Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Chiếc cầu giao nối với khách hàng

Chủ nhật, 26/09/2021 | 17:59
Bấy lâu nay, nghe dân chợ búa kháo nhau: Hầu hết nhân viên bán hàng cho người ngoại quốc, trong đó có người Việt mình đang kinh doanh tại Trung tâm thương mại Барабашова - Kharkov là người địa phương (phần lớn là đàn bà con gái tươi tắn, nói năng dịu dàng).

Và có thể khẳng định rằng họ luôn giữ vai trò quan trọng là chiếc cầu giao nối với khách hàng - những người dân bản xứ một cách có hiệu quả hơn cả. Thoạt đầu, tôi chưa tin hoàn toàn nên quyết định ra chợ khảo sát tình hình thực tế. Thế là tai đã nghe, giờ đây mắt  lại thấy rõ mười mươi như vậy, khiến bao băn khoăn trăn trở trong tôi như được giải tỏa.

Qua trao đổi, ghi nhận ý kiến khác nhau của nhiều người về chủ đề này. Xin ghi lại đôi dòng mong được chia sẻ cùng bạn đọc gần xa qua mẩu chuyện sau đây.

Vâng, trưa thứ Bảy đầu tháng Chín năm ấy. Khi chợ còn đang hưng thịnh, tấp nập kẻ bán người mua, vừa đi ngang qua dãy TD, tình cờ gặp Huyền - một trong những chủ hàng của “thành phố túi” này, tất tưởi đi ngược chiều về phía tôi. Nhanh mồm nhanh miệng, giọng vui tôi hỏi đùa:

- Người đẹp đi đâu mà vội vàng thế?

“Ô anh!” Huyền giật thót mình, sau đó bình tĩnh lại rồi phân trần:

- “Chạy số, chạy má” khổ thế đấy anh.

- Nghe nói, túi bán tít quanh năm suốt tháng phải không Huyền? Tôi đặt vấn đề.

- Vâng. Thì từ trước đến nay, nó vẫn là bạn đồng hành của phái đẹp mà anh. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ đầy tự tin của Huyền, tôi hỏi:

- Thông thường tháng Chín chợ khởi sắc, chắc hôm nay bán được nhiều lắm em nhỉ?

- Ai thì không rõ chứ em so với hôm qua bán ra chưa được một phần tư. Mặt buồn thiu, Huyền đáp.

- Anh không hiểu vì sao? Thấy lạ tôi gấp gáp hỏi.

Chép miệng vẻ tiếc nuối, Huyền thổ lộ:

- Đơn giản chỉ vì nhà em bữa nay vắng bóng cô nhân viên Tây bán hàng.

- Vậy thôi ư? Vô lí, không có lẽ chỉ vì thế! Tôi không tin.

Khúc khích cười, Huyền chê tôi “anh lạc hậu quá đấy”, rồi chẳng đợi đối tác thanh minh, cô giải thích luôn:

- Từ lâu, nhân viên người địa phương bán hàng cho mình được coi là chiếc cầu giao nối với khách hàng - Những người dân bản xứ mà, anh chưa biết à! Nói xong, để thuyết phục tôi, Huyền chứng minh ngay bằng hoàn cảnh chợ búa của gia đình trước và sau ngày thuê nhân viên Tây bán hàng. Nào là, mới đôi ba tháng kinh doanh hàng túi, chồng cô đưa ra sáng kiến thuê một cô nhân viên giúp việc như bao người Việt khác ra sao. Rồi vừa nghe hết câu, cô gạt phăng với lí do “cửa hàng nhỏ chín mười mét vuông, vợ chồng đã hai thêm một là ba sẽ chật chội thế nào. Rồi, chồng không chịu xuống thang, đưa lí do người địa phương với nhau, đồng cảm về ngôn ngữ, họ khéo chào mời, chắc chắn là sẽ có hiệu quả hơn. Nào là, thấy cô khăng khăng từ chối,  ngỡ vợ ghen bóng ghen gió với cô Tây trẻ, anh trêu: mình thuê bà Tây cũng được chứ sao. Tiếp đó, để che đậy cái tính chi li, tiết kiệm viển vông không đâu vào đâu của mình, cô cố bộc bạch: màu sắc, mẫu mã, giá cả ghi cụ thể cho từng loại một thì cần thuê thêm người làm gì cho tốn công tốn của..

Nóng lòng, tôi ngắt lời Huyền:

- Và cuối cùng, vì lẽ gì giúp cho Huyền đồng ý thuê cô Tây trẻ cho đến tận bây giờ?

- Chả là thế này anh à! vào những ngày lễ hội, ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ Nhật, người mua đông, nhất là phụ nữ. Đằng này, hạn hữu mới có dăm ba cô gái trẻ tạt vào, ngó nghiêng hỏi han mấy câu, thử đôi lần rồi chẳng nói chẳng rằng bỏ đi luôn. Trong khi đó, nhà anh Minh đối diện, cũng kinh doanh túi thì hiếm có khách nào rẽ vào mà lúc ra về lại tay không.

Chẳng phải điều tra lâu la gì, ai cũng hiểu vì anh ấy có cô nhân viên bán hàng là người địa phương, đã xinh xắn lại khéo chào mời.

- Em cho đấy là nguyên nhân chính? Tôi gặng hỏi.

Huyền khẳng định:

- Tới chín mươi phần trăm đấy anh ạ!

- Em không ngộ nhận đấy chứ, còn công sức của mình, chưa tính đến à!

Cười hiền hậu, Huyền trả lời: Có chứ anh! Đấy là sự động viên khích lệ, là mối quan hệ bình đẳng giữa mình với người làm thuê, khiến họ tận tâm tận sức hơn.

Tạm biệt Huyền, tôi rẽ qua mấy góc chợ nhằm kiểm nghiệm những lời nói của Huyền thì quả thật, cảm thấy không cửa hàng nào dù là người da vàng hay da đen mà không có nhân viên bán hàng là người địa phương. Họ gần gũi, thân thiện với nhau, cùng tác nghiệp chả khác gì ruột thịt trong nhà, khiến trong tôi dấy lên tình cảm dạt dào về mối quan hệ người với người là bạn.

Và, cho tới cả bây giờ, chợ buồn tẻ vắng vẻ người mua, khủng hoảng kinh tế mang tính chất toàn cầu, cộng với đại dịch Covid nặng nề kéo dài thì chiếc cầu giao nối với khách hàng là người địa phương vẫn còn tồn tại vững vàng như chính kiến của Hưng - kinh doanh áo Куртка các loại khi chúng tôi gặp nhau chốc lát trao đổi và trò chuyện về chủ đề này vào một ngày cuối tháng 9 vừa rồi: qua hơn mười năm thuê cô Tây bán hàng, cộng sự liên tục cho đến bây giờ, tôi nhận ra vai trò của chiếc cầu giao nối với khách hàng là dân bản xứ của nhân viên bán hàng là người địa phương quan trọng như thế nào.

"Một người không thể thiếu trong các cửa hàng người ngoại quốc muốn có thu hoạch đều đặn và cao hơn" - tôi bổ sung và cũng là để kết thúc mấy lời tâm tình của mình.

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn Đồng hành” - Kharkov tháng 9/2021.