộc bạch:
- Không phải riêng tớ mà hầu hết những người đến Kharkov là công nhân ở lại hoặc từ nơi khác mưu sinh tại chợ thường tự nhủ và giáo dục con cháu thế hệ 2 Đừng quên mình là ai! Khi hiểu rõ cội nguồn những gì có trong tầm tay – từ đâu!
Còn tôi, đã 26 năm trời liên tục bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông có mặt tại chợ để rồi những ngày tôi “lang thang” qua nhiều góc chợ tôi càng hiểu thêm tâm hồn người bán hàng là dân chợ búa: cần cù, chăm chỉ làm ăn, gắn bó, đùm bọc nhau trong tình cảm yêu thương “buôn có bạn, bán có phường” – mộc mạc thôi mà sao tôi nhớ mãi… chỗ nhỏ, công nhỏ - nơi bán hàng của tôi ở đó. Trong giấc mơ tôi vẫn hằng mơ…
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharkov, tháng 4/2018