Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Đi đâu – Về quê hay ở lại!

Thứ năm, 28/06/2018 | 22:15
Mấy năm trước đây, nơi ta đang sinh sống, làm việc và học tập chưa hề có dấu hiệu khủng hoảng cũng như dân chợ búa đang gặt hái đều tay trên thương trường sôi động, nghe lời cảnh báo “kinh tế chợ sẽ không phát triển” – đồng nghĩa với ngừng trệ từ cửa miệng một chính khách tầm cỡ trong giới cầm quyền. Chẳng ai tin. Nhưng dần dà về sau, qua mấy mùa lá rụng, bản thân từng nếm chịu bao thăng trầm của những cuộc bể dâu, từ những năm 2014 cho đến nay, ai nấy đều công nhận lời tiên đoán ấy mang tính hiện thực sâu sắc. Để rồi từ đấy câu hỏi “đi đâu – về quê hay ở lại!” trở thành mối lo âu, day dứt trong tâm trạng mỗi người. Trong đó có số phận mấy nghìn người Việt Nam đang buôn bán kinh doanh tại trung tâm thương mại Барабащова – Kharkov.


Chợ rộng, người thưa khó bán hàng

Thật vậy, vào những tháng ngày mùa hè oi ả, nóng bức này, ai đã từng có mặt tại khu chợ bán buôn, bán lẻ lớn nhất miền Đông Ucraina mang tên viện sĩ hàn lâm Барабащова chắc hẳn không khỏi chạnh lòng trước cảnh chợ buồn tênh “vắng người mua, thưa người bán”. Nhiều hôm, “mới giữa trưa vắng vẻ như đã về chiều”. Nhất là hai buổi bán buôn: thứ hai và thứ năm hàng tuần “bãi rộng vắng xe ca từ xa về lấy hàng” khiến lòng người xao xuyến chìm đắm trong hoài niệm: “Bao giờ trở lại ngày xưa ấy!” – Cái ngày mà khách hàng tứ xứ lũ lượt kéo nhau đến Барабащова như trăm sông đổ về biển Đông. Hoặc đôi khi, có bắt gặp những bộ mặt tư lự “trầm cảm” vì “mất nhiều được ít” trong cuộc chơi “bắt đầu và đi lên từ chợ” (chứ không như một vài đại ca gặp may, khi trong tay sẵn có đồng tiền lại nhạy cảm với thời thế đổi thay, nhanh chân về quê, thành đại gia) thì cũng nên cảm thông, mến phục họ, giờ này vẫn bám chợ, vẫn cần cù chăm chỉ sớm chiều bên sạp hàng “kiếm từng xu nhặt từng hào” với niềm tin và hi vọng mai ngày đổi đời, một khi nơi đây đã chọn là quê hương thứ hai. Kể cả tôi, luôn tự nhận và mong mỏi là “Bạn Đồng hành” của mọi người trên mọi tuyến đường dài.

Thượng tuần tháng 6 vừa rồi, trời nắng như đổ lửa. Đoán chợ khởi sắc sau chuỗi ngày trái mùa, tôi tranh thủ đến dãy B2 – nơi có nhiều điểm bán hàng chủ lực “mát mẻ dành cho giới trẻ” xem có gì mới mẻ.

Đang lững thững đi theo hướng đã định, tôi chợt dừng lại khi phát hiện phía trước có một đôi nam nữ: Anh con trai vai nở, bụng thon, dong dỏng cao với chiếc áo sơ mi bó sát sườn, cô gái mông gọn gàng trong chiếc quần soóc ngắn “không thể ngắn hơn” để lộ cặp đùi thon thả “dài tới nách” với nước da trắng ngần, nuột nà chẳng thua kém gì người mẫu. Mải ngắm vẻ đẹp “hút hồn” ấy, bỗng gần chỗ dừng chân có tiếng nói to:

- Anh đánh mất gì mà ngẩn ngơ như bị người tình bỏ rơi ấy!

Giật mình quay lại, nhận ra M – quen nhau từ thuở bán hàng ở chợ Trung tâm, tôi bình tĩnh “chữa cháy” ngay:

- À! Tớ đang tìm những ông chủ chuyên kinh doanh mặt hàng “mát mẻ mùa hè”, góp phần làm tôn thêm vẻ đẹp quyến rũ của con người như đôi nam nữ kia kìa.

- Thế thì mời ông anh đến với em ngay bây giờ đi – M “nhanh mồm nhanh miệng” đáp.

Vui mừng trước cuộc gặp “không hẹn mà lên” này, lại đúng vào lúc đang cần tìm hiểu thông tin, tôi gấp gáp bước nhanh tới chỗ M. Nhẹ chân bước vào cửa hàng. “Mục sở thị” bên vách tường – chừa lối ra vào, treo kín những chiếc áo sơ mi, kể cả bên lề đường giáp với cửa hàng cũng đầy ắp. Mới đôi phút “đảo mắt” ngắm đã cảm thấy “hoa mày chóng mặt” trước bảy sắc cầu vồng cùng hoa văn muôn hình muôn vẻ của các loại áo, tôi thật sự ngỡ ngàng, đặt vấn đề:

- Chỉ riêng số lương hàng hiện diện tại cửa hàng chứ chưa tính đến trong kho, chắc vốn phải bỏ ra nhiều lắm nhỉ?

Gật đầu, M bộc bạch:

- Một khi tự nguyện dấn thân vào con đường thương mại này, người kinh doanh lớn, nhỏ đều phải hiểu đồng tiền quyết định tất cả anh à!

- … và chợ tồn tại ra sao, phát triển như thế nào còn phụ thuộc phần nhiều vào 3 yếu tố khách quan “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nữa phải không cậu? – Tôi cẩn thận bổ sung.

Khuôn mặt “dầu sương dãi nắng” thoáng qua nỗi ưu tư phiền muộn, M trải lòng:

- Vâng, chắc anh cũng đã thấy, những năm gần đây, tình trạng chính trị lẫn kinh tế Ucraina chưa thật ổn định. Dân tình thiếu công ăn việc làm, giá cả thuê công chỗ lại bấp bênh. Thêm vào đó, lạnh bán đồ ấm thì nắng chang chang, đang nắng bán “tít” hàng hè thì trời đổ lạnh, khiến dân chợ búa không biết đường nào mà lần. Mà kêu trời thì “trời cao không thấu”.

Nghe M than vãn, bản thân cũng áy náy, mủi lòng cho cả thân phận mình. Song, với lương tâm và trách nhiệm với anh em bạn bè, tôi cố an ủi, động viên:

- Cậu có tin quy luật “sau cơn mưa trời lại sáng” không?

- Tin quá đi chứ anh. Nếu không, người Việt mình làm sao có thể trụ lại nơi đây, đã trôi qua mấy chục năm trời dài đằng đẵng nơi đất khách quê người, với bao bước thăng trầm của cuộc đời, của kinh tế chợ. Nói rồi, ngừng một lát như thể sống lại bên những kỷ niệm xưa vẫn còn nhớ mãi, M đưa ra hàng loạt những ví dụ cụ thể qua các chặng đường “bi cực thái lai” của mình từ ngày rời Tổ quốc Việt Nam đến Kharkov lao động với bao nỗi nhớ, niềm thương quê hương ra sao. Đấu tranh tư tưởng gian khổ như thế nào mới có nổi quyết định trụ lại mưu sinh nơi xứ người khi chế độ Liên Xô (cũ) tan rã. Tiếp đến là cả một chuỗi ngày “dầm mưa dãi nắng” bươn chải từ chợ Trung tâm đến Trung tâm thương mại Барабащова ra sao. Vượt qua bao cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính chất toàn cầu vào đầu năm 1998, tái diễn nặng nề hơn vào cuối năm 2008. Và cả bây giờ nữa, mặc cho khủng hoảng còn đang gõ cửa từng căn hộ, từng cửa hàng ngoài chợ, dân chợ búa vẫn gắng chịu đựng, vẫn yên tâm buôn bán, kinh doanh, vẫn “cất cao tiếng hát át nhọc nhằn” thì đấy, chẳng phải niềm tin hay sao?

Nghe xong, biết có phát triển thêm quan điểm “con người phải có niềm tin” và chủ đề “đi đâu về quê hay ở lại” với M xem ra bằng “thừa” nên trước lúc chia tay, tôi chỉ cố ướm hỏi:

- Cậu quyết tâm trụ lại nơi đây, bám chợ và đi đến cùng con đường kinh doanh hàng “mát mẻ dành cho giới trẻ” chứ!

Nét mặt trở lên hớn hở, rạng rỡ như đã xua tan bao nỗi nhọc nhằn, vất vả “sớm tối chiều hôm” trên thương trường sống động của đời một con người với cái tên gọi gần gũi, thân thương “dân chợ búa”, M rắn rỏi đáp:

- Chưa dám quả quyết trước. Nhưng nhất định em không rời xa nó.

Hẹn gặp lại M – người công nhân máy kéo năm xưa, nay lại có mặt nơi chợ búa để khẳn định mình là ai trên quê hương thứ hai này. Và rồi, trong tôi chợt sáng dậy niềm tin: mấy nghìn người Việt Nam đang mưu sinh tại Kharkov sẽ cùng một suy tư và hành động như M để góp trí tuệ và sức lực xây dựng một cộng đồng trong sạch và vững mạnh ở chốn này.

Nguyễn Trong Cơ

“Bạn Đồng hành” – Kharkov – tháng 6/2018

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN