Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Chợ - Mùa hè năm nay

Thứ sáu, 02/07/2021 | 17:48
Thường lệ hàng năm, sau mùa xuân ấm áp. Hè về chợ khởi sắc nhộn nhịp đông vui hẳn. Những mặt hàng độc đáo như kính, áo phông, quần soóc cùng áo tắm... dành cho giới trẻ và những ai hâm mộ du lịch vào tháng 7 là tháng của biển đến tay người tiêu dùng ngày một nhiều nhiều hơn.

Nhưng tiếc thay... thôi thì mấy năm gần đây chợ đuội dần do kinh tế chợ không phát triển, khủng hoảng mang tính chất toàn cầu bạo ngược gõ cửa từng nhà, dịch Covid-19 hung hãn kéo dài triền miên, truyền nhiễm bệnh tật cướp đi tính mạng con người chẳng trừ một ai đã đành, đằng này năm nay cộng thêm thời tiết khắc nghiệt, trái mùa, quá trung tuần tháng 6, trời còn mát lạnh, mưa rào thì lấy đâu khách mua hàng mùa hè! Và, có lẽ chả phải riêng tôi những ai mục sở thị Trung tâm thương mại Барабашова vào những ngày mùa hè năm nay, chắc hẳn đều ngậm ngùi, buồn tủi thốt lên lời “chao ôi, sao chợ vắng vẻ người mua, thưa thớt người bán đến thế”.

Cuối tháng 6 - sáng sớm hôm thứ 2 - phiên chợ Оптом (bán buôn), vừa rồi, chập chờn trong giấc ngủ, tôi quyết định đi làm bằng Metro sớm hơn mọi ngày, phần vì trời nóng như muốn đổ cơn mưa nên tôi không thể chợp mắt nổi, phần vì trằn trọc, trăn trở suy từ trước những khó khăn khôn lường nơi chợ búa khi thời thế, tiết trời thay đổi quá nhiều, qua cuộc hội thoại nóng bỏng mang tính thời sự qua điện thoại với Đ - người thiếu phụ duyên dáng, dịu dàng với thân phận nghiệt ngã tròn 10 năm tự gánh vác chợ búa, nuôi dạy 2 con nhỏ khôn lớn trưởng thành sau ngày người bạn đời đột ngột ra đi về cõi vĩnh hằng.

Lắng nghe Đ thủ thỉ mấy lời than vãn, ngắn gọn thôi mà sao tôi nhớ mãi: “Anh biết không, hàng áo phông nam nhà em kinh doanh đã nhiều năm đều suôn sẻ, đủ đồng ra đồng vào nuôi hai cháu ăn học. Ngờ đâu, mùa hè năm nay từ tháng 5 đến giờ chẳng mấy khách mua ngó ngàng tới. Khiến lắm hôm trời nắng ngậm đắng nuốt cay về tay không. Nhiều ngày trời lạnh lại đổ trận mưa rào, kiên trì câu dầm may lắm được một vài chiếc, lãi không đủ chi phí tàu xe đi về chứ chưa nói đến đồ ăn thức uống hàng ngày cho mấy mẹ con, hỏi anh em phải làm gì bây giờ nếu tình cảnh này còn kéo dài thêm”. Biết chưa thể giải đáp ngay, tôi lựa chòn lời an ủi: “Tình hình chung ấy đâu phải riêng ở Kharkov mình. Miễn sao, mỗi người gắng chịu đựng với niềm tin mai ngày sẽ đổi thay như cuộc đời em đã trải qua bao bước thăng trầm riêng tư, vẫn là em mang nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam, đảm việc nhà”. Cuối cùng, tôi hẹn khi gặp nhau sẽ trao đổi thêm.

Theo dòng đời đua chen, con tàu 5 toa đi trong lòng đất đưa tôi đến Trung tâm thương mại Барабашова. Vừa bước chân lên mặt đất, chợt nỗi buồn không của riêng ai ập đến khi nhìn thấy không xa, bến Metro là mấy chục cửa hàng kính nối đuôi nhau nhau khép kín với dùng chữ lạnh lùng Сдам (cho thuê), Продам (bán) và số điện thoại dài lê thê in đậm nét màu đen trên trang giấy khổ A4 dán phía trước. Xa gần vắng người qua lại ngoài số đông ông chủ, bà chủ Tây lẫn ta, đeo khẩu trang kín mặt lặng lẽ ngóng chờ khách mua. Không ai nói một lời. Vì có chuyện gì để mà nói khi tâm trạng rối bời, thấp thỏm nhìn những thếp hàng ngăn nắp, bày trên mặt bàn nằm yên tại chỗ đã mấy ngày rồi, hoặc cố quên đi thời gian bằng cách theo dõi màn hình điện thoại nhỏ xíu. Thêm nữa, mấy cô gái Việt Nam bán nước chè rong, thẫn thờ đứng ngồi không yên bên chiếc xe đẩy 4 bánh, đầy ắp thìa, dĩa, cốc, bánh kẹo,.. thì hỏi rằng có đau đớn lòng không!

Đang đắm chìm mối lo cho dân chợ búa, trong đó có cả bản thân mình, mai ngày ra sao, tự vận động thế nào để cứu mình khi chợ vắng hơn chùa bà Đanh. Tình cờ gặp Q, thâm niên bán kính ở ngã ba đường, tôi dừng chân luôn.

Trước khi bước vào cửa hàng đầy kính, cẩn thận sửa lại chiếc khẩu trang và hứng giọng chào anh bạn đã 25 năm đồng hành tại Trung tâm thương mại Барабашова này. Xong đâu đấy tôi đặt vấn đề ngay:

- Hè về, kính đang vào vụ, vững bước mà đi chứ!

Nhẹ lắc đầu, Q vội đáp: “Ngược lại” rồi lý giải:

- Hè năm nay, kính mất mùa hẳn vì liền một lúc ngoài nguyên nhân khách quan là khủng hoảng kinh tế, dịch Covid-19 kéo dài lại thiếu 3 yếu tố cơ bản: thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì lấy đâu ra khách.

Liếc nhanh những dãy kính xếp chật ních trong và bên ngoài cửa hàng, tôi thắc mắc:

- Xuất ít mà cậu vẫn nhập nhiều như thế này à?

Tủm tỉm cười, Q chậm rãi bộc bạch:

- Phần lớn hàng tồn từ mấy năm trước để lại ấy mà anh. Cố bán giá gốc, thậm chí lỗ cũng bằng lòng, được đồng nào hay đồng ấy anh à! Ngưng một lát, chỉ cho tôi xem mấy lô kính đủ màu sắc, treo riêng trên tấm bảng gỗ, cậu chủ thổ lộ. Số ít hàng mốt này em nhập thêm cài vào bán nhưng cũng có mấy ai mua đâu.

- Vậy là, hè năm nay kính không vào vụ! Cảm thông với Q, tôi hỏi:

Thoáng qua nét buồn trên khuôn mặt sạm nắng, Q cứng cáp đáp:

- Tình hình chung của chợ chứ đâu riêng hàng kính. Và có lẽ cả nước U này. Phải không anh?

Chưa kịp đáp, chợt chuông điện thoại rung liên hồi, xin lỗi Q, tôi nghe điện thoại, hết K nhắc lâu ngày không gặp, mời đến cửa hàng tâm tình, lại đến Đ đang nóng lòng đợi để giải tỏa nỗi buồn vắng người mua của dân chợ búa,... Và, khi tôi lựa lời từ chối, ngại ảnh hưởng đến các bạn đang tác nghiệp, ai cũng trả lời: “Từ sáng đến giờ có người mua đâu”. Vừa lúc xem đồng hồ đã quá giờ trực ở văn phòng Hội (từ 9 giớ sáng đến 3 giờ chiều), vội tạm biệt Q và hẹn bạn sẽ gặp lại để chia sẻ nỗi buồn chợ mùa hè năm nay, vắng người mua thưa người bán để bày tỏ quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, trên phương châm lá lành đùm lá rách, niềm tin và hy vọng ngày mai sẽ sáng ngời.

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành” - Kharkov. Tháng 7-2021.