Nhanh thật! Thế là một năm nữa lại qua đi. Qua đi ba trăm sáu mươi nhăm ngày đêm với bao bước thăng trầm đổi thay của thời cuộc. Và, được giữ lại trong ta những kỷ niệm thầm kín đầy mộng mơ của tuổi thơ cùng những mảnh đời được chắp nối qua những tháng ngày hành hương đi tìm tình yêu, hạnh phúc cũng như chân lý và sức sống con người.
Nhớ mãi. Hơn hai mươi năm trước đây có trong tay tạp chí “Quê hương”, xuất bản vào xuân Mậu Dần 1998, đọc hai câu đối Tết của Nguyễn Mạnh Hiếu, cho đến bây giờ - Xuân Kỷ Hợi 2019 này, vẫn như quyện chặt hồn tôi vào ý tứ sâu sa, lai láng tình người của tác giả:
“Người Việt đến năm châu, Tết vẫn hướng về nơi đất Tổ”
Chao ôi! Chỉ bấy lời ngắn gọn ấy thôi, tác giả đã gói ghém được tất cả tâm tư thầm kín và nỗi thương nhớ Tổ tiên của những đứa con “máu đỏ da vàng”, sống xa nhà, xa quê hương Tổ quốc Việt Nam.
Quê hương – Hai từ ngữ thân thương ấy đã gợi lên trong ta bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ, của một thời đã qua mà ta gọi là những kỷ niệm một thời nông nổi/ cứ thôi thúc hoài, khắc khoải nơi trái tim!
Quê hương, đấy là những dòng sông nhỏ uốn khúc quanh xóm làng, mà ở đó sớm tối chiều hôm, người dân chài tung lưới, đặt vó bắt cá nuôi thân, đấy là hàng dừa xanh nặng trĩu quả hững hờ soi mình bên bờ nước trong xanh, là lũy tre, kết thành từng cụm bao quanh xóm thôn, tựa như pháo đài bảo vệ sự yên lành cho dân quê, là những cánh đồng mượt mà, bát ngát mà ở đó những hàng lúa non uyển chuyển theo nhịp gió thổi mang đến cho nhân loại một vẻ đẹp thiên nhiên về hương đồng cỏ nội chỉ có ở miền quê, là “ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó” hoặc những dãy nhà cao tầng nằm sát những tuyến đường rộng thênh thang tám bước để rồi “Bước chân tôi qua bao nẻo đường vẫn mong một ngày trở về quê tôi…”. Rồi, gần gũi gắn bó hơn là mẹ cha cô bác anh em người thân cùng bè bạn xóm giềng, tối lửa tắt đèn có bên nhau ngọt ngào như chùm khế, đậm đà quyện chặt như bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ vào ngày Tết và nói một cách văn học hơn, quê hương gieo vào lòng ta giữ mãi khôn nguôi lại ấm tình người từ dân ca quan họ Bắc Ninh đến điệu tuồng miền Trung hay làn điệu cải lương quê hương Nam bộ.
Thời ấu thơ cắp sách đến trường có lẽ ai cũng thuộc lòng câu “Ờ đã chín năm rồi đấy nhỉ!” trong tuyển tập thơ của thi sĩ Tố Hữu, khi tác giả nhớ lại chặng đường gian khổ kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Để rồi, giờ đây, liên tưởng tới cộng đồng người Việt mình rời quê hương xứ sở đang sinh sống, làm việc và học tập ở nhiều thành phố tại Ucraina này, tính ra đã qua mấy lần “bão lửa” ấy, rất đáng được trân trọng, tự hào.
Vâng. Có anh lúc rời bỏ bản làng mái tóc còn đen láy nay đã điểm bạc, trắng đầu, có chị ngày tạm biệt người thân còn xuân xanh nay đã đến độ “hồi xuân” vẫn cặm cụi, chợ búa thui thủi một mình, có em gái vừa rời ghế nhà trường, xách va-li lên đường, ngoảnh đi ngó lại đã qua mười năm lạc lõng một mình… Bởi thế, những khó khăn vất vả của mỗi người vì “một cộng đồng trong sạch và vững mạnh” so với những mất mát ấy nào có thấm tháp gì. Về phận mình, tôi thường nghĩ, dù muốn hay không cũng phải có một lần ta bóc trang lịch cuối cùng để bước sang năm mới. Và, dù có buồn mấy vì mất đi một tuổi xuân thì cũng cố dẹp đi để nghĩ về ngày mai như Xuân Kỷ Hợi năm 2019 này hy vọng và chắc chắn theo ý nghĩa của phong thủy: “con lợn mang biểu tượng giàu sang” sẽ mang đến cho nhân loại một sức sống mới tràn đầy niềm tin như một áng thơ tuyệt với của Bác Hồ kính yêu:
“Xuân này hơn hẳn mấy năm qua”
Nhìn lại năm qua, cuộc sống của cộng đồng ta có bao nhiêu biến đổi theo bước thăng trầm của thời cuộc. Nhiều người nhận định năm 2018 “trầm” hơn năm 2017 thế thì năm 2019 này, theo quy luật sau “trầm” là “thăng”, ắt phải hơn năm 2018. Sẽ là như vậy, nếu mỗi người biết tự vận động, đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà, như người yêu đến với tình nhân của mình. Và, sẽ là như thế, bời bà con lao động ta vốn chăm chỉ làm ăn, cần cù nhẫn lại, biết “mình là ai, đang ở đâu và làm gì!”. Bởi nữa, có Hội người Việt Nam, Hội đồng hương các tỉnh thành có khả năng tập hợp quần chúng thành một khối thống nhất và bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ theo pháp luật hiện hành của nước sở tại, lại được sự chỉ đạo sát sao, giúp đỡ tận tình của Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina tới từng địa phương có người Việt mình sinh sống… Tin rằng, năm Kỷ Hợi 2019, sẽ có nhiều đổi thay cho mỗi gia đình người Việt, cho tình yêu lứa đôi, cho nụ cười trẻ thơ luôn nở rộ vài “mùa Xuân đại thắng”.
Nhân dịp đón năm mới – Tết cổ truyền dân tộc, từ con tim biết yêu thương , tôi chân thành chúc bạn bè bốn phương, anh em xa gần trong cộng đồng mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang thịnh vượng trong mối quan hệ “người với người sống để yêu nhau.”
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharkov. Tháng 02/2019