|
Nhóm thanh niên kiều bào dự trại hè |
Việt Nam thật đẹp
Bạn trẻ Nguyễn Đức Thành sinh ra ở Hà Nội nhưng từ năm 7 tuổi đã theo mẹ ra nước ngoài mưu sinh. Hiện, Thành đang là sinh viên năm thứ 4, trường ĐH Bách Khoa ở Ai Cập. Trung bình, cứ khoảng 2-3 năm, Thành lại được cùng mẹ về Việt Nam thăm ông bà ngoại, họ hàng. “Năm nay, khi biết tin về trại hè, Thành háo hức đăng ký tham gia ngay, một phần vì lại được trở về quê hương, phần khác vì nếu đợi năm sau thì Thành sẽ “hết tuổi”. “Mình sẽ rất tiếc nếu để lỡ cơ hội được tìm hiểu về quê cha đất tổ. Là người gốc Việt mà không biết nhiều về nước Việt thì thật xấu hổ” - Thành tâm sự.
Không giống như những lần về nước trước, chủ yếu ở nhà sum họp bên người thân, 14 ngày tham dự trại hè, Thành và các bạn đã được đi dọc các tỉnh miền Nam, từ thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…, tham quan các địa danh lịch sử như: Bến Nhà Rồng, Địa đạo Củ Chi, Dinh Thống Nhất (TPHCM), Lăng cụ Nguyễn Sinh Sắc (Đồng Tháp), mộ Chị Sứ (Kiên Giang), Mốc tọa độ và Biểu tượng Mũi Cà Mau...; tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long như:
Miệt vườn Cái Bè, Chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang), Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Khu du lịch Núi Cấm (An Giang), Chùa Dơi (Sóc Trăng)… giao lưu văn hóa văn nghệ với thanh niên, sinh viên và hoạt động từ thiện tại Đồng Tháp và Cà Mau... “Càng đi, mình lại càng tự hào về mảnh đất nơi mẹ đã sinh ra mình. Tuy vẫn phải học nhiều nữa mới hiểu hết về lịch sử Việt Nam, nhưng chuyến đi đã giúp mình hình dung phần nào về quá khứ đấu tranh chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc, để tạo dựng cho con cháu một đất nước hòa bình, độc lập hôm nay”.
Xa Việt Nam từ nhỏ, Thành chủ yếu học tập, sinh hoạt bằng tiếng Ai Cập và tiếng Anh. Trước đây, tiếng Việt chỉ đủ để Thành bập bõm nói mấy từ đơn giản như mời mẹ ăn cơm, uống nước. Sau đó, Thành đã chủ động kết bạn với một bạn gái người Việt để nhờ dạy mình tiếng Việt. Và chỉ một năm sau, Thành đã có thể giao tiếp được bằng tiếng mẹ đẻ, cho dù việc đọc, viết vẫn còn chút khó khăn,nhất là Thành vẫn chưa nhớ được cách “đánh dấu” tiếng Việt.
Lần về Việt Nam này, Thành ấn tượng nhất là được làm quen với các bạn trẻ kiều bào xa quê như mình. “Mỗi người ở một đất nước, nhưng đều chung nhau ở tình yêu Việt Nam, đặc biệt là rất coi trọng tiếng Việt. Vì thế, chúng mình đều cố gắng nói chuyện bằng tiếng Việt. Người biết nhiều dạy lại cho người biết ít, tới khi thật “bí” mới sử dụng thêm tiếng Anh” - Thành kể.
Kết thúc trại hè, nhưng hiện Thành vẫn nán ở lại Việt Nam để thực hiện dự định ý nghĩa khác. Đó là Thành sẽ theo học một lớp dạy viết tiếng Việt cho thành thạo và sau đó đón ngày Quốc khánh 2/9 ở Việt Nam. “Cảm xúc đón Quốc khánh năm nay của mình chắc chắn sẽ rất khác vì những năm trước, mình chủ yếu dự lễ ở trong đại sứ quán Ai Cập. Mỗi lần trở về, mình lại thấy quê hương Việt Nam đổi mới, phát triển. Ở quê mình, mọi người ai cũng rạng rỡ, hài lòng với cuộc sống ấm no”.
6 năm rồi mới lại được về Việt Nam
Lê Thảo Nguyên, SN 1998, được sinh ra và lớn lên ở Ukraina, hiện đang theo học năm thứ 3, Đại học Y Dược Ukraina. Bố em quê ở Bắc Ninh, mẹ là người Đà Nẵng cùng qua nước bạn lập nghiệp đã hơn 20 năm. Trước khi tham dự Trại hè dành cho con em kiều bào, Nguyên chưa thể nhớ nhiều về Việt Nam vì lần cuối cùng em được về quê hương cách đây đã 6 năm.
Luôn ý thức phải giáo dục con về nguồn cội, ở nhà, bố mẹ Nguyên vẫn nói tiếng Việt với con. Ngoài ra, Nguyên còn được học tiếng Việt ở trường phổ thông. Bản thân Nguyên cũng tự nhủ mình là người Việt Nam “100%” nên luôn nỗ lực học tiếng Việt. Hiện, Nguyên có thể nói viết được cơ bản tiếng Việt bên cạnh tiếng Anh, Ukraina và tiếng Nga. “Ban đầu, khi mới về, mình nói tiếng Việt vẫn còn ngượng nghịu vì phải dịch từ tiếng Nga sang. Nhưng nay, mình đã giao tiếp thật sự thoải mái và chắc sẽ không bao giờ quên tiếng Việt được nữa”.
Trong những ngày tham dự trại hè, Nguyên ấn tượng nhất hoạt động được cùng các trại viên khác dâng hương, hoa tại Phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng. “Năm 1911, từ Bến Nhà Rồng, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước, để rồi sau đó Người trở về, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Nguyên và các bạn cũng đã có cơ hội cùng các bạn mặc áo dài dân tộc, đến đâu cũng được mọi người đón tiếp như khách quý. Hơn bao giờ hết, Nguyên càng tự hào được là người gốc Việt của một đất nước độc lập. .
Cũng như Thành, Nguyên đã quyết định ở lại Việt Nam lâu hơn, để được cùng dự Lễ Quốc khánh của dân tộc bên bà nội và các chú, bác. “Gia đình mình sẽ cùng đi chơi phố, sau đó tổ chức tiệc mừng Tết Độc lập. Có lẽ đây sẽ là ký ức không thể quên được với một người con xa quê như mình. Ở Việt Nam, mình rất vui vì ở đâu cũng gặp người Việt Nam, được nói tiếng Việt, trải nghiệm thật nhiều văn hóa Việt Nam, món ăn Việt Nam. Mình thấy quê hương mình với nhiều khung cảnh thiên nhiên, cây cối, sông núi thật đẹp. Sau này, nếu có điều kiện nhất định mình sẽ tham gia đóng góp quê hương” - Nguyên tâm sự.
Trung Thu - Báo phụ nữ thủ đô