Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Cuộc sống mưu sinh của người công nhân giày da năm ấy

Thứ bảy, 02/06/2018 | 13:13
"Ấm lòng tình hữu nghị" đã giúp bà con vững tin vào một tương lai tươi sáng và kiên cường vượt qua những khó khăn trên hành trình mưu sinh nơi đất khách. Sau đây, Người Việt Odessa tiếp tục gửi đến bạn đọc lời chia sẻ của ông Tạ Đình Đại – cựu thành viên nhà máy giày da Odessa về chặng đường gian khổ từ khi ông còn là công nhân trong nhà máy năm xưa.

Gian khổ, nguy hiểm – có lẽ chỉ 2 từ đã nói lên hết được tình hình làm ăn thời đó. Nhưng cũng nhờ sự kiện lễ kỉ niệm 30 năm giày da Odessa lần này, chặng đường ấy được tái hiện lại sống động, chi tiết hơn, và tôi may mắn được có dịp trò chuyện cùng người công nhân, anh bộ đội cụ Hồ quê Hà Nội năm xưa. Ông cởi mở cho biết “hồi đó, cũng vừa hết 3 năm nghĩa vụ trong Bộ tư lệnh Quân Khu I, tôi định xin ở lại, tiếp tục phục vụ cho quân đội, nhưng may mắn đã mỉm cười, tôi nhận được suất đi lao động tại nhà máy giày da Odessa”. Những năm đó, nếu ai đã đọc "Tôi may mắn vì nhận được suất “duy nhất” đi lao động của tỉnh Hà Giang" mà ông Nguyễn Văn Tấn chia sẻ với Người Việt Odessa cách đây không lâu, thì chắc hẳn, sẽ nhớ rất rõ tình hình của 6 tỉnh biên giới phía bắc trong suốt gần 10 năm từ 1979-1989. Điều đáng nói, sở chỉ huy Bộ tư lệnh quân khu I nơi ông phục vụ có trụ sở tại Thái Nguyên lại đang là cơ quan đầu não có nhiệm vụ tổ chức, xây dựng, quản lý, chỉ huy quân đội chiến đấu trong những cuộc chiến tranh Việt Trung đó. May mắn mỉm cười đúng lúc quê nhà còn khó khăn, hạn đi nghĩa vụ cũng vừa hết, lấp đầy hành trang mang theo bằng những hi vọng, niềm tin cùng nghị lực kiên cường của người lính, ông bắt đầu hành trình tha hương nơi đất khách.

Cuộc sống mưu sinh của người công nhân giày da năm ấy

Sự đón tiếp nồng hậu của ban quản lý nhà máy, người dân địa phương ngay từ ngày đầu đặt chân đến đã giúp ông và anh em công nhân năm đó vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhanh chóng thích nghi, ổn định với cuộc sống hơn. Dẫu vậy, trong tâm khảm mỗi người, nỗi nhớ thương gia đình vẫn luôn đau đáu. Thế là cứ hết ca làm việc, các ông lại cùng nhau chia sẻ, làm quen với công việc buôn bán để kiếm thêm thu nhập gửi về giúp đỡ bố mẹ nơi quê nghèo. Biết là nguy hiểm, vất vả nhưng với bản lĩnh vững vàng của anh bộ đội cụ Hồ thì những khó khăn đó đâu dễ dàng gì khiến ông chùn bước. Học hỏi anh em đi trước, ông cũng lên Moscow mang hàng về bán và từ đây, chặng đường mưu sinh của ông đã có thêm những kỉ niệm đáng nhớ.

Cuộc sống mưu sinh của người công nhân giày da năm ấy

Với đôi mắt đỏ hoe và giọng chậm rãi ông kể tôi nghe từng chi tiết nhỏ trong quãng thời gian đáng nhớ đó. Lúc đầu phương tiện đi lại chính là tàu hỏa, về sau có điều kiện hơn chút ông di chuyển bằng đường hàng không. Vì chưa có kinh nghiệm nên vấn đề chênh lệch tỉ giá ngoại tệ, giấy tờ, công an… luôn khiến các ông rơi vào trạng thái bị động. “Vất vả vậy đấy nhưng muốn mua được hàng có phải dễ đâu, đường xá xa xôi, hay thời tiết khắc nghiệt thế nào chúng tôi vẫn cố gắng sắp xếp thời gian, ngoài giờ làm việc trong nhà máy, chịu khó đến khắp các cửa hàng bách hóa gần xa xếp hàng mua chậu nhôm, xô tôn, ly thủy tinh… Nghe ai đó nói có sinh viên từ Việt Nam mới nghỉ phép sang là chúng tôi phải tới hỏi liền, nếu họ có những món hàng mới, chúng tôi mua lại liền” – ông cho biết thêm. Chính lẽ đó, căn phòng nhỏ ở kí túc xá 35 ngày càng bé lại và lối đi trong phòng cũng bị thu hẹp dần bởi những thùng hàng cao ngất ngưởng đủ các loại: đồ gia dụng, đồ điện tử…

Công việc làm ăn buôn bán, kiếm ra được đồng tiền của bà con thời đó nơi đất khách sẽ chẳng ai thấu được sự gian truân như thế nào nếu chỉ nghe người này người kia kể lại. Nhiều người không lên Moscow mang hàng về được thì tìm, mua hàng rồi lại bán lại cho cửa hàng đồ cũ để hưởng số tiền chênh lệch. Đó là những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và đôi khi là cả máu. Bị chặn đường, cướp giật tiền bạc, hàng hóa, rồi xô xát chân tay, tím tái mặt mày… đều không hiếm gặp. Nhưng vòng xoáy mưu sinh, nỗi lo cơm áo gạo tiền đã giúp bà con đủ can đảm và bản lĩnh để vượt qua tất cả. Và ông cũng vậy, ông chỉ cho tôi vết sẹo trên đầu được hình thành gần 30 năm về trước. Ông xúc động cho biết: “thời chợ km số 7 đi vào hoạt động, ai cũng muốn giữ chỗ để tiện cho buôn bán, bà con thời đó đến sớm lắm, có khi phải chờ từ đêm hôm trước, để sáng sớm hôm sau, họ mở cửa mình tiện vào luôn. Hàng hóa khan hiếm, người bán thì đông, chỗ đẹp thì ít vậy nên xô xát là chuyện thường”. Dần thành quen, ông đã từng chút một tích cóp cho mình thêm những kinh nghiệm quý báu trên hành trình mưu sinh để rồi khi Liên Xô tan rã, nhà máy đóng cửa, ông vẫn đủ nghị lực, kiên trì bám trụ trên mảnh đất này, xoay sở không ít ngành nghề, vượt qua bao khó khăn để có được ngày hôm nay.

Cuộc sống mưu sinh của người công nhân giày da năm ấy

Đúng là vượt qua khó khăn, gian khổ, ta càng thêm trân trọng những gì đang có. Mảnh đất này, nơi gắn bó bao kỉ niệm đẹp thời trai trẻ đến giờ, ông vẫn luôn ghi nhớ, biết ơn và tự nhủ phải hoàn thành thật tốt vai trò của mình. Hiện tại, ông đang là Chi Hội trưởng chi hội 7 samurai, thành viên trong BCH Hội cựu chiến binh và Ban từ thiện Odessa. Với ông, nếu giúp được gì cho cộng đồng, cho bà con nơi đây, ông sẽ cố gắng hết sức. Biết tin có hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ, ông lại cùng Ban từ thiện đứng lên, kêu gọi những mạnh thường quân và những nhà hảo tâm trong cộng đồng. Sân bóng sạch sẽ phục vụ cho trẻ em vui chơi ở khu 7 samurai cũng là nhờ người Chi hội trưởng này kêu gọi sửa sang. Mỗi chiều đến, tiếng trẻ nô đùa, cười nói làm náo nhiệt cả khoảng sân nhỏ, bà con sống trên những tầng cao, mở cửa sổ nhìn xuống, chắc vui đáo để. Khuôn mặt những bé con rạng rỡ, những tràng cười khanh khách như liều thuốc tinh thần giúp mọi người quên đi bộn bề của cuộc sống, hòa mình với các em, cùng trở về tuổi thơ vô lo vô nghĩ.

Cuộc sống mưu sinh của người công nhân giày da năm ấy

Nói chuyện hồi lâu với ông và vợ mình là bà Nguyễn Thị Vinh, tôi như bị cuốn vào lúc nào không hay. Trong tưởng tượng, tôi thấy mình đang hóa thân vào một nữ công nhân năm đó, bôn ba, bươn chải, kiếm từng đồng để mưu sinh. Nhưng rồi nét mặt trầm ngâm, cái nhìn chăm chú, dõi theo từng từ, từng câu mà ông bà chia sẻ, con gái ông bà - em Tạ Thị Thu Linda đã giúp tôi thức tỉnh. Tôi nhẹ nhàng hỏi “em có suy nghĩ gì khi nghe bố mẹ tâm sự, trải lòng về gian đoạn khó khăn đó?”. Với nét hồn nhiên, và khuôn mặt đáng yêu của cô bé chưa tròn 15 tuổi, em đáp lại “Em hiểu, bố mẹ em đã rất vất vả, gian khổ để cho em có được một cuộc sống sung túc, đầy đủ như ngày hôm nay. Và bố mẹ đã phải trải qua rất nhiều khó khăn để cùng nhau vun vén, tạo dựng hạnh phúc gia đình. Em trân trọng hạnh phúc gia đình mình và hứa sẽ chăm chỉ học tập hơn nữa, không để bố mẹ phiền lòng”. Ông bà nhìn nhau trìu mến, mát lòng mát dạ.

Cuộc sống mưu sinh của người công nhân giày da năm ấy

Trước khi ra về, tôi đã phát hiện ra một sự thật đến bất ngờ. Hóa ra ngôi nhà chung 35 – nơi các công nhân nhà máy giày da Odessa sinh sống năm xưa nằm ngay đằng sau nhà ông. Vén nhẹ tấm rèm trắng tinh khôi, hướng mắt nhìn từ cửa sổ, chúng tôi thấy ngay cây sakura sừng sững, xanh mướt đang rung rinh trước gió. Và tòa nhà kia, nơi lưu giữ kí ức một thời, minh chứng cho những người dân Việt đã cần cù, chăm chỉ, mưu sinh trên mảnh đất quê hương thứ hai này, dù nắng mưa vẫn hiên ngang đứng đó. Ông nặng lòng nên cứ muốn ở mãi nơi đây, gần ngôi nhà chung này. Mỗi sớm mai thức dậy, đưa mắt ngắm nhìn tòa nhà, ông lại thấy trân trọng những gì đang có, kiên cường, bản lĩnh hơn trên mọi chặng đường cuộc sống.

Vô Ưu


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN