Điểm đầu tiên mà Đại sứ Nguyễn Anh Tuấn đặt chân đến trong chuyến đi lần này là Địa đạo Catacombs Odessa nổi tiếng.
Đại sứ Nguyễn Anh Tuấn tại bia lưu niệm Catacombs Odessa.
Catacombs Odessa là một mạng lưới đường ngầm nhân tạo nằm không xa thành phố Odessa. Với tổng chiều dài ước tính khoảng 2,5 nghìn km, Catacombs Odessa là một trong những địa đạo dưới lòng đất lớn nhất trên thế giới hiện nay.
Về yếu tố tự nhiên hình thành địa đạo, theo lời bà Sveta - Hướng dẫn viên du lịch kể, cách đây khoảng 5 triệu năm, vùng đất đá vôi này nằm dưới mực nước biển. Trải qua quá trình phát triển của trái đất, mực nước biển xuống thấp hơn hiện nay. Khi nước rút đi đã tạo thành các khe đá vôi ngầm dưới lòng đất.
Đoàn chuẩn bị vào đường hầm.
Tuy nhiên, Địa đạo Odessa được hình thành do con người từ khi bắt đầu xây dựng thành phố Odessa vì nhu cầu vật liệu xây dựng - đó là đá vôi.
Bà Sveta cho biết thêm, Địa đạo mà Đại sứ và Đoàn du khách ĐSQ đang có mặt là Làng Ysatovo - Một trong 12 điểm mà du kích Odessa làm căn cứ trong thời gian bị Phát xít chiếm đóng. Độ sâu của địa đạo từ 5 đến 30 - 35 mét, gồm 3 tầng, chiều cao mỗi đường hầm khoảng 2 mét. Nhiệt độ trung bình ở dưới địa đạo là từ 10-12 độ C, không phụ thuộc vào mùa đông hay mùa hè.
Chốt phòng thủ địa đạo.
Với cung đường trải dài 700 mét, từ điểm bắt đầu ở độ sâu 5 mét, đoàn được bà Sveta giới thiệu và cho xem phòng ở nam, phòng ở nữ, nhà bếp, phòng tắm, phòng chỉ huy, phòng khí tài, chốt phòng ngự, phòng y tế, giếng nước, phòng học và hệ thống đường hầm. Nhìn chung, tuy thiếu thốn và đơn sơ nhưng trong bối cảnh chiến tranh, tại đây vẫn có những điều kiện tối thiểu để duy trì sinh hoạt gần 100 du kích.
Ánh đèn điện yếu ớt đủ để thấy đường đi, bỗng nhiên chúng tôi bắt gặp phía trước những tia nắng mặt trời. Khi lại gần, chúng tôi phát hiện một giếng nước sâu trong vắt. Hướng dẫn viên tiếp tục kể, miệng giếng này nằm trong sân vườn của ngôi nhà phía bên trên. Giữa miệng giếng và đáy có một vách thông với đường hầm địa đạo mà nếu nhìn từ miệng giếng không thể thấy vách này. Nhờ đó, du kích có thể nhận tin tức, tiếp viện thực phẩm từ bên trên qua chiếc gàu múc nước.
Khi đến một vách rộng, trước thắc mắc của đoàn về những viên đá vôi được xếp thành 3 dãy bàn ghế với chiếc tấm bảng học treo trên vách, bà Sveta giải thích đây là phòng học dành cho con em trong làng bên trên lúc bấy giờ.
Chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng khu di tích.
Đến điểm cuối cùng dưới độ sâu 15 mét thì chúng tôi bước lên 70 bậc thang, nhiệt độ không khí cũng nóng lên theo từng bậc, đoàn lên Nhà bảo tàng các chiến sỹ du kích. Tại đây, đoàn bắt gặp và chụp ảnh lưu niệm cùng với du khách Israel.
Tượng đài tưởng niệm các chiến sỹ du kích Catacombs Odessa.
Xúc động sau khi tham quan địa đạo, Đại sứ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, với những chiến tích lẫy lừng của quân du kích Odessa, Đia đạo Odessa là chứng tích ghi lại một thời chiến tranh khốc liệt và hào hùng của dân tộc Ucraina. Đến nơi này, được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm cuộc sống thời chiến, Đại sứ Nguyễn Anh Tuấn nhận thấy người dân Ucraina có truyền thống yêu nước, giàu nghị lực, và tinh thần luôn biết vươn lên để chiến thắng số phận. Từ đó, Đại sứ tin rằng, khi tình hình tại đây đi dần vào ổn định, Ucraina sẽ nhanh chóng phát triển và phồn vinh.
P/v Người Việt Odessa