Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Chuyện người bán nước chè rong

Thứ tư, 19/09/2018 | 01:06
Đã bao năm rồi đồng hành cùng dân chợ búa mưu sinh tại Trung tâm thương mại mang tên viện sĩ hàn lâm Барабашова – Kharkov, có một nhóm người già trẻ gái trai khoảng trên dưới 100, cần cù siêng năng, chăm chỉ làm ăn “kiếm từng xu tiết kiệm từng hào” để tồn tại và duy trì cuộc sống nơi hải ngoại. Rất đáng được trân trọng.

Các bạn có biết là những ai không? Xin được bật mí trước nhé! Chính là những người bán nước chè rong, mà hàng ngày chúng ta thường “mục sở thị” họ bên “người bạn đường” là chiếc xe đẩy 4 bánh “vuông thành sắc cạnh”, rong ruổi theo chiều dài góc chợ từ sáng tinh mơ đến chiều tà.

Chuyện về những người bán nước chè rong chắc chắn có nhiều thú vị. Tin rằng sẽ thu hút được sự chú ý cho những ai muốn biết những suy tư thầm kín và việc làm lặng lẽ như thể do trời định khi thời thế đổi thay cũng như những biến động khôn lường từ bản thân họ. Với tôi, những tháng năm đi làm bằng Metro, có điều kiện “dã ngoại” nên thường xuyên gặp gỡ, trực tiếp trò chuyện cởi mở với họ, nhất là một số ít người một thời là dân chợ búa kỳ cựu từ thời chợ Trung tâm vào những năm 90 thế kỷ trước đến Trung tâm thương mại Барабашова bây giờ. Xin được chia sẻ với bạn đọc gần xa.

Mươi mười mấy năm về trước, tôi đã có nhiều bạn thân là dân chợ búa, trong đó có Trung. Ngày ấy hắn mới lập gia đình với cô gái cùng quê. Sống ở ký túc xá tập thể, đông đồng nghiệp là công nhân từ Việt Nam sang đây theo hiệp định kinh tế được kí kết giữa hai nhà nước Việt Nam và Liên Xô (cũ). Tiếc thay, do hoàn cảnh khách quan éo le, chưa hết thời hạn lao động đã phải kết thúc nhiệm kỳ. Để rồi, những người công nhân Việt ấy đổi đời, khoác áo dân chợ búa sinh cơ lập nghiệp bắt đầu và đi lên từ chợ. Vợ chồng Trung cũng trong dòng người đua chen đó. Qua tháng năm “ăn ra làm nên”, tậu cờ-va, sắm cả ô tô cho bằng anh bằng em cùng thời. Thêm nữa, đứa lớn ngồi ghế đại học, thằng bé cắp cặp đến trường phổ thông. Hạnh phúc gia đình nhỏ nhoi ngày càng được sưởi ấm trong mái nhà chung cộng đồng Kharkov.

Những ngày ấy, hễ ra chợ Барабашова, tôi luôn gặp gỡ vợ chồng Trung cặp kè ngồi bên nhau trong cửa hàng đầy đủ áo quần thể thao, đủ các chủng loại. Và, dường như lúc nào cũng phải “hoãn” trò chuyện vì đông khách mua buôn lẫn sắm lẻ. Bẵng đi một thời gian ngắn ít đến chỗ họ bởi công việc riêng chung quá bận rộn. Nhớ nhung bạn bè mãi giữa năm 2014, tìm đến thấy vắng bóng bạn. Nghĩ hắn về quê thăm lại người thân nên nén chịu, cố đợi chờ. Nhưng, bỗng một hôm, tình cờ gặp Trung đứng bên chiếc xe đẩy bán nước chè rong, đang tác nghiệp ở ngã ba đường.

Vừa mừng vui, chào hỏi xong tôi đùa:

- “Đổi đời” từ bao giờ đấy! Sao chẳng gọi điện báo cho nhau biết để khỏi ngỡ ngàng.

Như bằng lòng với chính mình, Trung mỉm cười đáp:

- Đã mấy tháng theo dòng đời đua chen này, tớ cảm thấy yên tâm, lòng thanh thản hẳn. Sáng đi tối về ngủ yên giấc chẳng phải vương vấn, lo toan hàng bán được hay không như mấy năm trước. Mặc dù thu nhập kém hẳn so với lúc hưng thịnh. Vả lại, có phải một mình tớ đâu.

- Còn bà xã? Tôi chợt hỏi.

- Đang tác nghiệp như tớ ở chợ trong. Trung vội đáp rồi chẳng để tôi kịp hỏi thêm, hắn thổ lộ ngay: Đúng vào lúc kinh tế chợ đình trệ theo cuộc khủng hoảng chính trị của nước sở tại. Vắng khách đường xa, hàng bán chậm hẳn, tồn kho vốn đọng, cảm thấy bản thân không thể vượt qua khó khăn khách quan này một khi chưa có điểm dừng, hai đứa “thuận vợ thuận chồng” quyết định “tạm dừng” kinh doanh hàng vải chuyển sang ngạch bán nước chè rong với quan điểm: vốn ít thu hoạch nhỏ nhưng đều, đủ chi phí sinh hoạt hằng ngày là ổn. Bởi biết bao nhiêu cho đủ lòng ham muốn của con người!

- Qua thực tế, cậu nghiệm thấy thế nào? Tôi đặt vấn đề.

- Rất đúng! Trung tâm đắc trả lời, sau đó trải lòng: Tuy nhiên, trên đời này muốn đạt được kết quả lớn hay nhỏ phụ thuộc vào sức lao động bỏ ra đã đành mà còn là tình yêu với nghề nghiệp mình nữa.

Đã nhiều năm qua. Và, vào cả những ngày này “vận đỏ” chưa quay về với dân chợ búa, tôi vẫn gặp đôi vợ chồng Trung gắn bó với chiếc xe đẩy bán nước chè rong quanh chợ. Nụ cười lúc nào cũng nở trên đôi môi, chứng tỏ họ vẫn tận tâm với cái “duyên phận phải chiều” của mình. Yêu biết mấy những con người như thế!

Hôm vừa rồi, có việc riêng rẽ qua dãy cửa hàng HN, gặp ngay Long, tôi bày tỏ nguyện vọng ý tưởng viết về “người đi chợ dài nhất ở chợ Барабашова”. Anh tủm tỉm đáp: “Là những người bán nước chè rong chúng tôi chứ còn ai khác”.

Chưa thật tin, tôi hoài nghi đặt lại vấn đề:

- Anh không nói đùa đấy chứ!

Nét mặt trở lên nghiêm nghị, anh kể một thôi một hồi như một bài tự sự ngắn, mà tôi như là “Thư ký”, cần ghi lại nguyên bản:

“… Năm 1997 đến Kharkov. Những ngày đầu, vì không có vốn nên đi làm thuê cho quán ăn “Hòa bá kiến”, được 6 tháng chủ vỡ nợ, tôi chuyển sang bán nước chè rong quanh chợ Барабашова. Tôi không phải là người bán nước chè đầu tiên, nhưng qua những thắng năm bươn trải có “kẻ đi”, tôi vẫn ở lại từ bấy đến nay. Vất vả sớm chiều lắm các bạn ạ! Xin mạn phép kể lại sơ lược cuộc hành trình của tôi một tuần như sau: Hồi chợ còn thịnh vượng, hàng ngày từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều với đoạn đường chừng mươi mười lăm cây số. Riêng 2 ngày bán buôn (thứ 2 và thứ 5) từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm, cây số tăng lên ước chừng trên 4 đến 5 thì hỏi rằng, cộng từng ngày nhân lên gần hai chục năm trời “trường kỳ” ấy sẽ là bao nhiêu nhỉ. Tuy nhiên những tháng năm gần đây chợ đuội, chúng tôi vẫn phải “cuốc bộ” cho đến người cuối cùng ở chợ.

Ngần ấy năm hành nghề, tôi thường tâm niệm: “Làm nghề gì cũng phải biết yêu thương, gắn bó với nó, chịu thương chịu khó và bằng lòng với việc mình làm thì mới tồn tại, vươn lên tầm cao mới”. Cũng như vẫn thấu hiểu ý nghĩa cuộc đời “con người ta dù ở vị trí nào trong xã hội cũng cần phải có lòng tự trọng, tạo cho mình uy tín”. Còn để mất nó sẽ trôi tuột đi tất cả như câu ngạn ngữ: “Mua danh ba vạn, bán danh một đồng”.

Nghe xong, ngẫm nghĩ một hồi thấu hiểu tất cả lại vốn là người đương thời của mọi người, cầu mong anh và đồng nghiệp “người đi bộ dài nhất ở chợ Барабашова” vững bước đi tiếp trên con đường mà mình đã lựa chọn, gắng tô điểm thêm nét đẹp sáng ngời của người lao động trong bất kỳ tình huống và vị trí nào trong xã hội, ở quê hương thứ hai – Kharkov này.

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành” – Kharkov. Tháng 9 – 2018.


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN