Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Đừng như “Cây tầm gửi”!

Thứ bảy, 05/10/2019 | 04:54
Hàng năm, cứ vào ngày tháng này, mỗi người dân nước Việt dù sống ở nơi đâu, làm việc ở chốn nào đều nhớ về ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội vào tháng 10 năm 1954 thuở ấy.

Có lẽ ai cũng hiểu, ngày lễ tưng bừng, rộn vui đó là kết quả của cả một quá trình đấu tranh gian khổ và dài lâu, đẫm máu và đầy nước mắt của muôn triệu đồng bào ta trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, làm lên một Điên Biên anh hùng, là sức mạnh của tình đoàn kết keo sơn, sắt son một lòng cho hòa bình, hạnh phúc, độc lập tự do của dân tộc. Để rồi, từ đấy những người lao động chúng ta, sinh ra và lớn lên từ miền quê – đất nước Việt Nam, rút ra cho mình những bài học bổ ích về quan niệm cũng như cách sống làm người trong những ngày sinh sống, làm việc và học tập nơi đất khách xứ người.

Thật vậy, giờ này còn đang sống ở nơi đây, khi ta thành tâm hướng về cội nguồn, nhớ tới tổ tiên, ông bà, mẹ cha, cô bác đâu chỉ đơn thuần kính cẩn nghiêng mình xin “phù hộ độ trì” mà cái chính là phải cảm nhận được vẻ đẹp thiêng liêng của đất nước, nhân phẩm đạo đức cùng sự hi sinh cao cả của các thế hệ cha anh để tăng thêm ý chí và hành động góp phần xây dựng một cộng đồng trong sạch vững mạnh trên cơ sở đoàn kết thân ái giúp đỡ nhau duới sự lãnh đạo của Hội người Việt Nam các tỉnh thành – Một tổ chức xã hội duy nhất của người Việt dù ở Kiev, Kharcov, Odessa hay Kherson… sẽ tồn tại và phát triển mạnh mẽ với chủ trương ổn định cuộc sống cộng đồng người Việt một cách bền vững và dài lâu theo thủ tục pháp luật hiện hành của nước sở tại.

Nhiều tháng năm trôi qua, ai đã từ quê nhà sang đây học tập và lao động, chắc hẳn còn nhớ thuở ban đầu Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov ra đời (ngày 3 tháng 3 năm 1994) đã có hơn 700 hội viên chủ yếu “gốc” là công nhân là việc tại nhà máy theo hiệp định kinh tế được ký kết giữa hai nhà nước Việt Nam và Liên Xô cũ. Bốn năm sau, hội viên tăng lên trên 3000 người khi Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov được sát nhập trên cơ sở hai Hội: Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov và Hội hữu nghị Trung tâm văn hóa thương mại Việt Nam và Ucraina (ngày 4 tháng 4 năm 1998). Để rồi, từ sau ngày “Đoàn kết là sức mạnh” ấy, nhiều tấm gương sáng “người tốt, việc tốt” là hội viên đã được tạp chí bán nguyệt san “Tuần tin quê hương” –  tiếng nói của cộng đồng người Việt tại Ucraina – trong suốt 16 năm trời thịnh hành (1998-2014) tuyên dương, ca ngợi qua các chuyên mục “Lương tâm và trách nhiệm”, “Diễn đàn cộng đồng”, “Trong ốp ngoài chợ”… như niềm tự hào của những đứa con đất Việt sống xa xứ.

Tới nay đã 21 năm, dù cho nơi ta đang mưu sinh vẫn chưa thật thuận lợi, nhất là kinh tế thương trường còn khó phát triển đối với dân chợ búa – ngạch sống chính của người Việt Nam ta nhưng Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov vẫn tồn tại một khi người Việt mình vẫn còn nhiều không tính toán thiệt hơn, tự nguyện gia nhập Hội với ý tưởng sắt son góp “viên gạch nhỏ” xây dựng “mái nhà chung” là Hội người Việt Nam của cộng đồng người Việt nơi hải ngoại.

Vậy mà, hổ thẹn thay khi quanh ta vẫn còn không ít “người Việt” thơ ơ, lãnh đạm đứng ngoài tổ chức “trú ngụ” dưới bầu trời yên lành do bao nguời lao động bỏ công sức gây dựng lên, vẫn còn số “nhỏ” quên mình ta là ai, hưởng thụ thành quả của người khác, nhất là những ai tự “vỗ ngực” học cao biết rộng mà vẫn “cố tình” tách mình khỏi cộng đồng chung, khác gì như “cây tầm gửi”, thì hỏi rằng có buồn không cơ chứ!

Nghĩ gì, một khi mỗi chúng ta vốn có nguyện vọng chính đáng vì “nghĩa cả, việc chung”, luôn đòi hỏi phải có sự công bằng giữa “quyền lợi và nghĩa vụ” đối với tất cả mọi người đang trú ngụ bình yên chung một bầu trời xã hội mà vẫn còn có nguời coi nhẹ lương tâm trốn tránh trách nhiệm với cả bản thân lẫn tập thể. Nên chăng, là “cây tầm gửi!”

Những ngày tháng 10 này, cùng nhân dân cả nước đón chào ngày giải phóng thủ đô Hà Nội, chúng ta hãy dành cho nhau bao nhiêu niềm vui đang có, xây dựng Hội người Việt Nam ngày càng bền vững và dài lâu bằng tấm thẻ hội viên của mình, hãy mến thương, tôn trọng Hội bằng tất cả con tim.

Thay lời kết, xin trích một đoạn trong tập sách “105 lời nói của Bác Hồ” để mọi người hiểu thêm lương tâm và trách nhiệm với quê hương, hội viên với Hội.

“Ngày 01/4/1946 Bác gửi thư chúc Tết Việt kiều ở Lào, Xiêm. Người khẳng định: “Các đồng bào mình, tuy trú ở nơi đất khách quê người nhưng lòng vẫn yêu mến cố hương, tổ quốc. Còn tổ quốc và chính phủ cũng luôn nhớ thương đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những đứa con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà như thế.

Ngày nay, tuy nhờ sự đoàn kết toàn dân mà nước nhà đã giành lại quyền độc lập, nhưng chúng ta hãy còn nhiều khó khăn, hãy còn phải hy sinh phấn đấu, mới đi đến sự nghiệp độc lập hoàn toàn. Muốn đạt mục đích đó, chúng ta phải kiên quyết nữa, phải đoàn kết nữa.”

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn đồng hành” – Kharkov tháng 10/2019