Anh từng sinh sống, kinh doanh trong ngành thương nghiệp ở thành phố Kharkov chừng 20 năm trời đằng đẵng - bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ 20 đến khoảng trước sau 10 năm đầu thế kỷ 21. Và rồi, ngần ấy thời gian, bằng lương tâm và trách nhiệm từ con tim biết yêu thương đồng loại cùng một kiếp người, anh đã góp sức lực, trí tuệ nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần qua những thành tựu văn hóa, kinh tế của cộng đồng Việt Nam đang mưu sinh tại chốn này. Vì thế, dù rằng đã trên dưới 10 năm, anh về quê và tiếo tục sự nghiệp, “làm cho đời nở hoa” nhưng chúng ta ở nơi đây vẫn nhớ anh qua những “dấu ấn một thời, để đời mai sau” trong tình cảm mến phục và tự hào. Đó là Nhà hàng Thăng Long - trung tâm ẩm thực cổ truyền dân tộc, quy mô hoành tráng theo kiến trúc Á Đông, sừng sững một khuôn viên rộng lớn, có một không hai ở UCRAINA - nằm trên đại lộ Geroev Stalingrada 45 - Kharkov phát triển, tồn tại cho đến tận bây giờ, trong tầm mắt ngưỡng mộ của người dân bản xứ.
Tiếp đến, nhắc đến anh Vượng, ai cũng nhớ đến trung tâm giáo dục và đào tạo -trường tiểu học, Nhà trẻ Mùa Xuân: kiểu mẫu dạy tiếng Việt cho lớp trẻ sinh ra và lớn lên tại nơi xứ lạ người xa và, cũng thực hiện lời Bác dạy “dân ta phải biết sử ta, tiếng Việt còn thì nước Việt còn”. Nhớ những lần đến “Mùa Xuân” nghe các cháu nhỏ trò chuyện, hát hò rõ nét âm hưởng ngôn ngữ Việt trong tâm hồn. “Thế giới trẻ thơ”, thấy lòng mình ấm hẳn, nhớ quê hương đất nước muôn vạn lần.
Sau là Chùa Trúc Lâm kín đáo, thanh tao nằm sát khu chung cư người Việt với tên gọi thân thương “Làng Việt Nam”. Để rồi hàng năm vào ngày lành tháng tốt lẫn lễ Phật giáo cổ truyền, chúng sinh cùng Phật tử, đạo tràng không riêng Kharkov mà từ Kherson,.. kéo nhau về chùa thắp hương đốt nhang xin Đức Phật Tổ đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn ban cho phước lành.
Thêm nữa, cần phải kể đến, mì ăn liền vuông thành sắc cạnh mang tên MIVINA (mì Việt Nam) được đông đảo người dân UCRAINA ưa chuộng, cần thiết hàng ngày. Kể cả mấy năm trước, chủ hàng sản phẩm là người ngoại quốc nhưng thương hiệu MIVINA vẫn giữ vững trên thương trường, vẫn giữ nguyên vẹn suy tư là của người Việt Nam trong tình cảm dân bản xứ.
Nhớ, hôm vừa rồi, trong siêu thị ATB, tình cờ gặp một người địa phương sống cùng tầng ở khu chung cư, lúi húi xếp đầy túi những gói mì MIVINA xong đâu đấy ngắn gọn chào, tôi hỏi luôn “ну как?” (thế nào). Hiểu ý tôi, anh bạn đáp ngay “прекрасно” (tuyệt vời). Giọng phấn khởi như thể trả lời thay cho muôn triệu khách hàng người UCRAINA bấy lâu yêu quí, tôn trọng Việt Nam. Và, có lẽ cho cả người Việt chúng ta nữa. Phải không các bạn?
Những ngày này, thế giới còn đang bị dịch Covid 19 đe dọa, карантине còn đang phong tỏa khắp mọi nơi - nhắc đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng là chúng ta nhớ đến chuyến bay tình nghĩa ngày 29 tháng 3 năm nay do Vingroup và anh tài trợ toàn phần. Nhân đây, chắc chẳng ai quên tháng 1 năm 2009, Tập đoàn Technocom mà anh Vượng là chủ tịch đã tài trợ lớn cho chuyến thăm Việt Nam của 11 cụ Cựu chiến binh Xô viết (từng công tác tại Việt Nam vào thời kỳ chống Mỹ, cứu nước) sau hơn 40 năm xa cách trong chương trình “Đồng đội - ngày gặp lại” càng làm cho ta cảm kích hơn trước tấm lòng nhân ái, đầy vị tha của những con người nhân hậu ấy.
Ngồi nhà, lục lại ký ức xưa, 26 năm làm công tác cộng đồng (1994-2020), nhớ Vượng (từ ngày đầu quen biết tôi thường gọi anh như thế), tôi viết mấy dòng tâm sự này, muốn bày tỏ đôi lời phần vì “tâm phục khẩu phục” anh - một thời là chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam toàn UCRAINA (15/04/2005-15/04/2007) mà tôi - Phó giám đốc công ty Hữu Nghị là hội viên. Người sáng lập và chủ Nhà hàng Thăng Long là anh mà tôi là cổ đông, từ năm 2005. Phần vì mong mỏi ai cũng như tôi thấy rõ hơn cái “Tâm” luôn vì “nghĩa cả việc chung” trên phương châm “Lá lành đùm lá rách” của Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, rất đáng được ngàn đời luôn khắc ghi.
Hy vọng một ngày không xa, tỷ phú Phạm Nhật Vượng và những đại gia thành đạt khác về thăm Kharkov, gặp lại bạn bè xưa cùng những dấu ấn cũ mà họ bắt đầu và đi lên từ ấy.
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành”_Kharkov. Tháng 5-2020