Khiến dân chợ búa, kể cả doanh nhân thành đạt theo cung bậc khác nhau đều bồn chồn lo lắng, tính phận mình ra sao!
Thật vậy, vào những ngày hè đẹp trời tháng 6 năm 2019 này, ai đã từng qua trung tâm thương mại Barabashova “Thực mục sở thị” cảnh chợ buồn tênh, thưa bóng người thì lòng vui sao đặng. Hơn nữa, hiện trạng chợ vắng như "Chùa Bà Đanh" ấy đã diễn ra từ mấy năm về trước, kéo dài triền miên đến giữa mùa hạ năm nay. Và, rất có thể tiếp tục cả ngày mai nữa, thì dù cho ai đấy có bản lĩnh vững vàng đến mấy cũng khó tránh khỏi những băn khoăn, âu sầu trước số phận và tương lai của bản thân cùng gia đình, vợ con đang lận đận mưu sinh nơi đất khách quê người.
Bởi thế chăng, câu hỏi nóng hổi “Đi đâu - về đâu” luôn là nỗi niềm, trăn trở nung nấu, sôi sục trong tư duy và hành động mỗi người chúng ta. Để rồi liền mấy tháng qua từ tết Dương lịch 2019 đến tết Cổ truyền dân tộc, dòng người về quê tưởng chừng không ngừng, chảy mãi cho tới tận bây giờ.
Về quê - người tính chuyện định cư lâu dài, làm lại cuộc đời nơi đồng xanh trái ngọt, người cư trú tạm thời chờ đợi và hy vọng nơi đây “Sau cơn mưa trời lại sáng” sẽ khứ hồi. Còn ai trụ lại “Quê hương thứ hai” này là những người có nhiều gắn bó yêu thương không thể dứt áo ra đi được. Tự động viên mình , cùng anh em bạn bè quây quần, đoàn kết giúp đỡ nhau và yên tâm vững bước mà đi là con đường duy nhất đưa ta vượt qua sóng gió cuộc đời.
Vì sao cảnh chợ buồn tênh “người đi kẻ ở”, xa nhau muôn vạn dặm đường với bao nỗi nhớ niềm thương một thời cùng nhau bút sách dưới mái trường, cùng nhau tay kìm tay búa trong nhà máy và trên thương trường sôi động sau ngày hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã. Để có thể giải đáp phần nào câu hỏi mang tính thời sự nóng hổi ấy, xin được chia sẻ đôi lời tâm sự “mộc mạc thôi” của những người đã từng “trải qua một cuộc bể dâu” ấy.
Ảnh sưu tầm
Tuần trước, nhiều lần đến dãy BKH tìm T - anh bạn thân cùng dân Hà Nội, vì lâu ngày không gặp, nhưng lần nào cũng chỉ thấy “cửa đóng then cài”. Chợ vắng tanh vắng ngắt, loanh quanh mãi hỏi ra mới biết hắn nghỉ chợ đã mấy buổi, chuẩn bị “khăn gói lên đường”. Tôi liền quyết định đến căn hộ khang trang của hắn ở khu chung cư, nằm giữa trung tâm thành phố. Chào hỏi xã giao “tay bắt mặt mừng” xong tôi nhẹ nhàng trách “Thế mà chẳng báo gì cho tớ” rồi vào đề luôn:
- Nhiều tháng rồi chợ đuội thật đấy. Nhưng việc làm ăn của cậu vẫn suôn sẻ, hàng xuất nhập vẫn đều như “vắt chanh” sao lại “về quê”? - Ngập ngừng một lát, tôi ướm hỏi: Mà lần này về hẳn hay …
Chả đợi tôi nói hết câu, T cắt ngang rồi nói thẳng ý mình: “Sau bao tháng ngày suy nghĩ, tớ quyết định gia đình về hẳn. Chứ cứ đứng núi này trông núi nọ, mãi đợi chờ “xuông”, xôi hỏng bỏng không có ngày”. Sau đó, chẳng để ý đến đôi mắt ngỡ ngàng của tôi, hắn giải thích cặn kẽ: tình hình chợ búa ngày càng suy yếu, ngoài sự cạnh tranh lành mạnh của các siêu thị tư nhân, hàng “mốt” đúng thời vụ bán “chạy” hơn tôm tươi, quá hạn hạ giá “mạnh” người mua vẫn nhiều, kể cả người Việt mình cũng lần tới khi hợp túi tiền còn là dân tình nơi mình mưu sinh thu nhập thấp. Thêm nữa, ô tô đường xa về Kharkov lấy hàng từ hai tỉnh miền Đông và phía Bắc giảm dần rồi vắng hẳn. Vì thế những buổi chợ “Ốp-tôm” (bán buôn) là của ăn của đề thì nhiều bữa về tay không bởi hiếm khách đường dài. Chợ bán lẻ để chi tiêu hàng ngày thì nhiều hôm chẳng mở hàng. Kết quả dài lâu do kém giao dịch hàng ứ đọng nhiều năm dồn lại tồn tại trong kho, bán dần nuôi miệng thì còn gì nói đến phát triển, nên ai nấy cần phải tỉnh táo chọn đúng đường đi lối lại cho hoàn cảnh riêng mình, tránh “lỡ bước sang ngang” một lần nữa. Trước khi dừng lời, hắn nghiêm túc hỏi tôi:
- Còn cậu. Về hay ở?
Thân tình tôi bộc bạch thẳng:
- Từ lâu, chưa bao giờ tớ nghĩ đến chuyện về. Vì bản thân và gia đình có nhiều ràng buộc với mảnh đất này. Còn là tình yêu nữa thì dễ gì ngày một, ngày hai “dứt áo” ra đi được. Ngần ngừ, chần chừ một lát định nói tiếp, hơn nữa tự dưng bỏ anh em bàn bè một thời chợ búa, vui buồn có nhau ở lại tự chống chọi với đời à … Nhưng sợ hắn động lòng, kịp chuyển sang vấn đề khác, tôi hỏi: Có vé máy bay trong tay chưa?
- Đã. Thứ năm tuần sau cả nhà sẽ “cất cánh”.
- Thế còn cháu lớn đang “học” và “làm” ở nước thứ 3!
Gọn gàng đáp “về tất”, sau đó ngước đôi măt đăm chiêu vì quá đợi chờ, hắn thổ lộ, bọn mình buồn tủi xa quê hương đất nước đã nhiều năm, lúc nào cũng mong một ngày trở về quê tôi trong cảnh gia đình đoàn tụ, sum họp một nhà. Chả nhẽ, nỡ nào để thế hệ thứ hai tiếp tục phiêu dạt nơi xứ người để làm gì. Tiền bạc suy cho cùng cũng là cát bụi.
Thấy hắn nói quá chuẩn, tôi tán thành ngay rồi hồ hởi giao ước:
- Thứ năm, ngày “Ốp – tôm” tới, tớ sẽ nghỉ đến tiễn cậu, vừa giảm đi một nỗi buồn “bán buôn vắng vẻ” lại thêm một niềm vui tình bạn “luôn ở bên nhau”.
Hồ hởi, nắm chặt tay tôi, T hẹn:
- Gia đình tớ đợi cậu!
- Nhất định tớ sẽ đến. Tôi phấn khởi tự tin đáp.
Nhưng tiếc thay, đúng vào ngày chia tay buồn vui lẫn lộn ấy, tôi không thực hiện được lời hứa của mình. Muộn màng chỉ vì đi bằng Metro nên thời gian không chủ động được.
Ra về, lòng buồn tênh vì vắng thêm một thằng bạn thân “Người Hà Nội”. Chợ cũng trống trải thêm khi một cửa hàng nữa không có chủ. Nhưng dẫu sao “về quê” hay “ở lại”, một khi con người luôn có trong mình niềm tin và hy vọng “Sau cơn mưa trời lại sáng” thì nhất định sẽ đạt được những gì mong mỏi và đợi chờ.
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn đồng hành” - Kharkov, tháng 6 năm 2019