Bác kể chuyện về một số gương mặt phụ nữ trong kháng chiến và thành tích của chị em phụ nữ miền Nam, Bác dịu dàng hỏi Đại hôị:
- Phụ nữ miền Nam rất anh dũng, rất đảm đang. Vậy phụ nữ miền Bắc có sẵn sàng thi đua với phụ nữ miền Nam không
- Thưa Bác có ạ! Cả hội trường hào hứng đáp.
Bác rất vui lòng, Người nói:
- Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, thanh niên Việt Nam là thanh niên anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng. Hai nghìn năm trước đây, ta có các anh hùng: Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống Pháp trước kia và trong kháng chiến chống Mỹ ngày nay, ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ (Trích “105 lời nói của Bác Hồ - NXB Văn hóa Thông tin tháng 5/1995”).
Nét đẹp anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang của người phụ nữ Việt Nam thời chiến ấy bấy lâu nay ta thường vẫn gặp trên các trang sách báo, phim ảnh cùng các loại hình nghệ thuật khác. Để mỗi lần nhớ lại thấy cảm phục, trân trọng và tự hào về họ muôn vạn lần hơn lên.
Giờ đây, sinh sống, làm việc và học tập nơi đất khách quê người từng trải qua bao sóng gió cuộc đời, bao thăng trầm trên thương trường. Để rồi qua tháng năm bươn trải, đụng độ với những khó khăn khôn lường âý đã xuất hiện vô vàn những tấm gương sáng ngời về người phụ nữ Việt Nam đảm đang việc nhà ai cũng dễ nhận ra quanh ta hằng ngày. Đặc biệt những chị em thân phận góa bụa sau ngày “nắng tắt rồi anh phải đi xa”, càng được bộc lộ một cách rõ ràng hơn mà trên trang báo này, tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc gần xa.
Vâng. Từ lâu, vốn gắn bó tình thân với dân chợ búa như anh em ruột thịt trong một gia đình, lớn lên có thói quen hàng ngày, hễ có mặt tại Trung tâm thương mại Барабашова thì dù cho có bận trăm công nghìn việc vẫn tranh thủ thời gian dạo quanh chợ với ý nguyện “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” (Chứ đâu chỉ xuất ngoại như ai đấy quan niệm một chiều) và tìm hiểu những nét của người phụ nữ tận tụy trong lao động lẫn gánh vác việc nhà, thay chồng nuôi con để mà yêu mà quý.
Hôm thứ 2, phiên chợ bán buôn đầu tuần vừa rồi, đang dạo quanh góc chợ bên bến tàu điện ngầm Барабашова, chợt nhìn thấy H (Đầu năm 2016 tiễn chồng ra đi về cõi vĩnh hằng, giữa năm đưa lọ tro (di hài) “người bạn đời” về quê cha đất mẹ) đứng lặng lẽ một mình bên cửa hàng, vắng người mua, tôi liền rẽ vào chào hỏi thân tình xong, theo chủ đề “Ân tình chẳng nhạt phai” của mình, tôi ướm hỏi:
- Từ ngày N ra đi đến nay H vẫn “một thân một mình” tự buôn bán kinh doanh?
Thoáng qua nét buồn trên khuôn mặt thanh tú đượm mấy nếp nhăn ở đuôi mắt của người đàn bà trẻ góa bụa, H đáp gọn: “Vâng” rồi nhẹ nhàng thổ lộ tâm tư qua giọng nói ấm áp tình người:
- Hỏi anh, em phải làm gì khi tình nghĩa tao khang vợ chồng qua mười mấy năm trời chung sống vẫn còn ấm áp bền lâu trong em. Im lặng giây lát, đôi mắt long lanh giọt lệ, H nghẹn ngào tự sự: thêm nữa, đã hơn 1000 ngày đêm sống cô đơn, hình ảnh anh ấy thủa ban đầu gặp gỡ vẫn giữ mãi trong con tim và dư âm lời anh thì thào bên tai em trước lúc ra đi “Anh đi rồi, em có buồn lắm không em” vẫn bền lâu trong tâm hồn thì hỏi rằng “đi bước nữa” sao đặng!
Nghe xong, bâng khuâng, trong lòng cảm phục, xen lẫn xót thương số phận hẩm hiu của người đàn bà dang dở ở tuổi xuân sắc còn đọng trên môi, tôi chuyển hướng:
- Mấy đứa con của H nay thế nào?
Giọng phấn khởi H vui vẻ đáp:
- Cô con gái đầu lòng đã “xuất giá tòng phu” yên phận gia đình. Cháu trai thứ hai đã học hành đến nơi đến chốn, có thể sống tự lập được.
- Có nghĩa là, hiện thời H rảnh rỗi đường đời với con cái. Thở phào nhẹ nhõm thay H tôi thêm lời, đặt vấn đề: Vậy thì còn lại mình em, theo anh cũng nên “đi bước nữa” cho đời đỡ quạnh hiu.
Suy tư một lát, như thể nghe ra. Vững tin, H bộc bạch:
- Đôi khi em cũng nghĩ như thế. Nhưng không thể vội vàng ngay được. Và dù cho mai ngày thực hiện được ý muốn của mình vẫn không quên trách nhiệm “thờ chồng nuôi con” bằng lương tâm của người vợ, người mẹ. Phải không anh?
Tôi gật đầu tán thành.
Tạm biệt H. Cầu mong em gặp nhiều may mắn trong niềm tin “ân tình chẳng nhạt phai”. Và, nhiều chị em khác cùng cảnh ngộ với H trong cộng đồng ta vững bước đi tiếp trên đường đời bằng hạnh phúc trời cho.
Trân trọng tự hào và yêu quý biết mấy những con người như thế ấy!
Nguyễn Trọng Cơ
“Bạn Đồng hành” – Kharkov tháng 11/2019.