Lần đầu tiên tiếp xúc, mái tóc bạch kim và nụ cười đôn hậu của bà tạo cho tôi một sự gần gũi đến lạ. Bây giờ nhớ lại, giọng nói ấm áp và ánh mắt trìu mến bà nhìn tôi như thể đứa cháu bé nhỏ vẫn đủ dẫn dắt tôi mơ tưởng về một chân trời mới lạ, mà ở đó, trí tưởng tưởng của tôi tha hồ dong chơi, vùng vẫy. Chốc chốc, bà đưa tôi phiêu lưu ở nước Mĩ xa xôi, rồi có đôi khi ngay lập tức kéo tôi trở về với thực tại, rằng tôi đang ở thành phố hòn ngọc của biển Đen.
Theo dòng cảm xúc, mắt bà được lấp đầy bởi những giọt long lanh ngay khi trí tưởng tượng của tôi bắt đầu quẩn quanh với bang Floria nơi bà đang sinh sống. Ở đó, mọi người sống theo chế độ dân chủ và nỗi lo cơm áo gạo tiền cuốn con người ta ngày ngày chìm đắm vào sự bộn bề của công việc. Nếu như bà đã quen với việc về nhà hâm nóng đồ trong tủ lạnh để ăn luôn cho tiện thì khi đến nhà cháu mình, sự chu đáo của bà Huyền chuẩn bị 3 bữa cơm mỗi ngày với đủ vị rau thịt cá nóng hổi khiến bà xúc động vô cùng. Hạnh phúc nhất là khi cảm nhận không khí gia đình quây quần quanh mâm cơm, bố mẹ con cái cùng kể nhau nghe bao điều trong học tập, cuộc sống. Bà không nén được sự xúc động khi nhắc lại những bữa cơm đầm ấm của các gia đình bà con trong cộng đồng và cả bữa cơm liên hoan nhà ông bà Mai Trình chào đón bà Phan Quỳnh Dao. Anh em bạn bè cùng nâng ly chúc mừng nguyên lưu học sinh trường Thủy văn (1988-1993), hiện đã kết hôn với một người chồng ở Peru và có gia đình ở đó, trở lại sau 20 năm xa cách Odessa. Chính bà cũng phải bất ngờ vì giữa trời tây mà những bữa cơm chứa đựng bao giá trị Việt tốt đẹp và những tình cảm gắn bó, gần gũi vẫn được gìn giữ và phát huy như vậy.
Bà Phúc cùng mọi người gặp mặt gia đình chị Phan Quỳnh Dao.
Thời gian rảnh, bà thường chăm chú lắng nghe bố con ông Mạnh ngồi tâm sự với nhau như những người bạn. Ông kể cho con mình những câu chuyện xưa cũ, một mặt giúp con mình hiểu hơn về cha ông đi trước, mặt khác có thể giúp con trau dồi những kinh nghiệm sống quý báu để các cháu tự tin vững bước trên hành trình dài đang đợi phía trước. Có thể, đối với ông bà Mạnh Huyền và nhiều bà con người Việt Odessa đó là công việc lặp đi lặp lại, không biết tự bao giờ đã trở thành nếp sống của gia đình, nhưng ở Mĩ xa xôi, dù cha mẹ nào cũng muốn dành nhiều thời gian cho con cái, đi dạo, tâm sự cùng con nhưng vòng xoáy mưu sinh cuốn họ đi lúc nào không biết.
Gia đình bà gồm: 2 con gái, con trai, con rể Mĩ và các cháu của bà.
Bà còn kể tôi nghe rằng, dù ở xa nhưng bà vẫn thường xuyên cập nhật tin tức, theo dõi từng bài báo Người Việt Odessa. Đặc biệt, tết vừa qua, các đợt từ thiện nhận được số lượng ủng hộ rất lớn. Bà nhận thấy nhiều người có hoàn cảnh không mấy khá giả nhưng ai cũng biết chia sẻ, hướng về cộng đồng, chung tay góp sức phát huy truyền thống lá lành đùm lá rách của cha ông ta. “Rồi cô cháu tôi đây, cứ hễ có sự kiện gì lại sắp xếp thời gian tham gia đầy đủ. Như Ngày văn hóa Việt Nam tại Lvov chẳng hạn, lúc tôi đến chơi, cháu luôn hứng khởi tuần mấy buổi, đến tập văn nghệ cùng chị em khiến tôi cũng vui lây”. Những lời bà chia sẻ về người cháu dâu của mình như thể nói về cả cộng đồng nơi đây vậy. Có đôi lúc dù rất bận, nhưng vì công việc chung nên ai nấy đều muốn mang lời ca tiếng hát gửi gắm tới các chương trình để làm đẹp cho đời và để gắn kết bà con lại, tạo ra một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh.
Bà Phúc tham dự "Ngày Việt Nam" tại Lviv.
“Mỗi dịp tết đến, xuân về, nghe các cháu kể về những chiếc bánh chưng tình nghĩa, gửi bà những tấm hình mà cả cộng đồng quây quần bên những mớ lá dong xanh, mọi người ai cũng tươi cười vui vẻ, sao mà bà thấy ở Odessa mọi người tự do đến vậy! Ở bên kia, dù là hàng xóm với nhau nhưng đến chục năm bà mới biết mặt họ, bởi tất cả đều bó hẹp trong không gian của họ, nơi những căn nhà hộp ngày ngày bật điều hòa và những mảnh vườn của riêng mình chứ nói gì đến việc tìm một nơi thoáng đãng để luộc bánh chưng như thế này, mà nếu có, thấy mùi khói là cảnh sát họ đến liền”. - Bà tiếp lời.
Bà rất vui mừng khi ở Odessa vẫn giữ nguyên vẹn những nét đẹp văn hóa Việt.
Sau khi nghe bao lời hay, ý đẹp mà bà dành cho con người nơi đây, bà tiếp tục kể tôi nghe kỉ niệm khó quên của mình từ những ngày đầu đến thăm mảnh đất này. Bà nhớ như in Odessa chào đón bà bằng một bầu không khí thật mát mẻ, đầy vị biển. Những làn gió mát lành lướt qua, đùa nghịch với những lọn tóc đã nhuốm bạc mang lại cho bà cảm giác thư thái, dễ chịu vô cùng. Odessa thanh bình khác xa với những tin bài rằng Ucraina đang chiến tranh, loạn lạc mà bà vẫn đọc trên các trang báo. Và bà nhớ cả những cửa hàng, những góc chợ cùng bà Huyền ghé qua, các loại thực phẩm tươi sống ấy không giống những đồ đông lạnh, được tuân theo chế độ tiệt trùng nghiêm ngặt mà bà vẫn quen mua hàng ngày, nên dù đi ngang qua, các gian hàng đó như muốn níu chân bà khiến bà chỉ biết xuýt xoa khen ngợi.
Bà Phúc cùng cô cháu dâu trong một Lễ hội.
Suốt cuộc trò chuyện, tôi nhận ra, tên Phúc với bà thật hợp và thật đẹp. Nhìn khuôn mặt phúc hậu của bà khiến cho tất cả mọi người tiếp xúc đều thấy gần gũi như thế đã quen thân từ lâu. Bà kể tôi nghe bà vốn là người con quê gốc Ninh Bình nhưng đến năm 1954 bà di cư vào Sài Gòn. Sau đó, bà cùng gia đình đi theo tàu Mĩ qua bang Floria sinh sống khi đất nước Việt Nam vừa thống nhất. Đã ở tuổi ngoài 70 nhưng mái tóc bạch kim và nụ cười đôn hậu của người phụ nữ đã trải qua nhiều thăng trầm, chứng kiến sự thay đổi của lịch sử đất nước vẫn toát lên sự lạc quan, niềm tin hướng vào tương lai phía trước. Điều đó khiến tất cả chúng tôi nể phục và quý trọng bà hơn.
Bữa cơm ấm cúng của gia đình - nơi giá trị Việt được duy trì và phát huy
Trước khi chào bà ra về, tôi bị ấn tượng với mấy lời bà nói thế này: “Bà rất ngạc nhiên và ấn tượng bởi giữa trời tây, trong những ngày tháng xu thế hội nhập mà những giá trị Việt vẫn luôn được gìn giữ và phát huy. Truyền thống đó giúp ta nhớ về quê hương, về nguồn cội và tiếp thêm sức mạnh để chúng ta vươn lên trong cuộc sống”. Đến đây, chúng ta đều hi vọng, những ấn tượng mà Odessa đã để lại trong bà sẽ giúp bà có thêm nhiều cảm xúc để bút danh Hoàng Kì trong Hội văn bút Quốc tế - nơi bà đã gắn bó 43 năm, sẽ sáng tác ra thêm nhiều bài văn, câu thơ hay hơn nữa. Quan trọng hơn, ai ai cũng mong bà luôn khỏe mạnh và có nhiều dịp đến và hiểu mảnh đất này hơn!
Vô Ưu