Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Đơn vị giày da năm ấy

Thứ sáu, 15/06/2018 | 10:06
Một ngày trước lễ kỉ niệm, mặc dù rất bận cho công tác chuẩn bị nhưng ông Trương Văn Hùng và bà Nguyễn Thị Đình - đại diện cho BTC sự kiện đã dành chút thời gian chia sẻ với Người Việt Odessa xung quanh câu chuyện đơn vị giày da năm ấy.

Thưa ông bà, cũng như nhiều cựu thành viên giày da đã chia sẻ, được sang lao động tại nhà máy giày da Odessa là một niềm hạnh phúc rất lớn, và còn vinh dự hơn nữa khi ông bà được cử sang làm đội trưởng, quản lý đội công nhân. Ông bà có thể chia sẻ để mọi người biết thêm về điều này?

Ông Trương Văn Hùng – trưởng BTC sự kiện: “Tôi từng là Sỹ quan, trưởng Ban ngoại vụ thuộc trường Sỹ quan pháo binh Sơn Tây. Hơn 10 năm phục vụ quân đội, gắn bó với chức người đội trưởng và người phiên dịch cho cố vấn và sỹ quan, tôi tình nguyện lên đường đi lao động ngay sau khi nhận thông báo giảm biên chế trong các cơ quan hành chính sự nghiệp”.

Tiếp nối sau câu nói của ông, bà Nguyễn Thị Đình – phó ban BTC, chia sẻ: “Sau một thời gian tốt nghiệp tại Đại học Thương mại Hà Nội và giảng dạy tại trường Cao đẳng Thương mại, tôi về sở Thương mại Vĩnh Phú làm việc. Trong quá trình 5 năm công tác, vì quá yêu ngôn ngữ và văn hóa của xứ sở Bạch Dương, tôi quyết tâm theo học thêm tiếng Nga tại trường Đại học ngoại ngữ. Vượt qua kì thi tiếng tại Hà Nội, Sở lao động và thương binh xã hội Vĩnh Phú đã giao cho tôi cơ hội, nhiệm vụ làm đội trưởng quản lí 50 công nhân nữ tại nhà máy giày da Odessa”.

Thưa ông Trương Văn Hùng, ông có thể cho biết số lượng cụ thể của đoàn công nhân năm đó?

Chúng tôi gồm tất cả 300 công nhân, chia làm 6 đội, mỗi đội 50 người, làm việc tại hai nhà máy giày và da. Trong đó, có tất cả 50 công nữ do cô Đình phụ trách, còn lại đều là nam do tôi và các đồng chí khác quản lí, nhưng đến giờ, cán bộ quản lý nam chỉ còn mình tôi bám trụ trên mảnh đất này, mọi người đã về cả rồi. Và mỗi đội lúc đó gồm 1 đội trưởng và 1 phiên dịch viên nhằm quản lí sát sao, giúp đỡ mọi người khi chưa hiểu tiếng.

Thưa bà Nguyễn Thị Đình, với số tiền lương nhận được hàng tháng như vậy có đáp ứng nhu cầu cuộc sống của mỗi công nhân không?

Thực ra, hồi chúng tôi bước chân tha hương, nước nhà còn khó khăn nhiều lắm, nên số tiền nhận được nếu tiết kiệm thì vẫn dư dả để thỉnh thoảng gửi về giúp đỡ bố mẹ. Hơn nữa, nhà máy họ cũng tạo điều kiện cho công nhân làm tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Chúng tôi không thể quên được “ngày thứ 7 lao động cộng sản”, bà con công nhân ai cũng tích cực tham gia.

Được biết, từ khi có công nhân Việt Nam sang lao động, năng suất nhà máy đã tăng vượt bậc, vậy tiêu chuẩn đãi ngộ, thưởng cho bà con lúc đó như thế nào, thưa ông?

Người Việt mình vốn có tính cần cù, chăm chỉ lại khéo léo và đặc biệt khả năng hiểu và làm việc cũng rất nhanh nên năng suất lao động tăng vượt bậc. Hàng năm, mỗi công nhân có tiêu chuẩn gửi 1 thùng hàng 500kg về Việt Nam theo đường biển. Nhưng trong đấy, họ có giới hạn số lượng cho phép gửi của từng loại mặt hàng. Chẳng hạn, 5 chậu nhôm, 5 xoong, 1 xe đạp… vì thời đó bên này đồ rất khan hiếm. Đặc biệt, 3 tháng đầu công nhân có tiêu chuẩn được gửi về nhà thùng hàng 10 cân qua đường bưu điện và những anh em có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ già yếu thì chúng tôi luôn ưu tiên gửi trước. Đáng trân trọng hơn, khi ốm đau thì họ chăm sóc, thăm khám, tiêm, phát thuốc đều theo chế độ của nhà nước Xô Viết cũ, tất cả đều miễn phí. Vả lại, điều đáng mừng là anh em hầu hết đã được rèn luyện trong môi trường quân đội nên sức lực dẻo dai hơn và rất có ý thức trong việc giữ gìn sức khỏe của mình.

Thưa ông bà, ngày ngày cứ thế trôi qua, khi hay tin Liên Xô tan rã và nhà máy phải đóng cửa, quản lý đơn vị có hướng giải quyết gì?

Lúc đó, chúng tôi đều rất hoang mang, hoảng sợ. Nước nhà còn khó khăn nên anh em không biết về sẽ làm gì để mưu sinh, mà nếu ở lại thì chính quyền và nhà máy vẫn chưa có cơ chế cụ thể để giúp đỡ bà con. Biết tin anh em nào muốn về, chúng tôi cố gắng liên lạc để sớm có vé. Về sau, một số bà con do chậm trễ hoặc không đủ tiền mua vé đành ở lại, hòa cùng những anh em quyết định bám trụ trên mảnh đất này, xoay sở đủ nghề để ổn định cuộc sống.

Sau khi, Hội đồng hương Việt Nam thành phố Odessa được thành lập, cộng đồng đã có một tổ chức đoàn thể rõ ràng và đi vào ổn định. Vậy thì đến khi nào thành lập một Ban liên lạc cho các công nhân nhà máy giày da, thưa ông bà?

Cuộc sống dần ổn định, bà con không còn cảnh phải ở nhà trọ, ở nhờ, ở kí túc xá… anh em công nhân bắt đầu nhen nhóm ý tưởng muốn tụ họp, giao lưu, ôn lại những kỉ niệm thời trai trẻ của mình. Vậy là từ năm 2007, Ban liên lạc nhà máy giày da chính thức ra đời. Sau một chặng đường, Ban liên lạc dần nhân rộng ra cả cộng đồng, các hoạt càng thêm quy củ và có ý nghĩa hơn. Và lễ kỉ niệm 20 năm, 25 năm và 30 năm lần này sẽ là những dấu mốc đáng nhớ của đoàn công nhân chúng tôi.

Không chỉ vậy, ngay từ ngày đầu thành lập, chúng tôi luôn tuân theo truyền thống tương thân tương ái, giúp đỡ, thăm nom nhau mỗi khi hoạn nạn, khó khăn, bệnh tật rồi cưới xin, hiếu hỉ... Nhân sự kiện lần này, Ban liên lạc quyết định tri ân những anh em đã gặp những hoàn cảnh rủi do tại đây, chúng tôi sẽ trích một phần quỹ để gửi về cho thân nhân trong gia đình.

30 năm, một chặng đường với bao khó khăn, thử thách, ông bà có thể chia sẻ cảm xúc của mình lúc này, trước thềm kỉ niệm?

Giờ đây, trên mái đầu đã điểm xuyến những sợi bạc, nhưng chúng tôi vẫn luôn hoài niệm về thời thanh niên sôi nổi của mình và luôn muốn có dịp hội tụ lại, giao lưu, chia sẻ với các anh chị em. Thật vui và hạnh phúc vì sự kiện đặc biệt này có 320 người tham gia, nó ghi nhận sự đóng góp to lớn của các thành viên trong ngôi nhà chung 35 đang cùng hướng về ngày này.

Đặc biệt hơn cả, trong lễ kỉ niệm sẽ có Đại sứ Nguyễn Anh Tuấn và đoàn công tác Đại sứ quán sẽ về dự và chúc mừng nên chúng tôi đang dần hoàn tất mọi khâu chuẩn bị cuối cùng để chương trình chính thức diễn ra được thành công nhất.

Nhận thức được đoàn công nhân trong nhà máy giày da năm xưa chính là tiền thân, là nền tảng để tạo nên một cộng đồng Người Việt lớn mạnh như bây giờ, chúng tôi nhớ như in sau ngày 07/06/2001 - luật định cư ra đời, tất cả các công nhân trong nhà máy giày da đều đã được cấp thẻ định cư tại đây. Từ đó, mới có các thế hệ thứ 2, thứ 3 như bây giờ. Và chúng tôi rất vui và tự hào vì các cháu luôn ghi nhớ điều đó để phấn đấu, vươn lên trong học tập, trong công việc. Chẳng hạn như con ông bà Long Xuân, ông bà Hùng Vân, ông bà Thủy Liên… Đó chính là những hạnh phúc ngọt ngào nhất dành tặng cho chúng tôi, và cho cả cộng đồng.

Rà soát, chỉnh sửa những chi tiết cuối cùng một cách cẩn thận, chu đáo nhất, cùng với sự tập luyện miệt mài của anh chị em công nhân giày da và các bộ phận khác, tất cả chúng tôi đều hướng về lễ kỉ niệm trọng đại này. Đây không chỉ là dịp cho những người đã làm lên cộng đồng giao lưu, ôn lại kí ức đẹp một thời, mà còn là nơi gắn kết bà con, nâng vị thế cộng đồng với người dân và chính quyền địa phương.

Xin cảm ơn ông bà đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn và có những chia sẻ rất thú vị giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về con đường lập nghiệp gian nan nhưng cũng đầy tự hào của những cựu công nhân nhà máy giày da năm xưa. Xin chúc ông bà sức khỏe, chúc cho Lễ kỷ niệm 30 năm thành công tốt đẹp!

Vô Ưu


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN