Những năm gần đây, có một địa danh nằm trong địa phận của Kinh đô Văn Lang xưa thu hút khá đông đảo người đến thắp hương, tìm hiểu về văn hoá, việc dạy và học thời Hùng Vương. Đó là Đền Thiên cổ (Thiên cổ miếu).
Ẩn mình dưới tán 2 cây táu cổ thụ trên quả đồi nhỏ thuộc thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ, Đền Thiên cổ tương truyền thờ hai vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang, đời Hùng Vương thứ 18, người đã dạy hai công chúa của Hùng Duệ Vương là Tiên Dung và Ngọc Hoa.
Hiện nay ngôi đền này nằm trong quần thể di tích gồm Đình Hương Lan, Lăng mộ ba đô sĩ thời Hùng Duệ Vương và Đền Thiên Cổ đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử ngày 28/01/1999.
“Thiên cổ miếu” và những truyền thuyết
Ngôi đền nép mình dưới hai cây táu.
Thầy giáo Đỗ Văn Xuyền ở thành phố Việt Trì, người suốt 40 năm nay nghiên cứu, tìm hiểu về chữ Việt cổ dẫn chúng tôi đến thăm ngôi đền chậm rãi kể, Thiên cổ miếu từ bao đời nay vẫn được xem là ngôi đền thiêng của người dân làng Hương Lan. Ngôi đền được xây dựng cách đây khoảng 3.000 năm. Ngày xưa, để bảo vệ ngôi đền khỏi sự tàn phá của các thế lực xâm lược ngoại bang và để hai thầy cô được yên nghỉ, người dân đã phải che giấu lịch sử về ngôi miếu này suốt nhiều năm và gọi thác đi là “Miếu hai cô”.
Những bí ẩn của nó được hé mở chỉ cách đây không lâu. Đó là vào năm 1990, ngôi đền không may bị cháy. Trong lúc cố cứu những vật thờ trong đền, người dân Hương Lan đã phát hiện ra cuốn ngọc phả và cả sắc phong vua ban.
Nguồn gốc của ngôi miếu cổ được chép lại trong Ngọc phả, như sau: Vào thời Hùng Duệ Vương (đời Vua Hùng thứ 17), ở đất Mộ Trạch có vợ chồng Vũ Công, thuộc gia đình có học. Cha mẹ mất sớm, cảnh nhà sa sút, hai người lần tìm về đô thành Phong Châu, tới thôn Hương Lan mở lớp dạy học. Dân làng đã cấp cho họ ruộng đất để trả công dạy dỗ. Vợ chồng Vũ Công sinh hạ được một người con trai là Vũ Thê Lang. Khi trưởng thành, Vũ Thê Lang được người bạn cũ của bố là Nguyễn Công ở đất Đông Ngàn – Kinh Bắc gả con gái của mình là Nguyễn Thị Thục – một cô gái nết na, thạo nghề tơ tằm canh cửi. Khi cha chết, Vũ Thê Lang tiếp tục thay cha dạy học, Thục Nương giúp dân nghề nông tang, canh cửi.
Mộ vợ chồng thầy cô Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục.
Tiếng lành đồn xa, nhờ học vấn cao và tận tụy với nghề, sống giản dị và mẫu mực nên Vũ Thê Lang được vua Hùng thứ 18 giao cho chăm nom việc học hành của hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa.
Vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục tạ thế cùng một giờ, một ngày – ngày 2/2 năm Quý Dậu (228 trước Công nguyên) và được chôn cùng nhau. Dân làng Hương Lan lập đền thờ ngay trên ngôi mộ chung đó. Đền và phần mộ của vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang được người dân Hương Lan đã bảo vệ suốt 23 thế kỷ qua.
Trong Đền Thiên cổ, có bức hoành phi nhỏ ghi “Thiên cổ miếu” và hai câu đối bằng bằng gỗ viết chữ Hán: “Hùng Lĩnh trung chi thắng tích/ Nam thiên trích khí linh từ” (dịch là: Đền thiêng thờ người có chí khí mạnh mẽ, lớn lao của nước Nam). Hai bên cửa võng là hai câu đối: “Đạo học nét son ngời Lạc Việt, Văn minh dấu ấn rạng Hùng Vương”. Hoành phi và câu đối trong Đền Thiên Cổ có từ thời Tự Đức năm thứ nhất (1848).
Ngoài ra trong ngôi đền thiêng này còn có những lư hương cổ bằng gốm có từ đời nhà Lý, nhà Lê. Đặc biệt là các pho tượng: Phụ vương, Mẫu vương và hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa cùng hai thị nữ, đã có trên 70 năm.
Bàn thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang.
Ngôi miếu nhỏ đã nhiều lần đổ nát vì thời gian và những khắc nghiệt của thời tiết nhưng luôn được dân làng Hương Lan góp công, góp của xây dựng lại nên vẫn uy nghiêm đứng vững đến nay.
Hưng thịnh nền giáo dục thời Hùng Vương
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam là Văn Miếu đến năm 1075 mới được thành lập. Nhưng những gì được lưu giữ tại đền Thiên Cổ đã minh chứng cho sự tồn tại của một nền giáo dục hưng thịnh thời Hùng Vương.
Nhà nghiên cứu chữ viết cổ Đỗ Văn Xuyền cho rằng, tuy những nghiên cứu khảo cổ chưa tìm được chính xác nền giáo dục nước ta thời đó phát triển đến mức nào, nhưng có thể khẳng định từ thời Hùng Vương, người dân Đại Việt đã có truyền thống hiếu học và chúng ta đã có chữ viết riêng để phục vụ việc học.
Bức hoành phi viết bằng chữ cổ trong Thiên Cổ miếu.
Ông Xuyền cũng cho biết, theo một cuộc điều tra của Pháp những năm 30 về hệ thống đền, đình ở nước ta (tài liệu vẫn còn lưu trữ ở Viện Hán – Nôm), thì toàn miền Bắc và miền Trung có hơn 40 đền thờ các thầy cô giáo và những học trò thời Hùng Vương đến thời An Dương Vương.
Bản thân ông Xuyền cùng các nhà nghiên cứuđã tìm được một danh sách 18 thầy giáo thời Hùng Vương, những người đã đào tạo ra hiền tài cho các Vua Hùng thời đó như: Thầy Lý Đường Hiên, thời Hùng Vương thứ 6, dạy ở Yên Vĩ, huyện Hoài Nam, phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam (nay là Ứng Hoà, Hà Nội); thầy Lỗ Công, thời Hùng Vương thứ 9, là cháu ngoại vua Hùng Định Vương, dạy ở kinh thành Văn Lang… Đến nay vẫn còn đền thờ của các thầy giáo và học trò của họ tại nhiều nơi ở miền Bắc đất nước.
Đền Thiên Cổ không chỉ là một di tích văn hóa có giá trị của đất nước mà còn là khu du lịch văn hóa tâm linh đối với du khách trong nước và quốc tế. Sự hiện diện của ngôi đền cổ tại đây cho thấy Việt Nam đã có một văn hiến lâu đời và truyền thống tôn sư trọng đạo quý báu của nhân dân ngay từ thời dựng nước.
Đền Thiên cổ đã vinh dự được đón nhiều vị lãnh đạo Nhà nước tới thăm. Đặc biệt, tên tuổi của thầy Vũ Thê Lang – người thầy giáo tài cao đức trọng được lưu truyền từ thời Vua Hùng thứ 18 đã vinh dự được đặt cho một ngôi trường THPT ở thành phố Việt Trì, cách miếu 4 cây số.
Theo VOV