Người Việt Odessa
Chia sẻ cộng đồng

Biển trời tình cha

Thứ sáu, 12/04/2019 | 07:28
Ai cũng có một miền quê để mà thương mà nhớ. Và, rồi ai cũng có riêng mình những kỷ niệm để mỗi lần hồi tưởng lại càng thương nhớ nhiều. Với tôi, bao dấu ấn của cuộc hành trình về quê vào tháng 4 năm 2010 – Sau 34 mùa xuân chia xa Hà Nội, vẫn còn giữ mãi. Những mong được chia sẻ cùng bạn đọc gần xa.

Hà Nội - ngày về quê 2010

Vâng. Ngay sau ngày đặt chân lên mảnh đất Kinh đô, nguyện vọng cùng anh trai đến nghĩa trang thăm Ba – ra đi vào cỗi vĩnh hằng trước mấy tháng máy bay khổng lồ B52 của đế quốc Mỹ rải thảm bom lên phố Khâm Thiên (tháng 12 năm 1972) đã được thực hiện. Hồi hộp đi bên anh, mong mỏi từng phút giây gặp lại Ba. Bởi lẽ cuối năm 1973, tôi vội vã lên đường đu học ở Moscow, thủ đồ Liên Xô cũ, nên không kịp đến nơi Ba nằm yên nghỉ để thắp nén hương nghĩa tử, đền đáp công ơn cha rộng lớn vô bờ, để thấu hiểu hơn phận mình “khôn lớn lên nhờ có biển trời tình cha”.

Cho đến bây giờ đã qua đi 47 năm trời đằng đẵng (1972-2019) mưu sinh ở nơi xứ người này, tôi vẫn giữ nguyên tấm ảnh cũ, với dòng chữ mộc mạc của người anh trai “Tang lễ Ba có anh và em”, để rồi hàng năm, vào ngày giỗ Ba tôi thường lấy ra ngắm nghía, nước mắt ngưng tròng, đầu óc rối tung với bao suy tư nặng nề cảnh đời cô đơn, côi cút của mình cho đến lúc chợt thấy yên lòng khi cảm nhận đang ở bên Cha. Đâu chỉ ở lúc này, mà đã hơn 60 năm về trước, khi tôi vừa tròn một tuổi, mẹ đã đột ngột từ giã cõi đời, để lại gánh nặng trên đôi vai cha cần cù chăm chỉ làm ăn, nuôi nấng dạy dỗ con cái lớn khôn trưởng thành.

Nhớ khôn nguôi, tuổi thơ những đêm nằm ngủ bên Ba. Nhiều lần tỉnh giấc mơ màng ôm chặt Ba, thì thầm gọi “Mẹ ơi!”. Ba mỉm cười, giọng âu yếm khuyển nhủ: “Con ơi! Con ngủ cho ngoan”. Tôi yên lòng, đón nhận hơi ấm từ Ba, im ắng trong giấc mơ “Tình Cha nghĩa Mẹ” cho đến sớm mai ngày. Thêm nữa, lắng động mãi trong ký ức tuổi thơ, những buổi chiều hôm lặng gió vắng cơn mưa, Ba vội vã mở cửa, bước nhanh vào căn hộ nhỏ, ở ngõ nhỏ của phố Khâm Thiên xưa – nhà tôi ở đó. Hối hả ôm chặt đôi vai gầy của tôi, dúi vào bàn tay xinh xắn, bé xíu của đứa con nít khi thì tấm mía “lùi” ngọt ngào, khi thì tấm bánh Khảo thơm phức mùi bột tinh, khi thì thành kẹo lạc vừng đượm vị hương đồng cỏ nội… Hỏi rằng, còn tình nào nặng hơn.

Giây phút đứng trước Ba. “Tấm ảnh trẻ trung từ thưở ban đầu” đặt trên tấm bia ở ngôi miếu thờ Ba, tôi nhớ lại hết thẩy những tháng năm sống bên Ba mà lòng bồi hồi xao xuyến. Kính cẩn thắp Ba nén hương nghi ngút khói, đôi mắt đẫm lệ vì quá đợi chờ, tôi thầm thì khấn vái như thể nhủ mình “Nay con khôn lớn lên người là nhờ Công Cha như núi cao vời. Vậy con phải làm gì đây để có thể báo đáp được Biển trời tình Cha!”

Tuân theo lời dạy của Ba, từ lâu tôi hằng tâm nguyện và cố gắng phấn đấu trở thành một con người trung thực, hữu ích cho bản thân, gia đình lẫn xã hội như Ba đã là tấm gương sáng.

Ra về, lòng nhẹ nhàng thanh thản hẳn vì đã “gặp” Ba sau mấy chục năm xa cách, vì đã đón nhận được ánh mắt cảm thông của người anh trai đối với tôi – đứa em út sống phiêu dạt nơi xứ người.

Thăm Lăng Bác Hồ

Trước ngày khứ hồi về Kharkov tôi tranh thủ bằng được thời gian đến Lăng Bác Hồ ở quảng trường Ba Đình lịch sử thăm Người – vị cha già của dân tộc, cả cuộc đời vì nước vì dân. Chậm bước theo dòng người vào Lăng Bác mà lòng bổi hổi bồi hồi nhớ thương Chủ tịch Hồ Chí Minh vô vàn. Phía trước tôi, một cụ già dáng người tỉnh xa, có mái tóc trắng như cước với chiếc áo “vét xanh thẳm” màu nước biển lúc chiều buồn. Và, ở ve áo trên gắn một vài tấm huân chương vàng chói. Thấy cụ quá chăm chú nhìn như dán đồi mắt vào tôi – có lẽ vì nước da trắng trẻo của mình chăng! – Tôi trộm nghĩ và có cảm giác thèn thẹn.

- Thưa, cụ ở vùng quê nào ạ? Tôi đánh bạo làm quen hỏi.

- Tôi ở ngoại thành. Còn chú mày?

- Cháu dân Hà Nội. Quê làng Kim Liên ạ! Im lặng một lát, tôi chân thật lẹ làng bày tỏ. Mấy chục năm qua cháu sống lưu lạc ở Kharkov, nước Ucraina. Nay về phép thăm nhà. Vâng, có bấy nhiêu thời gian mà đất nước ta đã đổi thay quá nhiều cụ nhỉ? Tôi trả lời cũng là vừa bày tỏ tâm tư của mình. Và, qua trao đổi, chuyện trò tôi được biết cụ đã có mặt vào những Ngày đầu của cuộc Khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, sau đó là 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực đân Pháp. Ngày miền Bắc hòa bình lặp lại, cụ trở về qê tham gia sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Tôi lại biết thêm, ngày cuối cùng từ giã chiến trận, cụ vẫn chỉ là người lính bình dị, mang trên mình những tấm huân chương cao quý mà Tổ quốc ghi nhận chiến công của cụ trong những ngày khói lửa.

Từ lăng Bác ra, cụ nắm chặt tay tôi giọng cởi mở:

- Những năm gần đây tôi có thói quen đến nơi đây vào đầu tháng 4. Trước hết vào Lăng thăm Bác, sau nữa cũng là dịp gặp gỡ những đồng chí cũ, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời chinh chiến trong cuộc đời mình.

Chiều hôm ấy, khi đã trở về nhà, tôi luyến tiếc hoài quên không hỏi tên cùng nơi ở của cụ, để một ngày nào đó đến thăm cụ cùng xóm làng ngoại ô Hà Nội. Song may thay tôi đã tìm ra cho mình niềm an ủi. Bởi dường như tôi vẫn giữ trọn vẹn trong lòng hơi ấm của vị cách mạng lão thành ấy khi cụ nắm chặt bàn tay tôi. Và, trong giấy phút này tôi cảm thấy con tim mình đập dồn dập hơn bởi cuộc hội ngộ hữu tình tại Lăng Bác Hồ để cùng nhau nhớ lại công ơn vĩ đại của Người – “Người là Cha, là Bác, là Anh, là quả tim lớn bọc trăm dòng máu nhỏ”.

Hôm nay, vào những ngày tháng 4 năm 2019 này tôi vẫn sống xa nhà, xa đất nước, càng nhớ nhung nhiều ngày về quê năm ấy với bao kỷ niệm riêng, chung. Để rồi, nhiều đêm chập chờ trong giấc ngủ mơ về quê – nơi một triền đê có hàng tre ru khi chiều về - để thêm một lần nữa thưa với tổ tiên, cô bác, xóm giềng rằng:

"Nay con khôn lớn nên người

Là nhờ có được biển trời tình Cha”

Nguyễn Trọng Cơ

“Bạn đồng hành – Kharkov, tháng 4-2019”