Một nhà hàng Việt Nam ở Warsaw, Ba Lan. Ảnh: Warsaw Foodie.
"Trung tâm thương mại", một khu buôn bán ở ngoại ô thủ đô Warsaw, Ba Lan, mang đậm chất châu Á. Giữa không khí buôn bán náo nhiệt, người ta nghe thấy tiếng đàn tam thập lục và âm thanh mặc cả bằng tiếng Việt. Những bộ bài tiến lên được bày bán trên các hộp carton. Tấm biển cảnh báo "Cấm đốt hương".
Ba Lan và Czech là hai quốc gia có quan điểm phản đối mạnh mẽ chính sách tiếp nhận những người tị nạn từ Syria, nhưng lại là nơi có cộng đồng người nhập cư châu Á lớn mạnh, trong đó có cộng đồng người Việt.
Những người Việt Nam đầu tiên đến đây vào thập niên 1980 thông qua chương trình trao đổi sinh viên giữa Việt Nam và các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Nhiều người sau đó ở lại định cư và đón gia đình sang, dần lớn mạnh thành cộng đồng khoảng 40.000-50.000 người ở Ba Lan và 60.000-80.000 người ở Czech.
Song song với sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt tại đây là sự xuất hiện ngày càng nhiều các ngôi chùa Phật giáo và các trung tâm văn hóa mang đậm bản sắc Việt Nam. Phở là món ăn đang rất thịnh hành ở thủ đô Prague và Warsaw.
Người Việt hòa nhập dễ dàng vào các cộng đồng địa phương ở Ba Lan và Czech. Ban đầu do chưa thông thạo ngôn ngữ, đa phần chọn các công việc không cần giao tiếp nhiều như bán buôn thực phẩm hoặc hàng may mặc. Nhiều người đổ về các trung tâm thương mại ở Ba Lan hoặc mở cửa hàng bán đồ thực phẩm tươi rải rác khắp Czech.
Tao Ngoc Tu đến Ba Lan từ thời sinh viên, hiện điều hành một công ty nhập khẩu chuyên đồ gia vị. Ông Tu là một trong số những người giàu có nhất ở Ba Lan.
Dân địa phương có thiện cảm với cộng đồng người Việt, trái ngược với quan điểm cứng rắn đối với những nhóm người nhập cư khác. Cử tri Czech năm ngoái bầu lại cho tổng thống có quan điểm chống nhập cư. Kết quả thăm dò dư luận của tổ chức nghiên cứu Pew tại Ba Lan cũng cho thấy gần một nửa dân số nước này cho rằng nên hạn chế người nhập cư.
Trong khi đó, nhiều người Việt ở đây cho biết qua thời gian, dân Czech và Ba Lan nhìn nhận cộng đồng người Việt như những người nhập cư "an toàn". Anh Tuyet Nguyen, một chủ tiệm cafe ở Prague, cho biết cô thường nghe thấy người dân địa phương nói đến "những người Việt chăm chỉ" khác hẳn với các nhóm nhập cư mà họ cho là "đang ăn bám".
Thế hệ người Việt Nam thứ hai tại hai nước cũng hòa nhập tốt với đời sống ở đây. Hầu hết đều đang theo học tại các trường công lập ở địa phương và một số đã trở thành công dân ở Czech hoặc Ba Lan. Do Thu Trang, một blogger người Czech sinh tại Việt Nam, cho biết cô học tiếng địa phương nhờ một bà vú nuôi người Czech trong lúc cha mẹ làm việc tại các chợ bán quần áo.
Nhưng không phải lúc nào con đường cũng bằng phẳng, một số người Việt cho biết họ bị chỉ trỏ trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc bị bắt nạt trong trường học. Hiện cả Ba Lan và Czech đều thắt chặt chính sách nhập cư, khiến số lượng người nhập cư từ Việt Nam trở nên ít hơn, đa phần đều do người nhà bảo lãnh.
Theo vnexpress.net