Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Dân chợ búa thuở ban đầu

Thứ ba, 30/10/2018 | 11:01
Vốn có nhiều kỷ niệm sâu sắc, gắn bó với chợ Trung tâm từ thập niên 90 thế kỷ trước, rồi Trung tâm thương mại Барабашова (1996) cho đến tận bây giờ, tôi nảy sinh ý tưởng ghi lại đôi điều tâm sự, vài dòng suy tư “Tai nghe mắt thấy” và bản thân từng trải nghiệm những khó khăn, vất vả qua bao bước thăng trầm mà người Việt mình đụng độ khi khoác tấm áo “dân chợ búa” từ thuở ban đầu.

Ngày ấy…

Dĩ nhiên tôi không thể biết hết những ai là công nhân Việt Nam thuộc 9 đơn vị lao động tại nhà máy Búa Liềm, Xây dựng thủy lợi, Động cơ máy kéo, Vòng bi, Sợi chỉ đỏ, Điện cơ, Ánh sáng người thợ mỏ, Giày da và Sợi cáp ở lại Kharkov sau ngày Liên Xô cũ ta rã (1991) và những ai có mặt tại chợ Trung tâm. Nhưng chỉ biết rằng, mấy trăm người bên sạp hàng khi thì ở khu đất tuềnh toàng nằm sát bến tàu điện nổi lẫn ngầm trong lòng đất, khi thì ở dãy bàn đá tạm bỏ trống của dân địa phương bán rau xanh, hoa quả tươi và, cuối cùng là mảnh đất chạy dài ven bờ sông, phần lớn “gốc” là công nhân, tới tháng 6 năm 1996 chuyển về “thủ phủ” trung tâm thương mại mang tên viện sĩ hàn lâm Барабашова.

Vào thời điểm phôi pha ban đầu ấy, nếu ai chưa từng chứng kiến hoặc va chạm thực tế chắc khó có thể hình dung nổi cảnh tượng dăm ba chục người Việt đứng thành hàng, vai sát vai (vì sợ cướp giật) bán từng đôi tất chân, găng tay đến áo phông, quần bò. Mặc cả từng xu, bớt từng hào cốt “đẩy” đi bằng được chiếc đồng hồ điện tử, chiếc thắt lưng giả da, hốp phấn, thỏi son (Tàu)… để mưu sinh trong thời quá độ, tiến thoái lưỡng nan trước hai con đường về quê hay trụ lại Kharkov thành quê hương thứ hai dài lâu.

Lại cũng khó cảm thông hết những gian truân mà người đi chợ bán hàng phải hy sinh giấc ngủ yên lành, dậy từ ba, bốn giờ sáng tất tưởi hành trang đến thương trường với bao lo âu trước sự đe dọa của bọn cướp “đầu đen” bất cứ lúc nào cũng có thể đột kích, trấn lột trên đường hoặc tại bến xe vắng người, với những thấp thỏm thiếu chỗ bán hàng cho đến khi đứng lên chiếc bàn sắt dài kê san sát nhau, rộng không quá 80 cm. Riêng phận mỗi người là một mét, mới thở phào nhẹ nhõm, yên tâm cho tới chiều tà… Để rồi, ngày hôm sau lại chuẩn bị tư thế cho cuộc “chiến” mới chẳng hề biết trước. Ấy là chưa kể đến sự chấp nhận “bằng lòng” với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt “đầu đội trời, chân đạp đất”, mưa nắng, bão tuyết thất thường.

Ngày ấy, tôi cũng đã từng “liều” khoác ba-lô trên vai theo anh em, bạn bè vốn là công nhân Ánh sáng người thợ mỏ, cư trú tại ký túc xá Коломенская đi “Mát” lấy hàng. Và, mỗi lần “vượt biên” chúng tôi phải đối phó với nhiều công đoạn sao cho “thuận buồm xuôi gió” đi đến nơi về đến chốn như từ việc phải tuyệt đối giữ bí mật giấu tiền mang theo người bằng cách nào, phải luyện cách nhảy từ trên tàu xuống đất trước ga chính một bến để tránh sự kiểm soát của nhân viên hải quan ra sao, khi đến thủ đô rồi phải chờ nhau đi chung taxi để tránh biến cố có thể xảy ra. Vào “đôm 5” tranh thủ chọn hàng rồi vội vã ra về như thế nào. Sau đó, chiều tà lại hấp tấp ra ga khứ hồi về Kharkov. Nặng trĩu bịch hàng cao vượt đầu, thuê công an địa phương áp tải dẫn cả nhóm vào tận sát đoàn tàu rồi mà vẫn phải nghiêng ngó, dõi theo xem người đi phía cuối có bị bắt cóc không. Cuối cùng, nằm trong toa tàu rồi vẫn bồn chồn, thao thức qua đêm tới sáng. Về tới ký túc xá mới cảm thấy an toàn, nhẹ nhõm tâm hồn. Sáng sớm hôm sau đã có mặt tại chợ ồn ào, sôi động. Hàng trao tay, tính toán lãi lờ chuẩn bị tiếp tục cuộc hành trình quay vòng đến chóng mặt vì cơm áo gạo tiền mà giờ đây mỗi lần nhớ tới, ngẫm lại vẫn còn thấy rợn người, sởn tóc gáy.

Ngày ấy… giữ mãi trong ký ức tôi lần quyết định theo anh bạn thân ra chợ Trung tâm bán hàng với tư cách là người giúp việc, học hỏi công nghệ mới này để dọn đường cho mình bước vào thương trường như chiến trường. Tự lập kiếm sống bằng nghị lực và ước mơ riêng tư khi kinh tế chợ đã bắt đầu nhen nhóm cho ai muốn bay bổng. Hôm nào cũng vậy, sáng sớm tinh mơ, khi trăng sao trên trời chưa kịp lặn tôi đã có mặt tại ký túc xá Коломенская – nơi anh ta cũng bạn bè là công nhân Ánh sáng người thợ mỏ cư trú, không xa căn hộ của gia đình tôi là mấy. Phương tiện ra chợ hoặc đi tập thể hàng mấy chục người bằng ô tô buýt thuê riêng cả chuyến hoặc taxi tay đôi tay bốn cho an toàn nhiều thứ lại vui vẻ trẻ trung, có anh có em về cùng một bến bãi.

Mỗi ngày anh bạn tôi chỉ mang hai bịch hàng ra chợ. Bán buôn bán lẻ chừng vài tiếng đồng hồ là có thể xách giường gấp (vì không có bảo vệ trông đêm), khoác túi rỗng “khứ hồi” trong bài ca hy vọng. Hãn hữu lắm mới có hôm ra về vào lúc mặt trời còn rọi ánh nắng gay gắt trên đỉnh đầu, đã cho là muộn. Bù lại những ngày này, nhiều buổi bước vào chợ tranh tối tranh sáng đã gặp ngay Vũ Trọng Phụng (tác giả tiểu thuyết “Số đỏ”) bán một “lèo” hết liền 2 bịch hàng cho khách “xộp” đường xa tới mua buôn. Những lúc ấy, anh bạn tôi cũng định lao về ốp lấy hàng bán tiếp. Nhưng lại thôi, phần vì ngại đường xá xa xôi phần vì nhường lại “các” chỗ giá vẫn hời (bởi cung ít hơn cầu) nên thường là rủ tôi cùng nhau về nhà luôn. Và, thật thú vị cả hai đều không quên ghé qua magazin mua một chai vodka “không phẩy năm” lít dùng vào bữa cơm trưa cho ngon miệng lại tăng thêm nhiệt huyết yêu nghề của dân chợ búa.

Dần dà mấy tháng sau, khi đã chủ động “tự lực cánh sinh”, tôi trở thành ông chủ “bé” chuyên bán son phấn, bút chì… với hai túi xách tay nho nhỏ dành cho giới trẻ là những cô gái Ucraina duyên dáng, dịu dàng.

Cuộc sống cộng đồng cứ đơn điệu như thế mãi cho đến ngày Hội đồng hương Việt Nam ra đời (1994), trung tâm thương mại Барабашова hình thành (1996) mở ra một trang sử mới cho người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại Kharkov với bao niềm tin và hy vọng đồng hành không ít khó khăn, vất vả đợi chờ ở phía trước.

Kể lại chút ít cuộc đời “kiếm miếng cơm manh áo” của lớp đàn anh “dân chợ búa thuở ban đầu” ấy, những mong mọi người, nhất là thế hệ trẻ cảm nhận được những thuận lợi hiện thời, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, để mà tu chí làm ăn góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc xây dựng một cộng đồng trong sạch và vững mạnh trên mảnh đất này, cùng niềm tin vào ngày mai sẽ sáng ngời.

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành” – Kharkov cuối tháng 10/2018


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN