Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Đã có ngần ấy tháng năm…

Thứ năm, 26/09/2019 | 23:17
Tháng ngày hững hờ trôi đi theo dòng thời gian, không bao giờ trở lại. Nhưng những kỷ niệm xưa ghi sâu trong trái tim con người, một khi đã có ngần ấy tháng năm sẽ chẳng thể nhạt phai như anh chị em công nhân Việt Nam sinh sống và làm việc tại thành phố Kharkov, theo hiệp định kinh tế giữa 2 nhà nước Việt Nam và Liên Xô cũ chẳng hạn.


Trung tâm thương mại Барабашова những năm 1996-1997.

Tính từ cuối năm 1982 – đầu tiên là đơn vị công nhân xây dựng thủy lợi, tiếp theo là Búa Liềm, Động cơ máy kéo, Sợi chỉ đỏ, Vòng bi, Điện cơ, Giày da, Dây cáp, rồi Ánh sáng người thợ mỏ, tới nay (2019) đã qua đi 37 năm trời đằng đẵng.

Ngần ấy tháng năm với bao biến động khôn lường của thời cuộc. Đặc biệt, sau thập niên 90 của thế kỷ trước khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, nhà máy đóng cửa dần, công nhân thất nghiệp theo, trong đó có người Việt mình, dẫn đến bao đổi thay. Ai có điều kiện kinh tế thì khăn gói về quê làm lại cuộc đời. Ai chỉ còn “hai bàn tay trắng” thì trụ lại mưu sinh, gây dựng cơ đồ bằng con đường chợ búa. Thế là, “Chợ Việt Nam” nhóm lên từ Trung tâm thành phố (khoảng năm 1992), tiếp đến, quy hoạch hóa theo tiêu chuẩn Châu Âu tại Trung tâm thương mại Барабашова (1996) chợ bán buôn bán lẻ lớn nhất miền đông Ucraina, tồn tại cho đến tận bây giờ.

Qua đi ngần ấy tháng năm, dù cho vấp phải bao khó khăn, vất vả bao gian khổ, thăng trầm trên thương trường sống động, mọi người vẫn bền lòng, đồng tâm nhất trí, sát cánh bên nhau thành một khối thống nhất dưới sự lãnh đạo của Hội đồng hương Việt Nam tỉnh Kharkov (1994), Hội hữu nghị văn hóa và thương maị Việt Nam-Ucraina (1997) trước đây đến Hội Việt Nam tỉnh Kharkov (1998) tới hiện giờ.

Thật vậy, có nắm chắc mấy nét lịch sử cận đại đó thì may chăng chúng ta, nhất là thế hệ thứ hai và tiếp nối mới hiểu những bước đi qua từng chặng đường, những cung bậc của thời gian cũng như những gì đang có trong tầm tay mà trân trọng, tự hào.

Tâm đắc với suy tư mối quan hệ giữa con người với thời gian cùng sự tồn tại và phát triển qua tháng năm như thế nào, tôi nảy sinh ý tưởng gặp gỡ anh em bạn bè trao đổi cho sáng tỏ hơn.

Vừa nghe tôi thổ lộ dăm ba điều về chủ đề này, T – vốn công nhân nhà máy “Ánh sáng người thợ mỏ” (ngày 23-8 vừa tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm 1999-2019), qua tiếng thở dài, giọng đầy hoài niệm.

- Nhanh quá. Ngoảnh đi ngoảnh lại, mấy chục năm trời đã trôi qua. Nhiều lúc đứng trước gương, nhìn mái tóc dày mà lòng buồn ngao ngán, luyến tiếc tuổi trẻ qua đi không bao giờ trở lại.

Thương cảm cho cả chính mình, tôi tìm lời an ủi:

- Quy luật tạo hóa ấy chung cho mọi người, chứ đâu riêng cậu. Hơn nữa, cậu đã chả từng đã đặt vấn đề, chả hiểu vì sao thời nay lắm bạn trẻ, tuổi con xuân xanh mà đầu đã lẫn lộn hai thứ tóc, chứ đâu phải riêng U6 chúng mình!

- Ừ thì cứ cho là như vậy đi. Ngừng một lát, T thầm lặng bộc bạch, nhưng dẫu sao, theo tớ, mỗi sợi tóc trắng là hậu quả của những tháng ngày “Một nắng hai sương” trên thương trường, của những buổi bán buôn “thâu đêm suốt sáng” trước đây, và hiện nay, những lo lắng bồn chồn đợi chờ hàng vào vụ, thu nhập có đủ chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày hay không? Cùng “trăm thứ bà rằn” khách quan lẫn chủ quan nữa. Phải không cậu?

Tôi mỉm cười gật đầu tán thành rồi cũng trải lòng:

- Ngẫm bản thân, tớ thường nghĩ, những nếp nhăn chạy dài theo đuôi mắt, đôi bàn tay đầy chai sạn là dấu ấn của những chuỗi ngày bươn trải nơi chợ búa là những tháng ngày vật lộn với sóng gió cuộc đời. Kể cả giờ đây, ai có căn hộ riêng khu chung cư đông người, cửa hàng khang trang “vững vàng ngoài chợ hoặc xe hơi bóng nhoáng là kết quả của đức tính chăm chỉ, cần cù bền bỉ dẻo dai đổ mồ hôi sôi nước mắt” ngần ấy tháng năm qua, chứ đâu phải tự dưng có!
- Kể cả tình bạn keo sơn “Người với người là bạn” và nghĩa tình “Buôn có bạn bán có phường” của dân chợ búa trong suốt quãng đường dài qua nữa. T bổ sung thêm cho thấu đáo, rồi hỏi tôi, cậu thấy thế nào?

- Quá chính xác. Ngắn gọn trả lời xong, tôi thổ lộ thêm một vài suy tư thầm kín trong con tim mình, những gì ta có trong tầm tay hôm nay, sự yên bình của cộng đồng ta sinh sống, làm việc và học tập ở Kharkov này cũng như ở Ucraina nói chúng cần phải điểm tới sự quan tâm đúng đắn của Đai sứ quán Việt Nam tại Kiev, mối quan hệ khăng khít như “Răng với môi” giữa Hội và hội viên nữa.

Vừa nghe hết câu, ánh mắt rực niềm tin, T khẳng định:

- Chân lý sáng ngời ấy, ai cũng hiểu và cùng quan điểm những gì có được hôm nay là kết quả phấn đấu, tự cường từ bao năm về trước. Vì vậy, cần phải giữ gìn nó như bảo vệ con mắt mình.

Đầu mùa thu, hôm vừa rồi mấy chúng tôi tụ tập tiễn T về quê, tôi bâng quơ hỏi:

- Cậu mua vé một chiều hay…

Chả kịp để tôi nói hết câu, T đáp gọn lỏn:

- Khứ hồi nữa chứ!

Cảm thấy nhẹ nhõm hẳn, tôi dốc bầu tâm sự:

- Những năm gần đây, nơi mình mưu sinh kinh tế chưa thật thuận chiều, nhiều buổi chợ “vắng người mua thưa người bán”, nhiều hôm sáng đến chiều về không hề Почин (mở hàng) khiến lượng người rời chốn này, đông dần. Đa số chỉ mua vé lượt đi. Còn cậu, lạc quan quá đó.

Lắc đầu đáp “không hẳn như vậy”. Sau đó, T nghiêm túc giải thích:

- Thú thật. Đơn giản bởi tất cả những gì mình có trong tầm tay, tình yêu thậm chí cả hạnh phúc gia đình nữa đều do sức lực, trí tuệ qua bao tháng năm phấn đấu, đợi chờ dường như đều ở bên này. Phải biết quý trọng nó chứ! Nói xong, ghé sát tai tôi, thì thầm, còn một điều, không kém phần quan trọng nữa là, phần đông đồng hương, đồng nghiệp, xuất xứ từ giai cấp công nhân, sang đây cùng một chuyến tàu vẫn trụ lại, đồng hành với mọi người cơ mà.

Nghe xong, dường như trong tôi vang lên bài hát “kết đoàn là sức mạnh”. Để rồi, vững niềm tin chờ ngày T khứ hồi về Kharkov cùng chúng ta xây dựng cơ đồ riêng chung vì đã có ngần ấy tháng năm sinh sống, đợi chờ ở quê hương thứ hai – Ucraina.

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn đồng hành” – Kharkov, tháng 9/2019

 

 

Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN