Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Chặng đường 30 năm: Niềm tự hào của những cựu công nhân Giày - Da Odessa

Thứ bảy, 09/06/2018 | 08:19
Tháng Sáu đang về cùng nắng gió và những sắc màu rực rỡ của hoa trên thành phố cảng Odessa. Tháng Sáu đang về cùng những niềm vui, niềm tự hào của những cựu công nhân hai nhà máy Giày - Da Odessa. Vâng, niềm vui đang đến, bởi chúng tôi đang náo nức chuẩn bị và hoàn tất cho sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày đặt chân đến thành phố này (6/1988-6/2018).


Ban liên lạc nhà máy Giày - Da Odessa

Ngày ấy, theo hiệp định lao động đã được ký kết giữa hai nhà nước: Việt Nam và Liên bang CHXHCN Xô Viết – chúng tôi là những đội lao động Việt Nam đầu tiên đã đến Odessa để làm việc theo hợp đồng.

Thời gian trôi đi nhanh quá! Mới đó mà đã 30 năm rồi. Nhớ lại những ngày tháng ấy, ký túc xá 35 đường Frunze bỗng trở lên nhộn nhịp, tấp nập và có phần ồn ào vì sự có mặt của mấy trăm lao động Việt Nam chúng tôi về đây sinh sống. Chính tại KTX số 35 đường Frunze và quá trình đi làm ca kíp trong nhà máy là nơi chúng tôi đã quen biết nhau, rồi gắn kết thành một tập thể lớn cùng với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn… Cho đến bây giờ vẫn còn in đậm trong tâm trí của tôi và có lẽ mọi người cũng vậy. Vì vậy, tháng Năm vừa qua, tập thể anh chị em cựu công nhân Giày - Da đã thống nhất trồng một cây hoa anh đào Nhật Bản trước ngôi nhà số 35 Frunze để làm kỷ niệm.

Ba mươi năm qua, chúng tôi đã chứng kiến nhiều biến động của xã hội do lịch sử để lại cùng những thăng trầm trong cuộc sống. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, những người công nhân Giày - Da luôn vượt qua những khó khăn, thử thách để tồn tại, sinh sống và vươn lên để làm ăn, xây dựng cộng đồng. Hai từ “cộng đồng“ ở Odessa cũng bắt đầu bằng sự góp mặt của những người là công nhân Giày - Da. Vì vậy, chúng tôi có quyền để tự hào, mình là những người đặt nền móng đầu tiên, là lực lượng nòng cột của cộng đồng người Việt Nam ở thành phố Odessa.


Đội nữ công nhân Giày - Da trước kí túc xá 35 Frunze (chụp tháng 5/2018)

Hôm nay, thế hệ thứ hai, thứ ba, là con cháu chúng ta đã được sinh ra và lớn lên tại nơi đây. Các cháu đã và đang dần hội nhập cùng xã hội nước sở tại bằng các công việc của mình trong các cơ quan, nhiệm sở... Có một số cháu cũng đã có thành công bước đầu. Đó là niềm tự hào của các bậc cha mẹ nói riêng và của cộng đồng nói chung.

Ngày Lễ kỷ niệm 30 năm đang đến gần, mỗi người chúng tôi như càng thêm xúc động, bồi hồi và náo nức chờ đón ngày vui ấy! Niềm vui của “Đại gia đình Giày - Da” như được nhân lên và lan tỏa, vì sự góp mặt tham gia của những cựu sinh viên, nghiên cứu sinh những năm 1980-1990, mà hiện nay anh chị em đang sinh sống tại thành phố Odessa này. Chúng tôi càng vui hơn khi biết rằng, ngày vui của chúng tôi sẽ có sự tham gia và ủng hộ cả về tài chính của nhiều bạn bè và bà con trong cộng đồng.

Để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 30 năm, Ban liên lạc nhà máy Giày - Da do anh Trương Văn Hùng làm Trưởng ban đã họp và triển khai công việc từ mấy tháng trước. Anh Hùng và anh chị em trong Ban tổ chức chúng tôi đều thống nhất ý kiến rằng: "Để có một Lễ kỷ niệm thật ý nghĩa, trang trọng, ấn tượng mà vui vẻ, đoàn kết, ấm cúng là vấn đề không dễ và không đơn giản“. Do vậy tất cả mọi người đều chung sức chung lòng tham gia với mong muốn có được kết quả cao nhất .

Chương trình văn nghệ đã được giao cho anh Nguyễn Trọng Thủy và chị Trần Thị Thanh Hòa phụ trách. Chương trình khá đa dạng và phong phú cùng sự tham gia góp mặt của hai thế hệ. Anh chị em trong đội văn nghệ đã tham gia luyện tập nhiệt tình, mặc dù công việc làm ăn và công việc gia đình bận rộn. Chúng tôi hy vọng, chương trình văn nghệ “Cây nhà lá vườn“ sẽ làm hài lòng cả khách mời và chủ nhà. Chúng tôi xin "bật mí", bài hợp ca mở màn buổi lễ của anh chị em cựu công nhân Giày - Da trong màu xanh của quân phục. Tổng đạo diễn chương trình muốn nói lên một điều: Anh chị em công nhân Giày - Da năm xưa vốn là những người lính đã phục vụ trong quân đội. Những cô gái của đội nữ công nhân năm xưa cũng đều là con em gia đình có công với cách mạng, gia đình bộ đội. Truyền thống gia đình và bản chất của những anh bộ đội cụ Hồ cùng những nỗ lực của mỗi người đã viết lên niềm vui, niềm tự hào chung cho Hội cựu công nhân Giày - Da những khúc ca trong chương trình mang tên “Ba mươi năm nhớ mãi“.     

Bài của bà Nguyễn Thị Đình - Phó Ban tổ chức, nguyên đội trưởng đội nữ. Ảnh của Lê Thái Kỳ