Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Đi tìm ký ức về cha

Thứ bảy, 03/02/2018 | 07:27
Xa cách cha từ khi mới 5 tuổi, nhưng Nguyễn Hải Anh vẫn trọn vẹn một tình yêu và lòng tự hào về người cha anh hùng của mình...

Lời Ban biên tập: Nguyễn Hải Anh hiện là Phó BT ĐU bộ phận Odessa, Phó chủ tịch Hội người VN tỉnh Odessa, Chủ tịch Hội doanh nhân không chỉ được biết đến là con liệt sỹ của một gia đình có truyền thống cách mạng mà còn được bà con cộng đồng quí mến nhờ vào nhân cách và lối sống hòa đồng của một cán bộ đảng viên.

Phi công Nguyễn Hữu Tào
 
Xa cách cha từ khi mới 5 tuổi, nhưng Nguyễn Hải Anh vẫn trọn vẹn một tình yêu và lòng tự hào về người cha anh hùng của mình: liệt sĩ Nguyễn Hữu Tào – một trong những phi công đầu tiên của Không quân Việt Nam, người đã hi sinh cả cuộc đời riêng, hạnh phúc riêng cho nhiệm vụ bảo vệ bầu trời miền Bắc. Người Việt Odessa xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết xúc động "Đi tìm ký ức về cha" của anh - một lời tự nhắc nhủ mình luôn cố gắng để sống cho xứng đáng với sự hi sinh và nhân cách cao đẹp của cha.

 

Đi tìm ký ức về cha


Con lớn lên thì cha mất rồi!
Chỉ biết mẹ tảo tần sớm tối
Con biết cha qua từng tiếng nói
Mà hàng ngày mẹ vẫn kể về cha.

Tuổi thơ của tôi đã thiếu vắng hình bóng người cha của mình. Cũng không có điều kiện để tìm hiểu vì ba tôi tập kết ra Bắc năm 1954 sau đó học văn hoá từ 1956-1959 rồi sang Trung quốc học lái máy bay chiến đấu đến cuối năm 1964 về nước tham gia chiến đấu bảo vệ miền Bắc. Ông hi sinh 06/11/1967 khi đó tôi mới vừa tròn 5 tuổi. Cái tuổi mà thấy mẹ mình khóc gọi chồng còn ngạc nhiên hỏi sao mẹ lại gọi ba như vậy? Và vẫn đòi mẹ cho xuống thăm ba.

Sau khi tốt nghiệp đại học ở Liên Xô trở về niềm thôi thúc trong tôi là tìm về cội rễ của mình. Chiến tranh phải sơ tán, rồi mẹ tôi làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm pu chia liên lạc với các bác là họ hàng cùng tập kết với ba tôi cũng bị đứt đoạn. Cho đến năm 1989 tôi mới tìm được về quê nơi ba tôi sinh ra và lớn lên. Biết được tuổi thơ gian nan của ba mình ra sao khi mẹ mất sớm cha đi bước nữa. Ba và một chị của mình sống với mẹ kế, còn chị cả sống với bà nội. Rồi ba ra nhập thiếu sinh quân, tham gia lực lượng vũ trang và được cử ra Bắc. Các bác người thì ở lại hoạt động cách mạng và hi sinh, người thì trôi dạt vào Sài Gòn sinh sống do có người thân làm cách mạng. Sau khi nhận người thân họ hàng tôi lại mong mỏi tìm hiểu về cuộc sống chiến đấu của ba. Qua các tài liệu về Không quân nhân dân Việt Nam như: Lịch sử dẫn đường Không quân, Lịch sử E923... ghi lại những trận chiến đấu của Không quân Việt Nam trong những năm chống Mỹ. Hình bóng của ba mình và đồng đội hiện ra thôi thúc tôi đi tìm những ký ức của ông. Người đầu tiên tôi gặp là anh hùng LLVT, phi công Hồ Văn Quỳ - người đồng đội, đồng hương của ba tôi. Chú kể nhiều về thời gian cùng với ba tôi ở trung đoàn chiến đấu. Chú nói còn giữ mãi cây súng của ba tôi định sau này trao cho tôi làm kỷ niệm nhưng khi chuyển ngành ra làm giám đốc Cụm cảng hàng không miền Trung thì chú phải nộp lại. Ngày đó biên đội Lan Túc Quỳ Phương nổi tiếng một thời. Thiếu tướng AHLLVT Phạm Ngọc Lan - người đồng đội, đồng hương cùng xã với ba, tôi gặp ông khi ông đang điều trị tại bệnh viện 108. Tuy phải nằm tại chỗ nhưng ông vẫn nhận rõ được từng người trong bức ảnh chụp ba tôi với ông, chú Quỳ và những người khác. Không nói được nhiều nhưng tôi thấy ánh mắt của ông rất xúc động và vui khi thấy con của đồng đội mình đến thăm.

Phút thư giãn trong ngày không trực chiến của các phi công Mig-17

Thông tin về đồng đội của ba không có nhiều, tôi lại lần tìm từ những cuốn hồi ký: Phi công tiêm kích của Lê Hải, Chúng tôi và Mig-17 của Lưu Huy Chao, Khối mây hình lưỡi búa của Lê Thành Chơn... Các chú cũng là những phi công, sĩ quan dẫn đường đồng đội của ba, qua hồi ký của các chú tôi như thấy được những ngày tháng gian khổ mà hào hùng của ba. May mắn hơn tôi gặp nhiều phi công khoá sau ba tôi lại vẫn giữ được liên lạc với nhiều người như phi công, nhà văn Nguyễn Công Huy, Phạm Phú Thái... Những cuốn truyện của họ đã giúp tôi tìm được đại tá AHLLVT Lâm Văn Lích - người đồng đội thân thiết của ba. Khi nghe tôi gọi điện chú đã nghẹn ngào hỏi bao năm nay con ở đâu? Có đến chơi với chú bây giờ được không? Đến thăm chú Lâm Văn Lích tôi không ngờ câu chuyện mẹ kể ngày xưa tôi đến thăm ba và gặp chú thế nào chú vẫn nhớ. Rồi cả chuyện chú nhường cho ba tôi phép để về cưới vợ ra sao. Chuyện là ba tôi được về phép trước chú để tìm hiểu thì gặp được mẹ tôi. Lần phép sau đến lượt chú thì chú nhường ba tôi để về cưới mẹ tôi. Chú bảo tao nói với ba mày anh có người yêu rồi thì về cưới đi chứ tôi về tìm biết được hay không! Rồi những ngày ba tôi và chú thay nhau trực mỗi khi có người thân đến thăm. Chú nói chiến công của chú cái đêm bắn rơi 2 chiếc AD6 trong một trận chiến cũng có ba góp phần. Ba trực chỉ huy hôm đó đã cho bật đèn đường băng kịp thời khi chú hạ cánh. Khi ngồi viết những dòng này thì chú Lích không còn nữa. Thương tiếc một người phi công anh hùng, nhiệt tình hăng hái hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Phi công AHLLVT đại tá Lâm Văn Lích kể chuyện về trận chiến bắn rơi 2 máy bay AD6 trong đêm.

Lần theo các sách và kỷ yếu của Không quân Việt Nam, tôi đi tìm những đồng đội của ba trong biên đội ngày đấy. Hầu hết các chú, các bác đã hi sinh như ba tôi. May mắn là còn chú Nguyễn văn Thọ - người bay số 4 của biên đội do ba tôi là số 1. Đến thăm chú tại nhà riêng đường Lam Sơn gần sân bay Tân Sơn Nhất sau khi chú vừa trải qua cơn tai biến. Mừng là chú đã khoẻ lại và nhớ nhiều về kỷ niệm xưa. Chú kể ba cháu ngày đó thuộc đại đội đánh đêm nhưng đến năm 1967 bên ta thiệt hại nhiều thì ba cháu được chuyển sang trực ngày và là biên đội trưởng của bọn chú. Biên đội Nguyễn Hữu Tào số 1, Phan Trọng Vân số 2, Nguyễn Phi Hùng số 3 và chú Nguyễn Văn Thọ số 4 đã đánh rất nhiều trận và bắn rơi nhiều máy bay thời gian đó. Cái ngày ba cháu hi sinh là ba cháu và các chú trực từ sáng. Lúc đầu bay lên do dẫn đường chưa chính xác mình bay lên sớm mà địch chưa vào. Mig-17 thì không có tốc độ và độ cao như Mig-21 nên không thể chờ được đành phải hạ cánh. Buổi chiều dẫn đường cho xuất kích muộn lên thì bị động tụi F105 đã vào cắt bom, tụi F4 hộ tống thấy mình lên là ép độ cao. Ba cháu dẫn biên đội kéo về Bắc Giang quần chiến. Mình bắn rơi được 1 chiếc F4 nhưng chú Vân thì phải nhảy dù còn ba cháu thì hi sinh. Biên đội sau đó phải ghép sang biên đội khác. Chú Thọ trong chiến dịch giải phóng miền Nam đã được giao nhiệm vụ tổ chức và huấn luyện học lái A37 để ném bom sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975 góp phần sớm giải phóng đất nước. Chú hiện nay vẫn ở cùng người con trai là không lưu dẫn đường khu vực miền Nam.

Phi công Nguyễn Văn Thọ

Có lẽ trời cũng không phụ lòng mong mỏi, tôi tìm được nhiều đồng đội của ba tôi cùng chung E923. Và cũng có nhiều bạn bè trang lứa cùng hoàn cảnh với tôi. Mọi người đã cho tôi địa chỉ liên lạc với chú Nguyễn Văn Bảy - anh hùng phi công với nhiều huyền thoại về số 7. Nhân dịp chú về dự lễ tại sư đoàn không quân 370, tôi tranh thủ hẹn gặp tại nhà con trai của chú tại đường Đồng Nai, quận Tân Bình. Dáng hơi còng nhưng vẫn đầy chất nông dân, chú thân mật hỏi thăm chuyện gia đình của tôi. Chú kể chuyện mới gặp mẹ tôi nhân dịp trung đoàn 923 khánh thành bia tưởng niệm tại Thanh hoá. Chú không kể nhiều về mình vì chú bảo tao có trình độ văn hoá gì đâu. Học 7 ngày lên 7 lớp thì tụi con biết rồi đó. Cái xe đạp còn chưa đi nổi thì lái máy bay khó lắm. Nhưng mình phải có kiểu, có cách riêng của mình. Chú nói ba tôi và chú là những phi công khoá đầu học lái Mig-17, năm 1965 về trung đoàn 921. Sau đó có nhiều phi công lái Mig-21 từ Liên Xô về thì số anh em lái Mig-17 chuyển về trung đoàn 923 được thành lập sau. Chú cũng nói biên đội ba con Kình Sinh Tào Nhuần nổi tiếng những năm đầu không chiến. Ba con sau về đại đội bay đêm thì ít có điều kiện chiến đấu hơn bọn chú.

Phi công AHLLVT Nguyễn Văn Bảy

Năm 1967, khi một vài phi công có thành tích thì cấp trên không cho bay nữa để giữ điển hình. Năm đó địch thay đổi chiến thuật Không quân ta cũng tổn thất lớn ba con phải chuyển sang trực cả ngày lẫn đêm. Câu chuyện như trầm xuống tôi phải hỏi chú sao chú không ở thành phố mà lại về Đồng Tháp? Chú kể sau khi về hưu chú có về Sa đéc trồng cây làm kinh tế nhưng không thành công. Chú không hợp với cảnh ồn ào trên này nên về quê vui với ao vườn và để cô có điều kiện nghỉ ngơi. Phần đất được đơn vị phân cho chú để cho các con: Hùng là con trai đầu sinh ra năm chú được phong anh hùng 1967. Còn Quân ở phía trong sinh ra nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân. Với chú cái gì cũng như gắn với Quân đội và Không quân. Chú hẹn có dịp về Đồng Tháp nghỉ ngơi và nhậu với chú. Chia tay chú Bảy mong chú giữ gìn sức khoẻ để lần sau tụi con về Đồng Tháp thăm cô chú cùng lội ruộng, bắt cá dưới ao.

Tết Mậu Tuất 2018, Nguyễn Hải Anh