Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Đã đến lúc cần phải “Muôn người như một”!

Thứ bảy, 19/01/2019 | 01:35
Xưa kia, cha ông ta biết lấy dân làm gốc, tạo nên sức mạnh. Nay ta cũng vậy, nhưng dân cũng phải biết dựa vào ai, hy vọng ai để tồn tại vững bền và dài lâu.

Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ những tháng năm chống ngoại xâm thời phong kiến kéo dài hàng thế kỷ đến hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi hoàn toàn (30 tháng 4 năm 1975) cho tới ngày nay hòa bình được xây dựng, dường như ai cũng đã nhận ra chân lý, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thắng lợi vĩ mô ấy là sức mạnh đoàn kết, nhất trí của toàn dân, là sự hi sinh cao cả của cha anh, là sự đóng góp vô hạn cả về tinh thần lẫn vật chất của mỗi thành viên trong xã hội, là sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Bác Hồ kinh yêu, của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

Kết quả hình ảnh cho đoàn kết là sức mạnh

Có hiểu được như vậy, có nắm được như thế ta mới thấm thía sâu sắc hai tiếng “Tự do” ngọt ngào, mới cảm nhận hết thấy hơi ấm tình người, mới xúc động chân tình khi có miếng cơm manh áo để rồi tự hỏi lòng mình: Lẽ nào cứ thờ ơ đứng ngoài cuộc sống, cứ đắm mình trong vụ lợi cá nhân, cứ lo toan tính toán cho bản thân mà trốn tránh nghĩa vụ với Tổ quốc, mà lãng quên trách nhiệm với đồng bào mà chôn vùi vào những ước mơ ảo tưởng về tương lai. Tính sao, khi ta còn là dân nước Việt, còn mang trong mình dòng máu “con Rồng cháu Tiên” thì nhất thiết con tim và tấm lòng phải rung động, hơi thở phải hòa nhịp vào sức sống chung theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam anh hùng.

Nhân đây, chợt nhớ lại “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo viết vào lúc giang sơn lâm nguy, có đoạn:

“… có kẻ lấy việc chọi gà làm vui, có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình, có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ, có kẻ thích rượu ngon, có kẻ mê giọng hát. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc. Mẹo cờ bạc không đủ mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng. Vợ con bận không ích gì cho việc quốc dân. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc. Chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết. Giọng hát réo rắt không làm điếc tai. Lúc bấy giờ Chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các người cũng thuộc vào tay kẻ khác, chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị bắt đi, chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các người cũng bị kẻ khác bới đào, chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tiếng xấu còn lưu mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận. Lúc bấy giờ dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích phỏng có được chăng?...”.

Đọc xong, ngẫm nghĩ mới thấy cha ông ta ngày xưa ấy đã chú trọng biết mấy công tác tư tưởng, khích lệ quần thần sẵn sàng “xả thân cứu nước”. Suy ra, thật tuyệt vời, trong hai cuộc kháng chiến thần thành vừa qua, Đảng và chính phủ ta, đặc biệt là chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã biết lấy dân làm gốc, đã đưa cuộc chiến tranh nhân dân đến thắng lợi hoàn toàn, tới đài quang vinh của đỉnh cao muôn trượng: Giang sơn thống nhất một nhà.

Về điểm này, trang 68 trong “Tuyển tập 105 lời nói của Bác Hồ” (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 1995) ghi lại:

“… Ngày 05/04/1948 Hồ Chủ Tịch viết 12 điều răn gửi anh chị em bộ đội, cơ quan chính phủ và các đoàn thể, yêu cầu mọi người ai cũng cần phải nhớ và thực hành khi tiếp xúc hoặc sống chung với dân, Bác căn dặn: “Nước lấy dân làm gốc”. Trong cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở nhân dân”.

Qua đây, càng thấy rõ, các vị hiền nhân quân tử của bao thời đại trước đến bây giờ đã khéo léo đưa vai trò quần chúng vào công việc nhà nước quan trọng biết chừng nào, đã khơi dậy niềm tin vĩnh cửu, lòng tự hào bất khuất của toàn dân để mọi người hăng hái tham gia xây dựng đất nước ra sao. Ngẫm xưa nghĩ nay, nhất là vào những ngày này, khi ta đang sinh sống, làm việc và học tập nơi đất khách quê người đã xác định rõ chưa! Lương tâm và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với tập thể cũng như ý thức đóng góp xây dựng một cộng đồng trong sạch và vững mạnh theo chủ trương của Hội.

Điểm lại tháng năm qua, kể từ ngày Hội người Việt Nam, Hội đồng hương của các tỉnh thành ở Ucraina có người Việt mưu sinh, có người lao động nào không cảm thấy yên tâm trong buôn bán, kinh doanh, có đôi lứa nào chẳng thấy ấm áp trong tình yêu, có cặp vợ chồng nào chả nhận ra hạnh phúc gia đình, có cháu nhỏ nào không đậm giấc ngủ qua đêm… Ấy thế mà có phải đâu ai cũng hiểu hết những thuận lợi có trong tầm tay từ đâu, có phải đâu ai cũng nhận ra bầu trời yên bình, công bằng bác ái mà các tổ chức xã hội ấy đã bỏ bao công sức vún vén, giữ gìn dành cho người đời hưởng! Để rồi, vẫn còn số ít người đang đứng ở ngưỡng cửa Hội còn chần chừ, lùi bước, trốn tránh trách nhiệm xây dựng mái nhà chung cộng đồng Việt Nam.

Hơn lúc nào hết, vào thời điểm này: năm 2019 – nơi ta đang sống còn nhiều khó khăn trở ngại, mỗi người nên tự hiểu thấu đáo hơn cụm từ “Muôn người như một” và hành động kịp thời tạo nên sức mạnh tập thể để có thể vượt qua những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài nhằm ổn định cuộc sống bền lâu tại Ucraina quê hương thứ hai đã nằm sâu trong ký ức tuổi thơ.

Xưa kia, cha ông ta biết lấy dân làm gốc, tạo nên sức mạnh. Nay ta cũng vậy, nhưng dân cũng phải biết dựa vào ai, hy vọng ai để tồn tại vững bền và dài lâu.

Suy cho cùng, đã đến lúc phải chung sức chung lòng muôn người như một mà trước hết mỗi người Việt Nam cần tự hiểu và phấn đấu trở thành hội viên Hội người Việt Nam, Hội đồng hương để góp phần xây dựng cuộc sống ổn định lâu dài và hợp pháp tại nơi đây – xứ sở này.

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành” – Kharkov tháng 01/2019


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN