Thế là từ sau ngày ấy, ở phương Nam xa xôi đêm ngày bầu trời lại mịt mù khói súng, ruộng nương lại bị cày xới bằng nhiều loại đạn bom. Để rồi trong ta, tâm hồn càng thổn thức, xáo động, con tim thêm nhức nhối căm hờn. Và, mỗi phút giây ta lại gọi ta giục nhau, tay nắm tay khoác ba lô lên đường ra tiền tuyến. Nào quản chi chông gai, khói lửa đạn bom, thậm trí cả tính mạng vì Tổ quốc quyết sinh.
Ngày đêm đất nước không một người yên giấc ngủ và có một người băn khoăn, trăn trở hơn cả đó là Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta. Bởi “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi” như lời Người nói với đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đầu tiên chính thức ra thăm miền Bắc vào ngày 20 tháng 10 năm 1962. Rồi nữa, hơn ai hết bận tâm, suy tư, lo lắng nhiều cho Cách mạng miền Nam đang chìm đắm trong khói lửa vẫn là Bác Hồ. Nhưng với niềm tin sắt đá Người vẫn khẳng định sẽ thắng như Di chúc của Bác viết ngày 10/5/1969 có đoạn:
“Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là điều chắc chắn.
… Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ còn kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta cũng phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.
Ngày ấy đã đến. Đã đến như ước mơ và niềm tin của Bác Hồ chỉ tiếc thay, hiện thực ấy chỉ có được sau 6 năm Người vĩnh biệt chúng ta ra đi vào cõi vĩnh hằng. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở thành cái mốc lịch sử của dân tộc Việt Nam, khi xích xe tăng quân giải phóng nghiền nát cổng sắt Dinh Độc lập của chính quyền Ngụy ở Sài Gòn. Để rồi, khúc khải hoàn ca chiến thắng của dân tộc cũng được vang dội từ cái ngày lịch sử đáng ghi nhớ ấy. Luyến tiếc mỗi điều, vào giây phút giang sơn thống nhất chung một biển Đông, đồng bào xum họp một nhà, tự do qua lại cầu Hiền Lương lại vắng Bác. Buồn thêm, ngày lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc Việt Nam hùng cường sừng sững tung bay trước gió trên địa phận toàn quốc thì Bác đã đi xa, để lại cho con cháu, dòng giống Lạc Hồng, cùng cỏ cây hoa lá, đồng ruộng xóm quê những thổn thức, nhớ thương vô vàn.
Nhiều năm xa nhà, vắng quê hương, nhớ cội nguồn, viết đôi dòng tâm sự cháy bỏng yêu thương này, vào thời điểm trang sử ghi nhận chiến công vang vọng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như đưa hồn ta về với không khí hào hùng của những tháng năm xưa, như xếp ta vào cùng đoàn người, nắm chắc tay súng, ào ạt xông lên theo hiệu kèn tiến quân ca. Ta theo bài ca, khi bên ta là những chiếc xe tăng gầm vang, nhả đạn, là những chiến sĩ cảm tử quân đạp trên xác quân thù, xông vào sào huyệt cuối cùng của kẻ địch, là những bà má tận tụy, những chị dân quân bền bỉ tải đạn dưới làn bom, là dân Sài Thành già trẻ gái trai hân hoan đón chào ngày chiến thắng huy hoàng của toàn dân – Ngày hội Độc lập vĩnh cửu của dân tộc.
Thời khắc bộ đội giải phóng cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập
Kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi tên lính Mỹ xâm lược cuối cùng bước ra khỏi đất nước ta “Thon thả giọt đàn bầu” đến nay đã bốn mươi bốn mùa Xuân vĩnh cửu. Mùa Xuân nở rộ hoa thơm “bảy sắc cầu vồng” trên khắp núi đồi, xóm làng từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến mũi Cà Mau… đem lại sự trẻ trung muôn thuở cho mỗi người, mỗi gia đình Việt Nam, cho giang sơn gấm vóc “Việt Nam quê hương tôi” ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
Đã bao năm rồi, cứ vào ngày này, tháng này đất nước ta lại rộn ràng, reo vui tưng bừng đón mừng Lễ hội 30 tháng 4 chiến công vang vọng của chiến sĩ, đồng bào miền Nam trung kiên, bất khuất anh hùng, của toàn dân bền bỉ, dẻo dai quyết xây dựng đất nước thống nhất một nhà. Với chúng ta đang bươn trải nơi xứ người là dịp được kính cẩn nghiêng mình bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng tới mẹ cha, cô bác, người thân cùng anh em, bạn bè, đồng chí đã hy sinh vì độc lập dân tộc vì hạnh phúc mọi người. Thêm nữa, tới Đảng quang vinh tới Bác Hồ kính yêu – người “thuyền trưởng” tài ba, vững lái đưa con thuyền Cách mạng Việt Nam đến đài quang vinh.
Chúng ta, những đứa con xa nhà dù ở Kiev, Kharkov hay Odessa, Kherson… vẫn chung một lòng hướng về quê Mẹ - Tổ quốc Việt Nam; vẫn sát cánh bên nhau xây dựng một cộng đồng trong sạch và vững mạnh ở nơi đây – từ lâu đã là quê hương thứ hai của mình; vẫn cùng một niềm vui, một nụ cười – có cả những nụ cười của những người đã từng hành quân qua dải Trường Sơn hoặc trực tiếp có mặt trong những ngày Sài Gòn bão lửa đó.
Trưa ngày 30 tháng Tư ở Sài Gòn năm 1975 ấy đã đi vào lịch sử - trang sử được viết bằng máu và nước mắt của bao thế hệ cho giang sơn gấm vóc Việt Nam thống nhất một nhà, đời đời bền lâu.
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharkov tháng 4/2019